MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề luật sư: "Không hành nghề đúng nghĩa, liệu có thể ăn ngon ngủ yên?"

12-03-2012 - 17:34 PM |

Hành nghề 30 năm, tên tuổi luật sư Phan Trung Hoài gắn liền với nhiều vụ án trọng điểm như Minh Phụng – Epco, Tamexco, Năm Cam... Ông từng thực hiện nhiều cú “lội ngược dòng” ngoạn mục.


Trong quá trình hành nghề 30 năm, tên tuổi luật sư Phan Trung Hoài gắn liền với nhiều vụ án trọng điểm như Minh Phụng – Epco, Tamexco, Năm Cam, Tân Trường Sanh, Đông Nam, Rusalka Khánh Hoà, nông trường Sông Hậu, vụ nhà báo Hoàng Khương... Ông từng thực hiện nhiều cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, để trả lại sự thật và công bằng cho thân chủ. Bởi là một người hành nghề luật sư, ông thấm thía hơn ai hết sự đổ vỡ niềm tin vào luật pháp có thể kéo theo sự bất ổn, xói mòn các giá trị mà xã hội đang dựa vào để tồn tại và phát triển.

Với những trải nghiệm đặc biệt trong đời sống pháp lý cộng đồng, tâm trạng chung của ông về đời, về nghề?

Khách hàng có một niềm tin rất lớn, trông cậy vào công lý, công bằng của hệ thống tư pháp, mà trọng tâm là toà án, nhưng thực tế nhiều khi chỉ mang lại sự thất vọng. Vẫn biết không được mất niềm tin, nhưng nhìn những nỗi oan sai, quyền lợi hợp pháp của khách hàng không bảo vệ được, đó không chỉ là sự bất lực, mà điều lo lắng hơn là họ mất niềm tin. Bởi họ tin vào phẩm giá, chuẩn mực hành nghề của luật sư, tin vào luật pháp, nhưng khi bản án được tuyên, nhiều khi kết quả là con số 0. Phần lớn những thân phận khi vướng vào vòng tố tụng, không chỉ bản thân họ không gượng lại được, mà đằng sau còn là cả một gia đình, những đứa con bị đẩy vào đường cùng, không lối thoát. Đó là tổn thất rất lớn về mặt xã hội.

Qua nhiều vụ án trọng điểm, anh thấy được lỗ hổng nào lớn nhất dẫn đến oan sai?

Trong sự phát triển và đi lên của một thành phố trung tâm kinh tế cả nước, điều không thể tránh khỏi là những va vấp, tổn thất, thậm chí là sự mất mát cả con người và tài sản. Điển hình như vụ án Minh Phụng – Epco, có nguyên nhân từ sự không tương thích, thậm chí va đập giữa pháp luật với đời sống. Bây giờ, chính sách pháp luật thay đổi, nhiều hành vi ngày xưa bị coi là tội phạm nay lại không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nếu có điều kiện nhìn lại một cách tổng quát, các vụ án như vậy có thể đã không xảy ra nếu có sự thay đổi trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật và nhiều người đã không phải chết, trong khi vẫn còn bạt ngàn cơ sở, đất đai mà thi hành án sau này phải nhiều năm mới bán hết… Đó cũng là lý do vì sao trong giai đoạn đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có quá nhiều vụ án nghiêm trọng nảy sinh. Các vụ án như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh, đến tinh thần doanh nhân, gây đứt gãy mạch kinh tế – xã hội.

Tôi nhớ một giáo sư ngành luật đã nói, pháp luật đóng vai trò quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội, giống như hai bờ của dòng sông điều tiết dòng chảy. Nhưng tôi có cảm giác nhiều khi chính hai bờ dòng sông, đến lượt mình, trở thành lực cản của dòng chảy, và đến một lúc nào đó, dòng chảy sẽ tự phá vỡ hai bờ để tìm đường đi mới. Một cách nào đó, tư duy của nhà làm luật nếu không xuất phát từ thực tiễn đời sống, chỉ dựa trên yêu cầu quản lý, dẫn đến khả năng pháp luật lại trở thành rào cản sự vận hành của các chủ thể xã hội, tác động ngược lại với dòng chảy của thực tiễn. Sự va đập đó được thể hiện rất rõ trong các vụ án hình sự.

Một giáo sư ngành luật đã nói, pháp luật đóng vai trò quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội, giống như hai bờ của dòng sông điều tiết dòng chảy. Nhưng tôi có cảm giác nhiều khi chính hai bờ dòng sông, đến lượt mình, trở thành lực cản của dòng chảy, và đến một lúc nào đó, dòng chảy sẽ tự phá vỡ hai bờ để tìm đường đi mới.

Nhìn từ vụ án nông trường Sông Hậu, theo ông công cuộc cải cách tư pháp phải bắt đầu từ đâu để không còn những bất an trong kinh doanh?

Là một trong những luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, tôi nhận thấy lịch sử hình thành và phát triển của nông trường Sông Hậu chứa đựng trong đó những đặc điểm và đặc trưng, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử chuyển đổi từ quan niệm đến chính sách, luật pháp về quản lý kinh tế, nhất là về đất đai, nông nghiệp của đất nước ta, tích tụ cả những mặt tiến bộ, tích cực và cả những mặt bất cập, tồn tại. Khi đánh giá có hay không hành vi sai phạm của bà Trần Ngọc Sương, cần đánh giá bối cảnh và nguyên nhân những vướng mắc trong vụ án và tiếp cận trên quan điểm lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện, trong đó nhiều quy định có thể không sát hợp với sự vận hành của một nông trường quốc doanh (vừa có tính chất một doanh nghiệp nhà nước lại vừa có tính chất như hợp tác xã). 

Từ thực tiễn vụ án bà Ba Sương, có thể thấy việc xác định tính nguy hiểm trong hành vi đã bị cắt khúc, tách rời với dòng chảy lịch sử khách quan, làm cho các nhận định và đánh giá bị sai lệch, trong khi các căn cứ, số liệu quy buộc chưa bảo đảm tính xác thực. Cùng với một số vụ án nêu trên, đó có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai, vì môi trường kinh doanh và pháp lý nào sẽ cho ra hành vi và cách ứng xử tương ứng. Do đó, cải cách tư pháp hình sự, trong đó có việc xây dựng mô hình tố tụng hình sự phù hợp với điều kiện lịch sử và cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước, hướng đến việc dân chủ hoá hoạt động tố tụng, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, tránh và đi đến hạn chế tình trạng oan, sai được coi là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 có nhiều quy định về quyền bào chữa và tham gia tố tụng của luật sư, nhưng thực tế luật sư rất khó khăn trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Phải chăng đó chính là lý do liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư mà anh giữ vai trò chủ nhiệm – một tổ chức có lẽ chỉ có ở Việt Nam?

Đội ngũ luật sư Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, từng bước tạo được sự tin cậy từ các chủ thể xã hội và người dân, cũng như từ phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động luật sư còn gặp không ít cản ngại, từ nhận thức về vai trò của luật sư trong xã hội, cơ chế, môi trường pháp lý, cho đến những khó khăn trong thực tiễn hành nghề. Một trong những biểu hiện đó là quyền hành nghề hợp pháp của luật sư bị hạn chế, thậm chí một số trường hợp bị xâm phạm đến thân thể, uy tín, danh dự. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng bất lợi đối với quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, khiến rủi ro trong hành nghề luật sư gia tăng, làm cho luật sư chịu nhiều áp lực, mà còn hạ thấp sự tín nhiệm của người dân và cộng đồng xã hội đối với luật sư, làm tổn hại đến danh dự của luật sư. Tôi nghĩ trách nhiệm của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (khách hàng), nhằm thực thi pháp luật một cách đúng đắn, bảo đảm sự công minh của pháp luật. Nếu quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân luật sư mà không bảo vệ được, bị xâm phạm không được giải quyết công bằng hợp lý, thì quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng liệu có bảo vệ được không? Thực trạng này làm tổn hại đến hình ảnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang hướng đến và xây dựng.

Nếu quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân luật sư mà không bảo vệ được, bị xâm phạm không được giải quyết công bằng hợp lý, thì quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng liệu có bảo vệ được không?

Việc hình thành cơ chế và tổ chức nhằm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong hành nghề và trong cuộc sống của giới luật sư xuất phát từ thực tiễn nói trên và từ chức năng, nhiệm vụ của liên đoàn Luật sư Việt Nam. Uỷ ban cũng cố gắng từng bước tham mưu cho lãnh đạo liên đoàn kiến tạo môi trường pháp lý hỗ trợ luật sư hành nghề trong điều kiện rất đặc thù của Việt Nam. Một ví dụ thực tiễn là sau khi bộ trưởng bộ Công an ban hành thông tư 70 bảo đảm quyền bào chữa với sự tham gia đóng góp của liên đoàn, ngay trong vụ án nhà báo Hoàng Khương mới đây, có nhiều hoạt động tố tụng lần đầu tiên luật sư được tham gia. Tất cả các buổi hỏi cung đều có sự chứng kiến của luật sư.

Anh nghĩ gì khi trong nhiều trường hợp, người dân chưa thật sự tin vào các thiết chế tư pháp, trong đó có cả toà án? Anh nghĩ sao về vai trò bảo vệ niềm tin xã hội của luật sư?

Đây quả thật là một vấn đề rất lớn, nhiều trăn trở, vì gầy dựng niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp xuất phát từ mục đích, cấu trúc và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ tư pháp và từ chính “sản phẩm” của hoạt động đó là các quyết định, bản án tác động trực tiếp đến số phận bao người. Nếu không có niềm tin vào sự thật, tin cậy hệ thống luật pháp, tôi nghĩ bà Ba Sương có lẽ không thể sống được đến hôm nay, để được nhận quyết định đình chỉ vụ án. Niềm tin đó còn là động lực giúp họ vượt qua nghịch cảnh, những lúc khó khăn, thất vọng, có luật sư ở bên cạnh động viên, củng cố, giúp cho người đó nuôi dưỡng niềm tin. Khi niềm tin được cộng hưởng bởi ánh sáng của sự thấu hiểu, với quyết định thấu tình đạt lý của các cơ quan pháp luật, sẽ giúp hàn gắn những đổ vỡ niềm tin, thôi thúc con người ta đứng lên và cố gắng trụ vững với đời.

Tôi nghĩ khách hàng gặp hoàn cảnh bất lợi về pháp lý luôn mong muốn sự đồng cảm, tấm lòng yêu thương và chia sẻ của luật sư, mong luật sư trở thành người bạn đồng hành trợ giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn. Trong một chừng mực nào đó, luật sư đóng vai trò là người hướng dẫn pháp luật, góp phần điều hoà và lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, phòng ngừa rủi ro, trở thành một lực lượng thúc đẩy phát triển xã hội. Mặc dù còn nhiều cản ngại, nhưng tôi nhận thấy sự phát triển tích cực của đời sống tố tụng, tạo thế bình đẳng cho các chủ thể thực hiện các chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử.

Trong một số vụ án “nhạy cảm” như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ hay vụ nhà báo Hoàng Khương, anh có chịu nhiều áp lực?

Tôi nghĩ bất cứ luật sư nào trước khi nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, cũng đều phải suy nghĩ xem mình có khả năng tiếp nhận yêu cầu của khách hàng hay không, cũng như sự cảm nhận về các yếu tố tác động, liên quan đến vụ việc. Tôi có thể khẳng định rằng, điều khiến tôi hết sức trân trọng chính là việc mình được tạo điều kiện hành nghề mà không bị bất cứ sự tác động hoặc can thiệp, đe doạ nào. Một số vụ án được coi là “nhạy cảm” nêu trên, có một thực tế ngược lại là tôi được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia tố tụng, có nhiều kiến nghị, yêu cầu được chấp nhận và giải quyết, ra đến phiên toà được tranh tụng bình đẳng, hết mình. Các khách hàng của tôi mặc dù phải chịu những mức độ xử lý khác nhau, nhưng đối với luật sư, họ cảm thấy ý nghĩa tích cực của việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho họ.

Ngay trong vụ án Năm Cam ồn ào năm nào, tôi bào chữa cho một phó thủ trưởng cơ quan điều tra, tuy có nhiều áp lực của dư luận và sự nóng bỏng của công đường, nhưng thực sự tôi vẫn được hành nghề và làm nghề một cách ngay thẳng. Có lẽ, bản thân được trải nghiệm và trưởng thành trong đời sống tư pháp của thành phố, tôi hiểu được bản chất và cơ chế rất đặc thù, riêng có trong sự vận hành của các chủ thể tư pháp, hiểu được vai trò phản biện của luật sư, nên cố gắng hành nghề trong khuôn khổ luật pháp cho phép, hướng đến sự chuẩn mực trong ứng xử, cốt làm sao bảo vệ được tối đa quyền lợi của khách hàng trong khả năng có thể. Quan trọng là trong nhận thức và hành động, cần có sự tôn trọng các cơ quan và người tiến hành tố tụng, thì đến lượt mình, họ cũng sẽ tôn trọng quyền hành nghề của mình.

Trong một nghĩa nào đó, bản chất hoạt động nghề nghiệp luật sư mang tính chất dịch vụ. Vậy anh có suy nghĩ gì khi có dư luận cho rằng, để đạt được kết quả như khách hàng mong muốn, luật sư phải tìm cách chạy chọt, lo lót?

Tôi nghĩ hầu hết các luật sư đều hiểu sự tin cậy của khách hàng, uy tín nghề nghiệp chỉ có thể có được khi mình hành nghề thật sự, có kỹ năng thuần thục và hình thành được quan điểm, luận cứ pháp lý vững chắc. Nếu mang danh luật sư mà không hành nghề đúng nghĩa, liệu mình có thể ăn ngon ngủ yên? Rốt cuộc thì mình cũng phải lựa chọn một con đường để đi, sao cho mọi sự trở nên giản dị, thanh thản, đêm nằm không phải gác tay lên trán để tính toán, âm mưu này nọ… Vì vậy nên được sống, được hành nghề, đó là hạnh phúc.

Ông làm thế nào để có thể sống dưới áp lực nặng nề của những vụ án? Sau Bút ký luật sư 1, tác phẩm Bút ký luật sư 2 và 3 sắp xuất bản có phải là cách để ông nuôi dưỡng niềm tin vào chức phận nghề nghiệp?

Để cân bằng giữa áp lực từ những vụ án, tham gia đấu tranh cho vị thế của một nghề, tôi có niềm vui được tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp lý, vui với từng câu chữ, từng trang viết. Đó là một cách giải toả những muộn phiền, khiến mình thăng bằng hơn, trầm tĩnh hơn. Đôi khi đối diện với từng trang viết, có những điều tưởng đã trôi qua từ lâu, rất khó để hồi phục cảm xúc, nhưng chỉ cần nhớ đến một chi tiết nhỏ để lại dấu ấn đặc biệt, là mình có thể “rung” lên, suy nghĩ bắt đầu ùa ra…

Theo KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG 
SGTT

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, phó tổng thư ký liên đoàn Luật sư Việt Nam:

“Kiên quyết đấu tranh bảo vệ lẽ phải và đấu tranh rất có phương pháp, không lùi bước, không thối chí, anh không chỉ giỏi về kỹ năng mà còn có trách nhiệm, phẩm cách với nghề nghiệp, hết lòng bảo vệ khách hàng. Trong vai trò chủ nhiệm uỷ ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, anh đóng góp rất lớn vào môi trường hành nghề luật, dũng cảm nói tiếng nói của người luật sư và bảo vệ quyền lợi đồng nghiệp khi quyền lợi ấy bị xâm phạm”.

Bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc nông trường Sông Hậu:

“Nghe tiếng luật sư từ lâu nhưng tôi đâu có dám tới, sợ ổng nổi tiếng quá mình đâu có tiền trả. Nhưng ông nhận giúp mà không đòi hỏi gì cả, còn mất tiền cho tôi ăn uống suốt thời gian điều tra. Một người đa tài, làm việc lặng lẽ, nghiêm túc, rất chịu khó, tận tuỵ, tôn trọng thân chủ. Trong suốt cuộc điều tra, sự có mặt của luật sư khiến mình cảm thấy ấm lòng, không còn đơn độc. Trong cơ chế còn nhiều bất cập hiện nay, doanh nhân rất cần những người như luật sư Hoài, để mình còn tin…”

kyanh

Trở lên trên