Nhật ký của nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm, từng sống sót qua 4 cú lao dốc lịch sử của TTCK Mỹ nhưng bị "hạ gục" bởi Covid-19
Tôi đã sống sót, thậm chí là kiếm bộn tiền sau 4 cú lao dốc lịch sử của thị trường chứng khoán. Nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì trong việc chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng lần này.
- 27-03-2020Những lựa chọn khó khăn và chi phí đánh đổi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
- 26-03-2020Từ lộ trình của bệnh nhân số 0 ở Mỹ: Lỗ hổng khiến ổ dịch bùng phát
- 24-03-2020Credit Suisse chỉ ra những cổ phiếu có thể coi là "hầm trú ẩn an toàn" cho các nhà đầu tư thời dịch bệnh
Đó là buổi sáng thứ 5, ngày 19/3. Chỉ số Dow Jones lại giảm 700 điểm ngay khi vừa mở cửa, và 1 ngày trước đó đã xuyên thủng mốc 20.000 điểm. 1 tháng qua chỉ số này giảm tới 30% - mạnh nhất từ trước đến nay, thậm chí tồi tệ hơn thời kỳ đại khủng hoảng.
Đà lao dốc khiến người ta nôn nao. Dựa vào những quy tắc mà tôi đã rút ra sau nhiều thập kỷ đầu tư, đây chẳng phải là lúc mua vào hay sao. Nhưng để làm được điều đó, tôi phải đăng nhập vào tài khoản. Và khi làm điều đó, con số đầu tiên đập vào mắt tôi là giá trị vốn hóa của danh mục ở thời điểm hiện tại.
Đang đi nghỉ tại ngoại ô New York, tôi đã có vài ngày không ngó ngàng gì đến danh mục. Và giờ tôi cũng không muốn, do đó đã quyết định thay vào đó sẽ xem bản tin dự báo thời tiết, sau đó là kiểm tra email.
Nhưng tôi cảm thấy đờ đẫn.
Tôi đã đầu tư cổ phiếu được gần 40 năm rồi. Tôi đã trải qua, sống sót và thậm chí là trở nên giàu có sau 4 cú lao dốc lớn. Đáng ra tôi sẽ chuẩn bị tốt để đối phó với lần này. Nhưng nhìn vào mấy tuần vừa rồi, tôi nhận ra rằng mình đã vi phạm hầu như mọi quy tắc đã được kiểm chứng qua thời gian. Với tâm trạng thất thường, lúc lạc quan lúc tuyệt vọng vì những tin xấu liên tiếp xuất hiện và cuộc sống bị đảo lộn, tôi đã để cảm xúc chi phối các quyết định. Và sáng nay điều đó lặp lại.
Rơi xuống mà không biết đâu là đáy
Tôi bắt đầu đầu tư từ mùa hè năm 1982, gần như ngay sau khi tiết kiệm đủ tiền để đầu tư. Bố tôi, một giám đốc bán hàng đi xe Cadillac, là người có niềm tin mãnh liệt vào thị trường chứng khoán, và tôi được thừa hưởng niềm tin đó.
Nhìn lại thì 1982 là 1 năm tuyệt vời để mua vào. Trong những năm sau đó, tôi thoải mái tận hưởng đà tăng vững chắc của thị trường. Sau 5 năm, thị trường tăng trưởng gấp 3.
Ngày 19/10/1987, tôi đang tới Pháp thăm anh trai. Sáng sớm hôm sau, khi rời khách sạn ở Strasbourg, tôi nhìn thấy trên trang nhất của hàng loạt tờ báo đều giật tít chỉ số Dow Jones đã giảm "23". Tôi tự hỏi tại sao tin tức về thị trường chứng khoán Mỹ lại có thể lên trang nhất ở Pháp. Tôi nhìn kỹ hơn và thấy con số 23%. Chỉ số Dow đã giảm 508 điểm chỉ trong 1 ngày, xét theo điểm phần trăm thì đó là ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Tôi nóng lòng muốn cứu vớt số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình bằng cách bán ra. Nhưng tôi đang ở xa và không có lựa chọn nào khác là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Khi tôi quay trở lại Mỹ, thị trường dường như đã ổn định trở lại. Nhưng cơn bão sớm quay trở lại. Tôi hoảng loạn và bán tháo toàn bộ.
Đến tháng 9/1989 thì thị trường hồi phục hoàn toàn và lấy lại toàn bộ số điểm đã mất. Nhưng tôi đã trở thành kẻ đứng ngoài cuộc, chờ đợi trong vô vọng hòng tìm kiếm thời điểm tốt để quay trở lại.
Từ đó tôi thề sẽ không bao giờ giao dịch khi đang hoảng loạn nữa. Tôi đề ra quy tắc không bao giờ bán ra trong ngày thị trường giảm điểm, và ngược lại không bao giờ mua vào trong ngày thị trường tăng điểm.
Quy tắc này rất hữu ích trong thập kỷ tiếp theo, khi thị trường tăng điểm kỷ lục nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ. Thậm chí tâm trạng còn lạc quan hơn cả những năm 1980. Tại phòng tập gym, tôi thường xuyên nghe thấy những huấn luyện viên cá nhân hào hứng khoe về danh mục cổ phiếu công nghệ ưa thích của họ.
Đầu năm 2000, khi bong bóng công nghệ vỡ tung và cú sụp đổ tiếp theo ập đến, tôi vẫn tiếp tục đầu tư, kiên định với quy tắc đã đặt ra. Tôi ngừng theo dõi bảng giá, ít nhất thì điều đó mang đến tâm lý thoải mái hơn. Những tờ báo bị tôi thẳng tay vứt vào sọt rác ngay khi vừa nhận được, không cần mở ra xem. Tôi không hề bán tháo cổ phiếu.
Sau khi trải qua 2 năm "thị trường con gấu", tôi chỉnh sửa lại chiến lược đầu tư. Tôi phát hiện ra rằng nếu như tôi mua vào mỗi khi thị trường giảm trung bình 10% so với mức đỉnh trước đó - tức là rơi vào giai đoạn điều chỉnh -và tiếp tục mua nhiều hơn khi thị trường giảm tiếp 10% thì tôi sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng mua đỉnh.
Tôi không nghĩ rằng đó là kỹ thuật chọn đúng thời điểm của thị trường (market timing), vì tôi không hề dự đoán gì cả. Có thể nói chiến lược của tôi là tái cân bằng danh mục - bán ra một vài loại tài sản và mua vào loại khác để duy trì 1 tỷ lệ phân bổ vững chắc.
Chiến lược này tiếp tục được áp dụng trong khủng hoảng tài chính 2008. Tôi nhớ lại những phản ứng gây sốc thời điểm tháng 10 năm đó, khi thị trường lao dốc và trong khi những người khác tự mãn rằng họ đã đoán đúng và thoát hàng đúng thời điểm, tôi lại nói rằng tôi đang mua vào.
Chiến lược của tôi là hoàn hảo. Thị trường có 5 lần giảm 10%, vì thế tôi có rất nhiều cơ hội để mua vào, mà lần cuối cùng là tháng 3/2009. Nhìn gần thì những lần mua vào trong các cú giảm 10% đầu tiên là ngu ngốc, vì sau đó thị trường lại giảm thêm 40%. Nhưng tôi vẫn có thể kiếm lời từ những cổ phiếu đó nhờ đà tăng trưởng kỷ lục mới chỉ kết thúc cách đây ít ngày.
Virus lạ và những điều chưa từng trải qua
Kể từ đó đến nay chỉ có 5 lần thị trường giảm 10%, và tôi đều coi đó là cơ hội mua vào. Không lần nào thị trường giảm thêm 10%. Lần cuối cùng thị trường điều chỉnh đã là từ cuối năm 2018. Nhìn thấy tỷ trọng tiền mặt trong danh mục ngày càng lớn, tôi tự hỏi không biết bao giờ cơ hội mới xuất hiện và trở nên mất kiên nhẫn.
Ngày 19/2, S&P 500 vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Không ai nhìn thấy 1 "con gấu" hay suy thoái đang dần hiện lên ở đường chân trời, bất chấp những lời cảnh báo về sự không bền vững và 1 loại virus lạ đang bắt đầu lây lan.
Cho đến 1 tuần sau đó. Ban đầu thị trường giảm nhẹ nhưng hồi phục ngay sau đó. Đến ngày 25/2, S&P 500 đã giảm 7,6% so với đỉnh gần nhất.
Từ góc độ tài chính, tôi không hề lo lắng về virus corona. Tình hình ở Trung Quốc đã được kiểm soát, ở Mỹ chỉ có ít ca bệnh mà hầu hết tập trung ở 1 nhà dưỡng lão ở Washington. Mọi người đều nói nước Mỹ có hệ thống y tế tốt hơn, chất lượng không khí tốt hơn và những phương tiện tốt hơn so với Trung Quốc, do đó sẽ dễ dàng ngăn dịch bệnh lây lan.
Là 1 nhà đầu tư, tôi đã trải qua nhiều dịch bệnh do virus - từ SARS, MERS đến cúm lợn, Ebola, và chúng không tác động nhiều đến giá cổ phiếu ở Mỹ. Kể cả đại dịch AIDS cũng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến nền kinh tế hay TTCK.
Vì thế ngày 25/2 tôi mua vào thông qua 1 quỹ đầu tư chỉ số, với mục tiêu là những cổ phiếu đã giảm 10%. Nhưng sự lạc quan khiến chiến lược của tôi lung lay. Và tôi quyết định không vi phạm quy tắc của mình.
Ngày tiếp theo thị trường giảm sâu hơn nữa. Đến 27/2, S&P đã giảm gần 5%. Thị trường chính thức có cú điều chỉnh nhanh nhất trong lịch sử - giảm 12% so với đỉnh vừa được lập trong tuần trước đó. Dịch bệnh lây lan toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Tôi nhận ra đáng lẽ mình phải chờ đợi thêm, tự cảm thấy thật ngu ngốc và có lỗi vì đã vi phạm quy tắc. Tôi thề sẽ không lặp lại sai lầm này.
Cú lao dốc mạnh nhất từ ngày thứ hai đen tối
Nhưng ngày thứ hai tuần sau đó, tôi lập tức cảm thấy mình đúng đắn. S&P 500 tăng gần 5%, do những đồn đoán rằng Fed sắp hạ lãi suất. Nhưng đà tăng không kéo dài được lâu. Đến cuối tuần đà tăng bị xóa sạch.
Tôi cũng cảm thấy lo lắng, nhưng tôi không phải là 1 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Tôi chỉ biết rằng thị trường điều chỉnh sâu, vì thế tôi mua vào nhiều hơn. Thị trường càng thiếu chắc chắn, tôi càng cảm thấy mình đang đi đúng hướng, rằng mình biết nắm bắt cơ hội.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 3, ngập tràn tin tức về dịch bệnh bùng nổ ở Italy. Thứ vẫn được coi là mối đe dọa ở xa tít tắp giờ đã hiện lên rất gần. Chưa đủ tồi tệ, Nga và Saudi Arabia khai hỏa cuộc chiến giá dầu đúng lúc nhu cầu đang đổ vỡ. Giá dầu cắm đầu lao dốc, kéo sập toàn bộ ngành năng lượng.
Tôi đã dự đoán thị trường sẽ rất tồi tệ khi mở cửa trở lại vào thứ 2, nhưng tình hình tệ hơn rất nhiều. Thị trường rút phích trong sự hoảng loạn. Đóng cửa phiên hôm đó, S&P 500 giảm 7%, mạnh nhất kể từ ngày thứ hai đen tối năm 1987.
Nhìn vào tài khoản, tôi đã bị sốc. Quỹ đầu tư chỉ số gồm các cổ phiếu quốc tế của tôi giảm 20% so với đỉnh hồi tháng 2, và quỹ thị trường mới nổi thì mất 1/4 giá trị.
Tôi nghĩ lại những gì bản thân đã trải qua 33 năm trước, khi hoảng loạn trước những dòng tin tức ở Strasbourg. Tôi cố gắng nhắc nhở bản thân rằng trong ngắn hạn thị trường rung lắc nhưng về dài hạn thì sẽ luôn đi lên. Thị trường giảm điểm là cơ hội để mua vào.
Ngày 12/3, sau khi Tổng thống Trump cấm bay giữa Mỹ và EU, và nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bắt đầu đóng băng vì các lệnh phong tỏa, thị trường còn giảm sâu hơn nữa. S&P 500 mất 10%, giảm tổng cộng 27% so với đỉnh lập trước đó vài tuần.
Theo quy tắc của tôi thì đó là lúc để mua vào. Nhưng tôi gần như không còn tâm trí. Tôi đang bận rộn với việc hủy bỏ kỳ nghỉ ở đảo Virgin. Tôi bắt đầu nghĩ về việc tự cách ly - điều chỉ vài ngày trước chẳng ai nghĩ đến.
1 người bạn của tôi - hoàn toàn khỏe mạnh ở tuổi 40, tháng 11 năm ngoái tôi vừa đến thăm anh ấy - đã mắc bệnh và đang hôn mê trong bệnh viện ở Madrid. Tôi bắt đầu lo lắng về sự lây lan của dịch bệnh, thậm chí chẳng nghĩ nhiều đến TTCK hay tài sản của mình đang bốc hơi nhanh chóng.
Tôi không muốn chiến lược đầu tư của mình cứng nhắc mà chỉ muốn giao dịch một cách có lý trí. Nhưng tôi nhận ra rằng mình đã hết lý do để không hành động. Tôi biết rằng đã đến lúc mua vào, vì S&P đã giảm quá cả mức mục tiêu 20% sau 7 ngày liên tiếp giảm tối thiểu 4%.
Nhưng tôi vẫn không hành động. Và sau khi thị trường hồi phục cuối phiên 13/3 nhờ những hứa hẹn của Tổng thống Trump về những biện pháp mới để kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế, đà tăng lại bị xóa sạch trong phiên 16/3, để tuột mốc 20.000 điểm lần đầu tiên trong 3 năm.
Mức giảm đã lên đến 30%. Đã bỏ lỡ cơ hội mua vào ở mức giảm 20%, tôi biết rằng giờ là lúc hành động. Nhưng tôi không làm vậy. Ngày hôm sau thị trường tăng điểm, tôi bị lối suy nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua thôi thúc mua vào. Nhưng lại chần chừ vì quy tắc không bao giờ mua vào trong ngày thị trường tăng điểm.
Ngày tiếp theo, bất chấp tin tốt là số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm xuống 0,buổi sáng thị trường vẫn lao dốc. Một lần nữa mức giảm 30% thôi thúc và tôi đã quyết tâm hành động. Nhưng tôi vẫn do dự và cuối cùng sau khi nhìn vào danh mục và thấy cú sốc vừa qua ảnh hưởng không lớn bằng những cú sốc trước, tôi mới quyết định hành động, để rồi lại bị thị trường làm cho hoang mang.
Những kinh nghiệm trong quá khứ hoàn toàn không giúp ích gì cho tôi trong những ngày vừa qua. Sau khi lập đỉnh tháng 3/2000, thị trường đã mất 2 năm rưỡi để hồi phục hoàn toàn từ đống đổ nát của bong bóng dot- com. Gần hơn, thị trường con gấu bắt đầu từ năm 2007 đã kéo dài 17 tháng. Không ai biết trước được thị trường con gấu kéo dài bao lâu.
Nhưng có một số tín hiệu tích cực mà tôi cố bấu víu: S&P 500 chưa bao giờ giảm quá 50% so với đỉnh năm 2008. Và sau những cú sốc lớn thì thị trường không chỉ hồi phục mà cuối cùng lại chinh phục những đỉnh cao mới. Những cú tăng điểm lớn nhất thường xuất hiện trong những thị trường con gấu tệ nhất.
Tuần này cũng đem đến vài tin tốt. Người bạn ở Tây Ban Nha đã tỉnh lại, bác sĩ nói sức khỏe của anh ấy chỉ có thể hồi phục dần dần chậm chạp, nhưng họ rất lạc quan.
Giờ thì mục tiêu mua vào của tôi sẽ được điều chỉnh thành S&P 500 giảm 40% so với đỉnh gần nhất. Có lẽ tôi sẽ sớm nhìn thấy cơ hội để mua vào.
Tham khảo NEw York Times