MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ Greenfeed Việt Nam: Tính cuộc đời bằng... bước ngoặt

05-05-2012 - 10:05 AM |

Di chuyển liên tục giữa các vùng, miền cũng để phục vụ công việc, nhưng ông Trần Ngọc Chí, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP GreenFeed Việt Nam, lại xem cuộc đời là những chuỗi ngày tích lũy.

Không kể những chuyến giao thương ở các nước, ông tính lịch trình công tác của mình theo... tháng. Tầm 12 ngày ở Long An, tầm 8 ngày đi, về giữa Đồng Nai và TP.HCM, thời gian còn lại thì đi Hưng Yên, Bình Định, Campuchia...

Những chuyến đi của ông còn nối dài đến Huế, Cần Thơ... để chia sẻ kinh nghiệm lập thân, “làm nóng” tinh thần, định hướng khởi nghiệp cho các bạn sinh viên ở những vùng đất này. Trò chuyện với “Mr. Balô” Trần Ngọc Chí, rất có thể những người trẻ sẽ “bốc cháy” bởi ngọn lửa nhiệt huyết lúc nào cũng hừng hực trong người đàn ông này.

Tính cuộc đời bằng... bước ngoặt

* Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang ở giai đoạn “nông nhàn” hay công việc của GreenFeed thời gian này chưa nhiều nên ông vẫn có thể bay đi, bay về để huấn luyện tinh thần cho sinh viên các tỉnh?

- Nếu nói về thị trường thì tôi dám khẳng định, Việt Nam là một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Hầu như tất cả các thương hiệu lớn của thế giới trong ngành này đều đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm.

Họ đã xây dựng một nền móng vững chắc đến mức doanh nghiệp Việt Nam gần như mất hết đất trên sân nhà. Thêm vào đó, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Dịch bệnh rồi việc sử dụng chất cấm... trong chăn nuôi thời gian qua khiến những hoạt động trong ngành đối mặt với nhiều thử thách. Khó khăn nhiều nhưng cơ hội cũng không ít. Đó là lý do vẫn có những thương hiệu nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. 

Là doanh nhân thì phải chấp nhận một cuộc sống bận rộn và đầy thử thách. Tôi cố gắng không để những biến động của công việc ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống của mình.

Về hoạt động chia sẻ với sinh viên, GreenFeed đã thực hiện được trong vài năm trở lại đây. Tại tất cả các buổi gặp gỡ, tôi và các đồng nghiệp trong GreenFeed cũng chỉ “kể” lại kinh nghiệm thực tế đã trải qua, chẳng hạn như cách suy nghĩ để thành công và muốn làm giàu nên bắt đầu từ đâu, cách vượt qua những thử thách trong cuộc sống, cách định hướng cho tương lai... để giúp các bạn sinh viên vẽ ra bản đồ cho hành trình sắp tới của mình.

* Chắc hoạt động này ít nhiều gì cũng mang lại lợi ích cho thương hiệu GreenFeed chứ, thưa ông?

- Chúng tôi thu hút nhân tài cũng từ việc tiếp xúc với các bạn sinh viên. Về thương hiệu, chúng tôi cũng có lợi, nhưng cái lợi lớn nhất là được chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ kế thừa.

Ở đây, sự trải nghiệm quan trọng hơn độ tuổi, vì người ta thường có nhu cầu chia sẻ để thế hệ sau có thể phát triển nhanh hơn thế hệ trước. Gói gọn trong vài buổi nói chuyện, tôi không dám cho rằng mình đã thay đổi được một vài con người, nhưng thực tế là sau chương trình huấn luyện đã có một số bạn trẻ đến gặp và chia sẻ với tôi những thay đổi tích cực từ phía họ.

Thái độ tích cực là điểm khởi đầu của thành công. Tôi luôn mong các bạn trẻ ấy sẽ tiết kiệm được thời gian nhờ tránh được những va vấp mà tôi từng gặp phải.

* Cụ thể thì ông đã mắc phải những va vấp nào trong quá trình lập nghiệp khiến ông tha thiết với việc chia sẻ kinh nghiệm cho giới trẻ đến vậy?

- Trong cuộc sống của mình, tôi xem những va vấp là những trải nghiệm cần thiết để tạo nên những bài học lớn cho mình. Như bao người khác, tốt nghiệp đại học, tôi đầu quân về vài công ty nhỏ, tích lũy kinh nghiệm.

Bước ngoặt đầu tiên là khi tôi vào làm cho một công ty đa quốc gia trong ngành thức ăn chăn nuôi. Gọi đó là bước ngoặt bởi chúng tôi là thế hệ nhân viên Việt Nam đầu tiên của tập đoàn này, được đi nhiều, tìm hiểu, trải nghiệm và tích lũy được nhiều điều.

Thực sự, trong quá trình lập nghiệp, ba năm đầu tiên là rất quan trọng. Giai đoạn này thu nhập có thể ít, nhưng cơ hội học hỏi và tích lũy kinh nghiệm là rất lớn. Sau tám năm, bước ngoặt quan trọng hơn với tôi là trở thành thành viên của GreenFeed.

Chiến lược “3F”

* Rất nhiều công ty đa quốc gia không muốn giao vị trí chủ chốt cho nhân lực bản địa, bởi e ngại họ sẽ thành lập một doanh nghiệp tương tự, hoặc đầu quân về doanh nghiệp cùng ngành, trở thành đối thủ cạnh tranh với mình. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi rời tập đoàn đa quốc gia ấy khi đang ở vị trí quan trọng trong công ty, rồi cùng một số người sáng lập GreenFeed. Quả thực là rất khó khăn để quyết định chuyển sang một môi trường khác khi mình đã có vị trí xứng đáng và đạt được thành quả nhất định. Thay đổi công việc sau một thời gian làm việc không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nước nào cũng có.

Chẳng hạn như Steve Jobs, người sáng lập hãng Apple, cũng có lúc rời khỏi công ty do mình lập nên, rồi sau đó quay trở lại; hay câu chuyện về Lee Iacocca, một CEO từng điều hành hãng Ford Motor rất thành công, cuối cùng ông ra đi, gia nhập công ty đối thủ của Ford là Chrysler và cũng điều hành hãng này rất thành công.

Ngay cả Jack Welch, CEO tài năng của GE, cũng rất tự hào khi những nhân viên từng làm việc với ông sau khi rời khỏi GE đều thành công ở những công ty khác, kể cả đó là những công ty đang cạnh tranh với GE.

* Cùng một vị trí nhưng ở hai doanh nghiệp khác nhau, ông có cảm nhận điều gì khác về mặt cảm giác?

- Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác! Dù đã là lãnh đạo nhưng đến tận khi làm việc cho GreenFeed tôi mới đảm nhận vai trò lãnh đạo tổng thể và đây đúng là một thử thách cực lớn. Nếu so sánh thì một năm làm việc ở GreenFeed tôi thấy mình phải nỗ lực bằng ba, bốn năm làm ở nơi khác.

Chúng tôi phải giải quyết rất nhiều thứ, đối mặt với nhiều khó khăn vì công ty phát triển quá nhanh cả về quy mô lẫn cơ cấu. Nhiều thành viên của GreenFeed không theo kịp tốc độ phát triển này nên nội bộ công ty có lúc không phát huy hết sức mạnh.

Khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc cũng là lúc tôi phải tái cấu trúc, xác định con đường đi mới cho GreenFeed. Đã đôi lần tôi cảm thấy mình bị quá tải nhưng đi nhiều, chịu khó quan sát, tôi thấy rõ trong lĩnh vực này khả năng của người Việt là rất lớn nên tôi vẫn sẵn sàng dấn thân. Đó là cảm giác do khát vọng nghề nghiệp mang lại chứ không phải từ quyền hành mình có!

* Trong câu chuyện phát triển và phát triển nhanh của GreenFeed, bản thân ông thấy thành công được quyết định bởi yếu tố nào?

- Thành công phụ thuộc rất nhiều yếu tố hỗ trợ. Dù cũng có vài người rời khỏi GreenFeed, sang làm ở những công ty là đối thủ cạnh tranh, nhưng điều khiến tôi tự hào nhất là GreenFeed đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực có cùng tâm huyết, cùng chí hướng, đồng lòng trong công việc. Bởi các yếu tố khác có thể xây dựng bằng tiền, nhưng nhân lực thì không phải cứ có tiền là mua được.

* Với đội ngũ ấy, chắc ông kỳ vọng rất nhiều ở GreenFeed trong 5 năm tới?

- Bức tranh phát triển của GreenFeed là tiến trình 3F về chuỗi thực phẩm sạch: Feed - Farm - Food (Thức ăn chăn nuôi - Trang trại - Thực phẩm). Với hệ thống các nhà máy và hệ thống phân phối như hiện nay, chúng tôi đã ổn định được mảng thức ăn chăn nuôi.

Tiến trình quan trọng hiện nay là xây dựng ổn định trang trại cung cấp con giống và gây dựng đàn giống hạt nhân để phục vụ cho việc cung cấp con giống thương phẩm tốt sau này. Chu kỳ 5 năm tiếp theo, GreenFeed ổn định trại giống và đó cũng là thời gian dành cho khâu cuối cùng là đưa thực phẩm sạch ra thị trường.

Tuy nhiên, chúng tôi không chủ trương chỉ tự phát triển mà đang mở rộng, tìm đối tác hợp tác để tìm kiếm nhân tài cùng phát triển chữ F cuối cùng này.

Hãy cho nông dân một giải pháp!

* Quá nhiều dịch bệnh hoành hành trong thời gian qua, việc làm ăn của GreenFeed có vì thế mà bị ảnh hưởng? 

- Khó khăn là câu chuyện được nghe rất nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng chưa lúc nào thương trường không có khó khăn hay thiếu thuận lợi. Vấn đề là mình ứng xử với khó khăn như thế nào.

Năm 2011 không được như kỳ vọng, nhưng chúng tôi vẫn đạt mức tăng trưởng tốt về sản lượng, doanh thu... Quan trọng hơn là tôi thấy tinh thần và thái độ làm việc của nhân viên đã thay đổi trong điều kiện khó khăn như thế. Chứng kiến những biến chuyển ấy, tôi càng tin rằng thái độ là một phần quan trọng nhất của thành công.

* Vậy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có phải là một “thái độ” không tốt của người nông dân? Và họ đáng bị thiệt hại vì “thái độ” đó?

- Số người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chiếm bao nhiêu phần trăm trong số hơn 6 triệu hộ chăn nuôi ở Việt Nam? Chúng ta thường đưa thông tin mang tính định tính hơn định lượng, và chuyện này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của hàng ngàn người chăn nuôi khác. Nghiêm túc xem xét vấn đề này sẽ thấy điểm mấu chốt cũng chỉ là lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.

Trong bức tranh cạnh tranh mang tầm quốc tế như hiện nay, trong 5 năm tới, ngành chăn nuôi của chúng ta sẽ có nhiều chuyển biến. Nếu so sánh với châu Âu, cụ thể là Đan Mạch và Hà Lan, sẽ thấy từ năm 1970 đến nay, hai quốc gia này đã trở thành nơi cung cấp thịt quan trọng cho thị trường thế giới.

Hai quốc gia đều có điều kiện đất đai, chi phí khá tương đồng với điều kiện của Việt Nam. Tôi nghĩ, Việt Nam muốn thành công phải học hỏi mô hình của họ, nghĩa là phải có giống sạch, quy trình chăn nuôi sạch... thì sẽ có chất lượng thịt tốt, giá thành cạnh tranh.

* Trong lúc khách hàng của mình lâm vào thế khó, GreenFeed sẽ làm gì để chia sẻ với họ?

- Thực tế thì ở Mỹ hay Canada..., chất tăng trưởng vẫn được sử dụng nhưng có quy định rõ về hàm lượng và loại chất. Chúng ta không đi theo con đường này, nên ngoài nhận thức từ người chăn nuôi, kiểm soát của các cơ quan chức năng... phải cho người nông dân một mô hình chăn nuôi thành công mà không cần chất tăng trưởng.

Đó là mô hình GreenFeed đang hướng đến, và thông qua đó hiện thực hóa chuỗi thực phẩm sạch, bao gồm cả đầu tư con giống tốt, thức ăn chất lượng và mô hình chăn nuôi.

* Ngoài nhiệm vụ xã hội của doanh nghiệp, cá nhân ông nhận lại được gì từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do GreenFeed và Báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện?

- Quan điểm về hoạt động hỗ trợ của GreenFeed là mang đến giải pháp và phương tiện chứ không phải là vật chất. Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do chúng tôi phối hợp với Báo Tuổi Trẻ thực hiện trong hai năm qua cũng xây dựng dựa trên tinh thần đó.

Chúng tôi giúp các hộ nông dân nghèo vay vốn không lãi để chăn nuôi, hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật, trao học bổng cho con em họ khi các em có tiến bộ trong học tập... chứ không tặng họ tiền, bởi đó không phải là cách giúp người nông dân vượt khó thoát nghèo.

Chứng kiến những người nông dân sau khi tham gia chương trình từ tay trắng đã thoát nghèo, có điều kiện cho con em đi học và tự tin vươn lên trong cuộc sống là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi.

Một khi những điều mình làm có thể thay đổi số phận của một con người, của cả một gia đình, thì vượt lên trên sự tự hào là sự xúc động, niềm vui lớn lao mà chúng tôi nhận được khi tham gia chương trình này.

* Nếu không đạt mức doanh thu, sản lượng tốt như năm 2011, liệu GreenFeed có tăng kinh phí hỗ trợ nông dân tham gia chương trình này lên đến hơn 10 tỷ đồng như hiện nay?

- Đối với chương trình này, kinh doanh thành công chỉ có ý nghĩa tăng thêm về mặt kinh phí. Tuy nhiên, điều tôi tâm niệm là làm được càng nhiều cho cộng đồng càng tốt, bởi vẫn còn quá nhiều cảnh đời khó khăn, và cố gắng kêu gọi thêm nhiều người cùng tham gia.

Bằng chứng là khi GreenFeed thực hiện chương trình này, chính đối tác, nhà cung cấp, đại lý và nhân viên của chúng tôi đã đóng góp đến 30% kinh phí, gần bằng số tiền GreenFeed bỏ ra năm đầu tiên thực hiện chương trình (năm 2010).

Cá nhân tôi cảm thấy con số 10 tỷ đồng chưa thực sự lớn, nhưng mỗi dòng sông đều bắt đầu từ những giọt nước nhỏ. Chúng tôi đang tập hợp những giọt nước nhỏ ấy để tạo nên một dòng sông lớn. Và mong rằng chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” sẽ tiếp tục mang niềm vui, hạnh phúc đến với nhiều hộ nông dân nghèo.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Phương Quyên
Doanh nhân Sài Gòn

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên