MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản: Quốc gia cuồng "đúng giờ"

28-05-2019 - 16:24 PM | Tài chính quốc tế

Trên thực tế, người Nhật không có văn hóa đúng giờ cho đến cuối thập niên 1800.

Tháng 2/2019, Nhật Bản rúng động vì 1 vụ bê bối liên quan đến Bộ trưởng Olympic quốc gia, ông Yoshitaka Sakurada. Chẳng là vị bộ trưởng này đến muộn 3 phút trong cuộc họp Nghị viện và Đảng đối lập ngay lập tức đã thực hiện cuộc biểu tình 5 tiếng đồng hồ cho sự chậm trễ này.

Nghe có vẻ nực cười nhưng xã hội Nhật lại ủng hộ phe đối lập khi cho rằng Bộ trưởng Sakurada đã có hành vi sai trái, đồng thời cảm thấy sốc khi 1 nhà lãnh đạo lại đến muộn. Chỉ 1 ngày sau vụ việc, Bộ trưởng Sakurada đã phải họp báo xin lỗi công khai trước toàn thể nhân dân.

Nhiều người có lẽ sẽ cười trừ vì cho rằng chính trị là thế khi 1 nhà lãnh đạo đại diện cho bộ mặt cả đất nước, nhưng ngay cả trong hoạt động kinh doanh, giáo dục cũng như bất kể lĩnh vực nào, "đúng giờ" luôn luôn là tiêu chí hàng đầu của người Nhật, thậm chí văn hóa đúng giờ được tôn thờ đến mức điên cuồng.

Nhật Bản: Quốc gia cuồng đúng giờ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Olympic quốc gia Yoshitaka Sakurada

Bạn nghe kỹ nhé, là "đúng giờ" chứ chẳng phải đến sớm đâu. Năm 2018, chuyến tàu của hãng JR-West Rauilway đã đến ga sớm 25 giây so với lịch trình, tạo nên cuộc khủng hoảng hình ảnh nghiêm trọng và buộc doanh nghiệp này phải họp báo xin lỗi công khai. Vụ việc nghiêm trọng đến mức chúng phủ sóng khắp truyền thông Nhật Bản.

"Sự bất tiện mà chúng tôi gây ra cho khách hàng là không thể tha thứ được", đại diện phía JR West Railway nói.

Đến đây, chắc nhiều người bắt đầu thấy toát mồ hôi về môi trường sống cũng như làm việc tại Nhật rồi. Thậm chí chính bản thân người Nhật cũng cảm thấy mệt mỏi với văn hóa này, nhưng biết làm sao khi chúng đã ăn sâu vào nền giáo dục cũng như quan niệm của mọi người.

Đúng giờ hoặc chết

Ngay từ bé, trẻ em Nhật đã được giáo dục về sự đúng giờ. Thậm chí đến không đúng giờ trở thành 1 điều gì đó tội lỗi.

Anh Issei Izawa, sinh viên 19 tuổi cho biết mình đã được bố mẹ dạy rằng không được đến muộn và phải nghĩ đến sự bất tiện cho người khác khi mình không đúng hẹn, bất chấp là chỉ trễ có vài giây đi chăng nữa.

Trong khi đó, chị Kanako Hosomura, 1 phụ nữ nội trợ 35 tuổi ở Saitama cho biết mình ghét việc không đúng giờ, cho dù chỉ là lệch vài phút.

"Tôi thích việc đến sớm trong các buổi hẹn hơn bởi cảm thấy mình nên chờ đợi ai đó hơn là để họ phải chờ đợi bản thân", cô Hosomura cũng nói mình sẽ chẳng bao giờ thân thiết với những ai đến muộn và làm phiền người khác.

Tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái với tư tưởng này. Một người đàn ông khi được tờ SCMP phỏng vấn cho biết bạn gái anh làm ở trung tâm hỗ trợ khách hàng cho JR Railway và bị mắng xối xả khi nghỉ trưa về muộn có 10 giây. Đồng nghiệp của cô gái đã nghiêm túc cảnh cáo về việc đúng giờ.

"Thật quá nghiêm khắc", anh bạn này nói với SCMP.

Nhật Bản: Quốc gia cuồng đúng giờ - Ảnh 2.

Đối với những người nước ngoài, văn hóa đúng giờ khiến Nhật Bản trở nên nổi tiếng vì lịch sự, làm việc đàng hoàng cũng như hiệu quả. Thêm nữa, "đúng giờ" cũng có tác động đáng kể lên nền kinh tế.

Ví dụ tại Anh, số liệu của Heathrow Express năm 2017 cho thấy nhân viên đi muộn khiến nền kinh tế mất 9 tỷ Bảng Anh, tương đương 11,7 tỷ USD. Hơn 50% số người Anh được hỏi cho biết đi làm muộn và đến muộn trong các buổi họp là chuyện bình thường.

Tại New York-Mỹ, những người đi muộn khiến nơi này mất 700 triệu USD/năm. Tại bang California, người đi muộn khiến chính phủ địa phương mất hơn 1 tỷ USD/năm.

Hiệu quả hay sự mệt mỏi?

Trên thực tế, người Nhật không có văn hóa đúng giờ cho đến cuối thập niên 1800. Xã hội Nhật khi mới bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp khá thoải mái. Sĩ quan hải quân Hà Lan Willem Huyssen van Kattendijke đã đến Nhật Bản từ thập niên 1850 viết trong hồi ký rằng người dân nơi đây chẳng bao giờ đến đúng giờ. Những chuyến tàu hỏa tại Nhật thời kỳ này thậm chí thường xuyên đến ga muộn tầm 20 phút.

Phải đến tận cuộc cải cách Minh trị (1868-1912), khi Nhật hoàng thực hiện cải cách công nghiệp và quân sự hóa thì đúng giờ mới bắt đầu trở thành tiêu chuẩn cho người Nhật. Đây cũng là 1 trong những yếu tố chủ chốt giúp Nhật Bản từ 1 nền kinh tế lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp trước Thế chiến II.

Tất cả trường học, nhà máy hay hệ thống tàu lửa khi đó của Nhật đều siết chặt vấn đề giờ giấc, qua đó tác động mạnh đến xã hội. Công nhân thời đó bị áp dụng lý thuyết Taylor khi các nhà quản lý áp đặt hệ thống làm việc theo tiêu chuẩn đúng giờ, thưởng phạt khắt khe.

Điều thú vị là chính sự thay đổi này khiến sản phẩm đồng hồ tại Nhật thời kỳ đó trở nên cực kỳ phổ biến. Theo nhà nghiên cứu Ichiro Oda, chính sự chuyển biến này khiến người dân Nhật nhận thức rõ ràng hơn về giờ giấc, từ việc phân biệt đơn giản sáng tối thành phân rõ 24 giờ mỗi ngày. Cũng chính là lúc này, người Nhật nhận ra rằng thời gian là tiền bạc.

Đến thập niên 1920, đúng giờ đã trở thành tiêu chuẩn thép của xã hội Nhật Bản. Thậm chí xã hội Nhật còn phát hành những cuốn sách hướng dẫn cách sinh hoạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho mọi người, như cách phụ nữ búi tóc truyền thống nhanh trong 5 phút thay vì 55 phút.

Nhật Bản: Quốc gia cuồng đúng giờ - Ảnh 3.

Khái niệm đúng giờ dần đồng nghĩa với đạt năng suất và hiệu quả trong các công ty cũng như tổ chức.

"Nếu công nhân đến muộn, công ty hay tổ chức sẽ chịu thiệt hại. Về mặt cá nhân, nếu tôi đến muộn thì tôi không thể hoàn thành công việc hiệu quả nhất", Giáo sư Makoto Watanabe của trường đại học Hokkaido Bunkyo nói.

Tuy nhiên theo giáo sư Mieko Nakabayashi của trường đại học Waseda, đúng giờ không luôn luôn đồng nghĩa với sự hiệu quả. Năm 1990, vụ việc 1 học sinh Nhật 15 tuổi thiệt mạng do bị cổng đè đã làm rúng động cả nước. Cô bé này cố len vào cổng cho kịp giờ đóng là 8h30 sáng và bị kẹt chết. Người giáo viên ấn nút đóng cổng tự động trong vụ việc này đã bị sa thải và 1 cuộc tranh luận dữ dội về văn hóa đúng giờ đã nổ ra.

Báo cáo năm 2016 cho thấy phần lớn doanh nghiệp Nhật bắt nhân viên của mình làm thêm không lương khoảng 80 tiếng mỗi tháng. Theo giáo sư Nakabayashi, văn hóa đúng giờ có điểm lợi nhưng cũng có điểm hại. Đôi khi chúng chẳng giúp ích gì cho công việc mà chỉ khiến mọi chuyện mệt mỏi hơn.

"Có mặt tại văn phòng đúng 9h sáng theo quy định sẽ chẳng khiến tổng thể việc kinh doanh khá hơn nếu chúng chỉ gây ra mệt mỏi", Giáo sư Nakabayashi nhận định.

Đây có lẽ là 1 trong những nguyên nhân khiến nhiều người Nhật thích ra làm việc ở nước ngoài hơn. Anh Yukio Kodata, một người lai Nhật-Canada cho biết mình có rất nhiều bạn bè người Nhật làm ở Canada và dù họ thích cuộc sống tại quê hương hơn nhưng chẳng bao giờ muốn quay lại đó làm việc.

"Thật buồn cười khi tại Canada, bạn tan làm lúc 5h chiều nghĩa là bạn tự do, nhưng tại Nhật thì chẳng phải thế", anh Kodata cười nói.


Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên