Nhân viên ngân hàng cần làm việc bao lâu để "lành nghề": 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần?
Đó là nhận định vừa được 1 lãnh đạo cấp cao của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase chia sẻ.
- 29-06-2021Gia tộc Samsung chật vật bán biệt thự, vay tiền ngân hàng trả thuế thừa kế
- 25-12-2020Phố Wall trước thời điểm kết thúc năm 2020: Từ banker cho đến các nhà cho vay thế chấp ngồi "đếm" những khoản lợi nhuận khổng lồ
- 18-12-2020Gặp tai nạn nguy kịch, nhưng chính biến cố lại giúp người đàn ông này kiếm được 16 tỷ USD và trở thành banker giàu nhất thế giới
Có 1 lý do khiến các banker (nhân viên ngân hàng) mới chập chững bước vào sự nghiệp trên phố Wall cần phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, theo Mary Erdoes, CEO phụ trách mảng quản lý tài sản của ngân hàng JPMorgan Chase.
Bà Erdoes, người đang điều hành công ty quản lý gần 4.000 tỷ USD trong tay, khẳng định cường độ làm việc cao như vậy sẽ giúp các banker thuần thục và làm chủ công việc chỉ sau 2 đến 3 năm thay vì 5 năm nếu như áp lực giảm xuống đôi chút.
Phát biểu trong chương trình "Bloomberg Wealth" với người dẫn chương trình David Rubenstein, bà ủng hộ quan niệm rằng cần đến 10.000 giờ thực hành và cống hiến để 1 nhân viên có thể đạt đến mức xuất sắc nhất trong 1 công việc.
"Vậy thì nếu như bạn tuân theo lịch trình thông thường, làm việc 8 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, để đạt được 10.000 giờ làm việc sẽ cần đến 5 năm. Ở phố Wall, chuẩn thông thường là 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần".
Năm nay 53 tuổi, Erdoes tốt nghiệp chuyên ngành toán ĐH Georgetown từ năm 1989, sau đó lấy bằng MBA tại ĐH Harvard và được tuyển vào làm việc tại JPMorgan từ năm 1996. Đến năm 2009, bà bắt đầu tiếp quản mảng quản lý tài sản chuyên cung cấp giải pháp tài chính cho các khách hàng siêu giàu, các định chế và các quỹ đầu tư quốc gia.
Bà thay thế Jes Staley, người được bổ nhiệm làm CEO mảng ngân hàng đầu tư và hiện đã chuyển sang làm CEO của Barclays. Staley từng chia sẻ thường xuyên nhìn thấy Erdoes ở lại làm việc đến tối muộn, rất lâu sau khi tất cả những người khác đã về nhà.
Vốn nổi tiếng về áp lực công việc cực lớn (nhưng cũng đi kèm với mức lương hậu hĩnh), trong đại dịch vừa qua phố Wall đã xuất hiện làn sóng đánh giá lại các giá trị. Trước những lo ngại về sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên mới, một số ngân hàng đã cam kết sẽ cẩn trọng và cũng đưa ra mức lương thưởng hấp dẫn hơn. Ví dụ Goldman Sachs tuyên bố sẽ cho phép nhân viên nghỉ ngơi hoàn toàn từ 9h tối thứ 6 đến 9h sáng Chủ nhật.
Tuy nhiên, những vị trí hấp dẫn trong ngân hàng luôn được săn đón và do đó vẫn có không ít người sẵn sàng cống hiến. Không chỉ các ứng viên mới ra trường, các khách hàng giàu có cũng muốn con cháu họ gây dựng được sự nghiệp ở phố Wall và thường xuyên gọi điện đến ngân hàng hỏi thăm những vị trí trống.
Bà Erdoes cho biết mùa hè này sẽ có 2.200 phân tích viên bắt đầu thực tập tại JPMorgan. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện đang sử dụng hơn 250.000 nhân viên trên toàn cầu. Sau 2-3 năm đào tạo, họ sẽ được đánh giá lại kỹ năng để tìm ra ai thực sự giỏi về lựa chọn cổ phiếu, ai sẽ có tài môi giới các giao dịch M&A hay ai có năng khiếu giúp người khác hiểu rõ các vấn đề chỉ bằng những cách giải thích đơn giản và dễ hiểu.
Ngoài ra bà còn chia sẻ phần mà bà nhận định là khó nhằn nhất trong công việc quản lý tài sản: những xung đột giữa các thế hệ hay giữa các cặp đôi, đặc biệt là nếu người vợ/chồng muốn giữ kín các quyết định tài chính của mình.
Khi tư vấn cho khách hàng nên dành ra bao nhiêu tiền để đầu tư, bà thường hỏi họ cần bao nhiêu tiền để duy trì lối sống của họ. Sau khi số tiền đó, số còn lại có thể được dành cho những khoản đầu tư mang tính đầu cơ nhiều hơn. "Sẽ thật thiếu may mắn nếu như bạn mạo hiểm để rồi cuối cùng không thể duy trì lối sống mà bạn đã rất chăm chỉ cố gắng làm việc để có được".
Tham khảo Bloomberg