MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Quyết định kiểm soát xuất khẩu các loại hóa chất đầu vào của chất bán dẫn sang Hàn Quốc có thể bị áp lên các mặt hàng xuất khẩu cho các nhà máy được điều hành bởi các công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc hay Đông Nam Á, trong đó có 3 nhà máy của Samsung ở Việt Nam.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 2/8/2019 đã chính thức quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại, một động thái làm gia tăng căng thẳng song phương. 

Việc loại bỏ này có nghĩa là Hàn Quốc sẽ bị tước bỏ đặc quyền cho phép nước này tiếp cận hàng hóa Nhật Bản mà không phải trải qua các quy trình thủ tục rườm rà. Quyết định dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này. Theo quyết định, tất cả các mặt hàng ngoại trừ thực phẩm và gỗ xẻ sẽ phải trải qua quá trình đánh giá của Nhật Bản khi chúng được xuất khẩu.

Động thái này tiếp nối quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với ba hóa chất được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm bán dẫn của Nhật Bản vào ngày 4/7/2019. Sự thắt chặt đã làm dấy lên lo ngại ở Hàn Quốc rằng các nhà sản xuất chất bán dẫn như Samsung Electronics và SK Hynix sẽ hết hàng dự trữ hóa chất, và không còn khả năng sản xuất các sản phẩm đó. 

Ngày 2/8/2019, ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố quyết định của chính phủ: "Đó không phải là một lệnh cấm xuất khẩu. Các công ty có thể xuất nếu họ quản lý và thực hiện đúng quy trình".

Ông Seko cũng nhấn mạnh rằng việc Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách trắng sẽ chỉ khiến họ ngang hàng với các nền kinh tế châu Á khác như Đài Loan, chứ không gây ra bất kỳ vấn đề lớn nào cho sản xuất của Hàn Quốc. 

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc - Ko Min-jung cho biết Hàn Quốc sẽ thiết lập một đội chuyên biệt để giải quyết vấn đề này: "Chính phủ chắc chắn sẽ xử lý việc này". 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tổ chức một cuộc họp nội các để thảo luận và thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Lee Ju-yeol sẽ tổ chức một cuộc họp với các giám đốc của Ngân hàng trung ương để đánh giá tác động đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Hàn Quốc.

Hạn chế thương mại của Nhật Bản đã tạo ra một phong trào chống Nhật Bản tại Hàn Quốc, các cửa hàng và người tiêu dùng đã tổ chức các chiến dịch tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản, bao gồm cả du lịch Nhật Bản. 

Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam? - Ảnh 1.

Chất bán dẫn do Hàn Quốc sản xuất được sử dụng trong điện thoại thông minh thương hiệu Trung Quốc và Nhật Bản. 

Samsung tự điều hành hoạt động lắp ráp tại nhiều quốc gia. Quyết định kiểm soát xuất khẩu các loại hóa chất đầu vào của chất bán dẫn sang Hàn Quốc có thể bị áp lên các mặt hàng xuất khẩu cho các nhà máy được điều hành bởi các công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc hay Đông Nam Á, trong đó có 3 nhà máy của Samsung ở Việt Nam.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2009 với tổng vốn đầu tư 670 triệu USD. SEV là công ty sản xuất điện thoại di động đầu tiên với quy mô hoàn chỉnh tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. 

Việt Nam là quốc gia thứ 5 có cơ sở sản xuất của Samsung, bên cạnh Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Hiện tại, SEV đã là một trong những nhà sản xuất dẫn đầu thế giới về màn hình plasma và điện thoại di động.

Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với việc sản xuất chip và màn hình có thể có tác động sâu rộng, các nhà phân tích nói. "Quyết định này có thể đè nặng lên thị trường và dẫn đến sự leo thang nhanh chóng căng thẳng song phương", các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo. 

Báo cáo cũng lưu ý rằng sự không chắc chắn về nguồn cung từ Nhật Bản có thể ảnh hưởng phần nào đến đầu tư tư nhân ở Hàn Quốc trong những năm tới, do việc phát triển các sản phẩm thay thế địa phương hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trở nên kém hiệu quả.

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn thứ hai sau Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc đã đầu tư 1,473 tỷ USD vào Việt Nam với 600 dự án, chiếm 17,8% tổng vốn FDI.

Hoàng An

Nikkei Asian Review/ Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên