MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yingluck Shinawatra - Hoa hồng trong mưa

26-11-2012 - 15:22 PM |

Liệu bông hoa đứng đầu chính trường Thái Lan có qua nổi cơn sóng gió này?


Chính phủ của nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (ảnh) đang phải đối mặt với cuộc chất vấn bất tín nhiệm kéo dài trong 3 ngày (25 đến 27-11), sau đó là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 28-11. Cùng lúc, chính phủ của bà Yingluck cũng đối mặt với cuộc biểu tình lớn nhất từ năm 2010 đến nay. 

Bất tín nhiệm

Ngày 9-11, Trưởng ban điều phối phe đối lập tại Hạ viện, ông Jurin, đã chính thức gửi đơn đề nghị chất vấn bất tín nhiệm một số thành viên của Chính phủ, gồm Thủ tướng Yingkuck Shinawatra, Phó Thủ tướng Chalerm, Bộ trưởng Quốc phòng Sukampol và Thứ trưởng Nội vụ Chad.

4 người này sẽ chịu sự chất vấn trong 3 ngày của 155 hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và 2 hạ nghị sĩ thuộc đảng Yêu nước Thái.

Đơn đề nghị chất vấn được gửi lên Hạ viện chỉ 9 ngày sau khi bà Yingkuck giới thiệu nội các mới. Ngày 14-11, Ủy ban điều phối chung của Liên minh đảng cầm quyền và Liên minh đảng đối lập đã công bố kế hoạch chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Do chiếm đa số tại Hạ viện, các thành viên chính phủ có thể không ngại việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, phiên chất vấn kéo dài 3 ngày là “chiến trường” họ phải hết sức chú ý, vì có thể bị “mất điểm” trước niềm tin của dân chúng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra với quy mô lớn.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu dư luận ABAC, 85,2% số người được hỏi quan tâm đến nội các mới. Trong đó, hơn 56% ý kiến nhận xét Thủ tướng Yingluck ngày càng thể hiện tốt vai trò lãnh đạo đất nước; 75% cho rằng cần tạo cơ hội cho nội các mới làm việc, nên giảm bớt định kiến và phải đánh giá nội các theo khuôn khổ pháp luật. Khảo sát cũng cho thấy gần 69% người dân Thái Lan tin rằng việc phe đối lập mở cuộc tranh luận bất tín nhiệm sẽ không làm thay đổi nội các mới của Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, 66,3% ý kiến bày tỏ lo ngại mâu thuẫn chính trị ở nước này có thể tiếp tục gia tăng.

Nguy cơ bị bắt cóc

Trong khi đó, ngày 23-11, bà Yingluck chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở các quận trung tâm thủ đô Bangkok, vì lo ngại cuộc biểu tình quy mô lớn của phe Pitak Siam sẽ biến thành bạo động. Pitak Siam là một nhóm chống chính phủ mới nổi do tướng về hưu Boonlert Kaewprasit cầm đầu.

Nhóm Pitak Siam tuyên bố có “khoảng 500.000 người” tham gia biểu tình ôn hòa với mục đích chống tham nhũng và những yếu kém của chính phủ. Cảnh sát Thái Lan cho biết họ nhận được những thông tin về âm mưu bắt cóc nữ thủ tướng và tiến hành đảo chính.

Một số nhà quan sát ghi nhận ông Boonlert từng bày tỏ tham vọng giành chính quyền và đưa Thái Lan trở về thời chuyên chế. Tuy nhiên, các luật sư của Boonlert phủ nhận thông tin này.

Trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nữ Thủ tướng Yingluck khẳng định nhóm Pitak Siam là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia và an toàn của công chúng. Cuộc biểu tình đang diễn ra được coi lớn nhất kể từ năm 2010, khi những người ủng hộ anh của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, xuống đường buộc chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức. Những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 6 tuần năm 2010 đã dẫn tới những vụ đụng độ đẫm máu với các lực lượng an ninh, khiến hơn 90 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.

Sau hơn 1 năm cầm quyền, bà Yingluck đang làm tốt vai trò lãnh đạo đất nước. Trong trận lũ lụt lịch sử ở Thái Lan năm 2011, bà được nhiều người khen đã phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt, dù lúc đó chỉ mới chân ướt chân ráo ở vị trí thủ tướng. Yingluck đã thành lập cơ quan theo dõi lũ và các đội hành động cứu hộ, bản thân bà đích thân tới tận các vùng lũ. Bà cũng cam kết đầu tư vào những dự án dài hạn để chống lũ, như hệ thống cấp thoát nước.

Theo Vĩnh Cẩm
SGĐTTC

kyanh

Trở lên trên