MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều bất lợi cho kinh tế toàn cầu

13-10-2023 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Xung đột giữa Israel và Hamas đặt ra một loạt rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có áp lực lạm phát cao hơn

Tại cuộc họp chung của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Morocco hôm 11-10, nhà kinh tế Mỹ hàng đầu Mohamed El-Erian cho rằng: "Nếu xung đột mở rộng và kéo theo các bên khác tham gia, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ còn suy yếu hơn, đối mặt áp lực lạm phát cao hơn. Thị trường sẽ rất khó đối phó với kịch bản đó". 

Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas gây thêm rủi ro cho triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath nhận định với hãng tin Bloomberg nếu xung đột lan rộng hơn và khiến giá dầu tăng 10% thì GDP toàn cầu có thể giảm 0,15 điểm % trong năm 2024. Riêng các quốc gia ở Trung Đông có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Chủ tịch WB Ajay Banga cũng cảnh báo xung đột đặt ra thách thức đối với các ngân hàng trung ương đang cố tìm cách "hạ cánh mềm" - kịch bản lạm phát có thể được kiềm chế mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Nhiều bất lợi cho kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở TP Chicago, bang Illinois - Mỹ Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ông Stuart Hoffman, cố vấn kinh tế cấp cao của Tập đoàn Dịch vụ tài chính PNC Financial Services (Mỹ), cho rằng xung đột giữa Israel và Hamas cũng là yếu tố gây bất ổn cho giá năng lượng tại Mỹ. 

Giá xăng dầu ở Mỹ tăng cao hơn trong tháng 8 và tháng 9, kéo theo giá sản phẩm và dịch vụ. 

Theo dữ liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố hôm 11-10, mức tăng của Chỉ số giá sản xuất (PPI) - dữ liệu đo lường lạm phát ở cấp độ bán buôn của Mỹ - đã tăng trong tháng thứ 3 liên tiếp do ảnh hưởng của giá năng lượng.

 Cụ thể, PPI trong tháng 9 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 8, cao hơn so với ước tính 0,3% của Dow Jones - dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng. Phần lớn giá hàng hóa tăng là do xăng tăng 5,4% trong khi giá thực phẩm tăng 0,9%.

Ông Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục mô hình thuộc Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley, nhận định với đài CNBC rằng lạm phát còn tiếp tục và chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa kết thúc. 

PPI là thước đo giá cả mà các công ty phải trả, thường được xem là một chỉ báo sớm của lạm phát tiêu dùng, góp phần vào các quyết định lãi suất của FED.

Tình hình cũng không mấy lạc quan tại Trung Quốc. IMF nhận định mô hình kinh tế cũ dựa vào đầu tư bất động sản của nền kinh tế số 2 thế giới đã đến hồi kết và chính phủ cần thúc đẩy tiêu dùng để phục hồi kinh tế. 

Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF, nhận định Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng toàn diện với sự suy yếu của bất động sản và điều đó gây áp lực lên cả đầu tư lẫn niềm tin của người tiêu dùng trong lĩnh vực này. 

Tỏ ra bi quan, bà Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Ngân hàng Maybank (Malaysia), dự báo chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ xuống thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19 trong thời gian tới.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 từ 5,2% xuống 5% trong bản cập nhật tháng 10 về triển vọng kinh tế thế giới, tạo ra "rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu". Cũng theo IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 còn 3% trong năm nay, trước khi giảm xuống 2,9% vào năm 2024. 

Theo Xuân Mai

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên