MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Traphaco: Nữ doanh nhân "chống" khủng hoảng khéo hơn nam giới

15-10-2012 - 08:59 AM |

"Thậm chí, một vị lãnh đạo WB tại Việt Nam cũng thừa nhận "thích" cho phụ nữ vay tiền hơn vì khoản vay thường sẽ đảm bảo "ít rủi ro" hơn".

Trong câu chuyện về nữ doanh nhân làm kinh tế, bà Vũ Thị Thuận – chủ tịch Công ty CP Traphaco đã có những chia sẻ cởi mở với CafeBiz về đề tài này nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới.

Chào bà, nói về phụ nữ ngày Phụ nữ Việt Nam, là một nữ doanh nhân thành đạt, đảm nhiệm các chức vụ cao nhất trong doanh nghiệp, bà nhận định thế nào về nữ doanh nhân thời đại mới. Họ có thuận lợi và khó khăn gì so với nam giới trong việc làm kinh tế ?

Trước đây, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm “thu vén” gia đình khiến người phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong việc gánh vác những vị trí cao trong công việc.

Với định kiến xã hội trước, hầu hết các công việc “lớn” bên ngoài thường do nam giới đảm nhiệm. Nhưng ngày nay, chị em phụ nữ đã xuất hiện nhiều hơn tại các tổ chức, ở các vị trí điều hành và quản trị cấp cao, thậm chí ở những vị trí cao nhất trong doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Về thuận lợi, bên cạnh những đức tính “trời phú” như chăm chỉ, tỉ mỉ, cẩn thận… có phần “nhỉnh” hơn nam giới. Họ có mối quan hệ xã hội, quan hệ con người nhạy cảm, tâm lý và tinh tế hơn. Trong quản trị, nữ doanh nhân cũng bình tĩnh ra quyết định, ít khi “liều lĩnh” bằng nam giới, các quyết định cũng ít bị chi phối bởi những điều không thuộc về công việc như ăn uống tiệc rượu...

Có phải bởi “ít liều lĩnh” như vậy mà trong khủng hoảng, các doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ giới chịu “ít rủi ro” hơn?

Có thể đó là một phần lý do. 

Điều này không có nghĩa là các lãnh đạo là nam giới làm không tốt. Tuy nhiên, có thể thấy hầu như các doanh nghiệp như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Traphaco có nữ giới làm lãnh đạo, gánh chịu sức ép có phần “nhẹ” hơn nhiều doanh nghiệp lớn hay tập đoàn kinh tế trong khủng hoảng. Tất nhiên cũng có trường hợp như Bianfishco, nhưng đó chỉ là thiểu số.

Thậm chí, một vị lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng thừa nhận, họ "thích" cho phụ nữ vay tiền hơn vì khoản vay sẽ đảm bảo "ít rủi ro" hơn. 

Nữ lãnh đạo thường sẽ linh hoạt và dẻo dai hơn khi doanh nghiệp gặp một số cú “sốc” nhẹ trong môi trường khó khăn như khủng hoảng. Sở dĩ như vậy, cũng vì một phần trong tính cách của người phụ nữ, “muốn ăn chắc mặc bền”, lo vun vén tập trung cho ngành chính và ít liều lĩnh trong đầu tư trái ngành.

Có thể thấy các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm như Traphaco xuất hiện rất nhiều gương mặt lãnh đạo là nữ giới. Vậy đâu là đặc trưng ngành khiến phụ nữ chiếm ưu thế lớn, thưa bà?

Như tôi đã nói, phụ nữ có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì phù hợp với một số đặc thù khi công tác trong ngành dược. Từ quá trình giáo dục và đào tạo, tỉ lệ nữ sinh đăng kí thi các trường khối dược cũng cao hơn. Vậy nên, khi số đông là các nữ cán bộ, nhân viên của công ty thì việc xuất hiện nữ lãnh đạo là điều dễ thấy.

Được biết, bà đã gắn bó 32 năm với công ty đến thời điểm này, trong đó hơn 10 năm ở vị trí phó giám đốc (trước khi cổ phần hóa 1999), sau đó là 9 năm làm giám đốc điều hành (2000-2009), 12 năm ở vị trí quản trị cao nhất - chủ tịch HĐQT (2000 – 2012) tại một trong công ty sản xuất dược lớn nhất và dẫn đầu về các sản phẩm đông dược như Traphaco. Vậy điều tâm đắc nhất trong sự nghiệp của bà cho đến thời điểm này là gì, thưa bà?

Nói về Traphaco, tôi có rất nhiều câu chuyện, bài học và niềm vui trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất có lẽ là văn hóa doanh nghiệp.

Bạn có thể thấy ở đây các băng rôn biểu ngữ từ mục tiêu doanh thu 2300 tỷ, lợi nhuận 210 tỷ, đến khẩu hiệu thực hành 5S được treo ở nhiều nơi trong nhà máy nhắc nhở đến mọi người mỗi ngày. Các cán bộ công nhân viên Traphaco tâm niệm “Khách hàng là người trả lương cho mình”, luôn luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với khách hàng và đối tác trong hợp tác kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp là điều phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Đó là sự hợp tác chia sẻ đến từng cán bộ, công nhân viên, là cốt lõi để xây dựng các giá trị lâu dài từ cơ sở vật chất, thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp… trong mắt khách hàng, đối tác. Có được văn hóa thì các giá trị khác mới giữ được, vì xây dựng thì dễ nhưng giữ gìn và phát huy mới khó.

Để tự đánh giá bản thân, bà có nghĩ rằng mình là một doanh nhân thành đạt ?

Tiến trình đi đến thành công là các bậc thang, đi chắc từng bậc một, từng ngày, từng tháng, từng quý, từng năm.

Có được thành quả như hôm nay, từ xây dựng thương hiệu, cơ sở vật chất, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ, thị trường chiến lược hay chuỗi giá trị doanh nghiệp, chúng tôi đều đã làm được, vậy thì có thể tạm coi là doanh nhân thành đạt nhỉ (cười).

Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn sẽ có những yêu cầu công việc cụ thể. Trong giai đoạn trước là xây dựng, chỉ cần lo "nuôi quân" thì giai đoạn này là giữ gìn, phát triển doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn, luật pháp bài bản, văn minh hơn. Bao giờ xây cũng dễ, giữ được và phát triển mới khó.

Việc cống hiến là vô cùng, dù không còn là giám đốc điều hành, nhưng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất ở vị trí của mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà! Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúc bà luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc!

Kỳ Anh - KAL

kyanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên