David Dương - Doanh nhân Việt kiều về quê hương xử lý chất thải
Đại dự án xử lý chất thải của một doanh nhân, Việt kiều Mỹ có “số má” .
David Duong (Dương Tử Trung) là doanh nhân có “số má” ở Mỹ. Từ một người nhập cư vào Mỹ 40 năm trước, ông giờ đã là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solution (CWS). Công ty này đang đứng thứ 37/100 công ty hàng đầu ngành xử lý chất thải của Mỹ với 6 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn tại Mỹ, 2 văn phòng đại diện tại Trung Quốc, một công ty liên doanh với Philippines... với đội ngũ nhân viên, kỹ sư, chuyên viên, trên hàng trăm phương tiện hiện đại.
Tại Việt Nam, Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) của ông có 2 dự án: Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD và Khu liên hợp xử lý chất thải xanh Long An (Thủ Thừa, Long An) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 700 triệu USD.
Khu liên hợp xử lý chất thải xanh Long An được quy hoạch trở thành một trong những dự án xử lý chất thải, bảo vệ môi trường lớn nhất TP.HCM và các địa phương lân cận. Ông Dương cho biết các sản phẩm chính sau khi xử lý là phân và điện sinh hoạt, cung cấp cho các hộ gia đình.
Dự án này được xây dựng với 4 khu vực chính: khu vành đai cách ly; khu nhà ở cho nhân viên; khu nghiên cứu công nghệ xanh; khu tái sinh tái chế. Các hoạt động chính tại đây sẽ gồm tái sinh, tái chế, tái sử dụng vật liệu rác thải (giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, vỏ xe, chất thải điện tử...); xử lý nước thải, chất thải công nghiệp; sản xuất phân bón sinh học từ rác; sản xuất điện, nhiên liệu sinh học.
Công tác vận chuyển rác đến khu sẽ được thực hiện chủ yếu bằng đường thủy để hạn chế tối đa việc tạo áp lực lên đường bộ. VWS dự kiến sẽ đặt ở mỗi địa phương lân cận TP.HCM một trạm tiếp nhận và trung chuyển rác. Rác thu gom tại địa phương sẽ được đóng vào container và chuyển đến khu liên hợp.
Hệ thống xử lý rác thải tại khu xử lý chất thải Đa Phước.
Ông Dương cho rằng, khu liên hợp này được đầu tư với công nghệ hiện đại, vòng đời của dự án dài nên giá xử lý rác sẽ thấp, có thể thu hút các địa phương đưa rác đến xử lý. Dự kiến, năm 2013 khu liên hợp này sẽ bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác thải ở TP.HCM, Long An và các vùng lân cận.
Theo ông Dương, khi đi vào hoạt động, khu liên hợp có thể tạo việc làm cho 6.000 - 10.000 lao động và có thể tiếp nhận, xử lý 40.000 tấn rác/ngày.
“Với chiến lược xử lý lâu dài từ 75-100 năm, bằng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, 2 khu liên hợp xử lý chất thải của VWS sẽ phục vụ cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hướng đến khu vực Đông Nam Á”, ông cho biết.
Với mục đích đầu tư xây dựng một dự án tầm cỡ quốc tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao, khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại Long An là mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng của người dân trong nước, bà con Việt kiều, những người luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Theo ông, việc làm này không những tạo cơ sở tài chính vững chắc để thực hiện dự án mà còn phù hợp với các chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ đối với Việt kiều.
David Dương chia sẻ, ông rất vui mừng khi nhận thấy trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và TP.HCM là địa phương tiên phong trong vấn đề này.
Hiện nay VWS đang hoàn thiện các công tác chuẩn bị cuối cùng để đưa đồ án quy hoạch cùng báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án khu liên hợp công nghệ xử lý chất thải xanh Long An để báo cáo các bộ ngành chuyên môn. Nếu dự án được phê duyệt trong năm nay, VWS sẽ tiến hành kêu gọi vốn đầu tư.
Là doanh nhân gốc Việt thành đạt tại Mỹ, kể từ khi trở về nước đầu tư vào năm 2005, thời điểm chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia vào lĩnh vực xử lý chất thải tại Việt Nam, David Duong mong muốn góp phần bảo vệ môi trường cho quê hương, hướng tới một đất nước xanh hơn, sạch hơn trong quá trình hội nhập.
“Thành công chỉ đến với những người biết vươn lên, biết yêu mến, tôn trọng nghề nghiệp mình theo đuổi”, đó là kim chỉ nam đưa David Dương đến thành công.
Theo Nhịp cầu Đầu tư