Nhiều chủ homestay 'điêu đứng' vì dịch COVID-19
Trả nhà, bán tháo nội thất vì càng kinh doanh càng lỗ, chủ của các homestay này cho biết, họ đã xoay nhiều hướng cho thuê khác nhau, chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, thậm chí cho thuê theo giờ nhưng hơn nửa năm nay vẫn không có khách.
- 06-04-2020Có gì trong homestay ở Hà Nội vừa được giới thiệu trên báo Mỹ?
- 01-04-2020TPHCM dừng cho thuê căn hộ homestay, Airbnb để phòng dịch COVID-19
- 17-03-2020Chấp nhận thiệt hại hàng trăm triệu mỗi tháng bởi dịch Covid-19, chủ homestay, khách sạn mini miễn tiền thuê mặt bằng cho khách
Chủ homestay "điêu đứng, tháo chạy"
Thuê căn nhà 5 phòng ngủ tại phố Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội) để kinh doanh homestay, đầu tư tu sửa, mua mới toàn bộ nội thất, công trình phụ ,… nhưng đã gần nửa năm, “cơ ngơi” của chị Kim Ngân không có khách vì dịch COVID-19.
Chị Ngân cho biết, tuy 3 lần được chủ nhà giảm giá thuê từ 16,8 triệu đồng/tháng xuống 12 triệu đồng/tháng nhưng chị vẫn không trụ nổi và đang tính nhảy sang mảng khác vì ế ẩm. “Các cổ đông đi hết, tất cả mình gánh, nợ không đòi được một ai trong khi đầu tư quá lớn. Tầng 1 dù rất rộng, tính làm thêm gì đó nhưng cũng không được vì khu này rất vắng”, chị Ngân chia sẻ.
Bên trong một căn homestay đang sang nhượng tại Hà Nội
Tìm người nhượng lại 2 căn hộ đang kinh doanh homestay trên phố Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với giá 100 triệu đồng, chị Nguyễn Nhung (chủ homestay) cho biết 2 căn hộ đã được trang bị đẩy đủ nội thất, người mới có thể bắt tay làm ngay. Hai căn hộ của chị Nhung có diện tích 60m2, 3 phòng ngủ, nằm trên tầng 2, 3 của một khu tập thể cũ, gần phía Nhà hát lớn, thích hợp cho thuê khách du lịch.
“Tiền thuê nhà 8-9,5 triệu đồng/tháng, còn hợp đồng tới 2022. Mình nhượng kèm tài khoản đã kinh doanh từ 2018 trên loạt ứng dụng đặt phòng tốt nhất hiện nay...”, chị Nhung thông tin.
Hơn 1 tháng tìm người nhượng homestay nhưng không thành công, chị Nhung quyết định bỏ cuộc, thanh lý toàn bộ nội thất 2 căn hộ. Giá trị nhất trong số đồ thanh lý là 2 chiếc điều hòa - 4 triệu đồng/cái, hiện vẫn chưa có người mua. Những món đồ lặt vặt như bát đĩa, máy sấy tóc, thùng rác, … được chị Nhung thanh lý giá rẻ 20.000 – 30.000 đồng/cái.
Sang nhượng 0 đồng
Bi thảm hơn, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nhiều chủ homestay chấp nhận sang nhượng 0 đồng chỉ để vớt vát lại tiền cọc thuê nhà. Tìm chủ thuê mới cho căn nhà 5 tầng với 4 phòng ngủ đang kinh doanh homestay tại ngõ Tạm Thương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) anh Sơn (chủ homestay) cho biết, những tháng không có dịch, công suất phòng luôn đạt trên 85% nên rất tiếc khi không thể tiếp tục cầm cự mà phải sang nhượng.
Nội thất homestay thanh lý giá rẻ vì COVID-19
“Tiền nhà 20 triệu đồng/tháng, đóng 3 tháng/ lần, mình sẽ hỗ trợ trong vòng 1 tháng với người thuê mới kinh doanh, tặng lại toàn bộ đồ, sang nhượng 0 đồng chỉ lấy lại tiền cọc và 1 tháng tiền nhà”, anh Sơn cho hay.
Với những homestay còn hoạt động, giá thuê xuống thấp chưa từng có, thậm chí, chủ nhà chấp nhận cho thuê theo giờ, mong có khách để bù lại tiền nhà mùa COVID-19. Các hình thức thuê dài hạn, hợp đồng 6 tháng – 1 năm khá hi hữu với loại hình này cũng được các chủ nhà tính đến.
Khảo sát giá cho thuê homestay dài hạn tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, phòng đơn diện tích dưới 20m2, dùng chung phòng khách, bếp, … ngay trung tâm phố cổ Chân Cầm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến giá thuê khoảng 4 triệu đồng/tháng. Căn hộ khép kín, nhà nguyên căn có giá cao hơn, tùy khu vực, nội thất trang bị. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà cho biết, hướng cho thuê dài hạn cũng không mấy khả thi.
Chị Quỳnh Trang, chủ homestay tại phố cổ Hà Nội thừa nhận: “Nếu thuê để ở thì phố cổ không mấy người để ý, mình chỉ cải tạo được trong nhà, bên ngoài bất tiện, chật hẹp, cũ kĩ cũng chịu. Khách du lịch thường ở trung tâm để tiện đi lại, chứ người thuê dài hạn thì ít. Khu Tây Hồ dễ cho thuê kiểu này hơn”.
Theo Bloomberg, báo cáo quý 2/2020 của Airbnb ghi nhận doanh thu giảm mạnh về mức 335 triệu USD trong kỳ kết thúc ngày 30/6, giảm tới 67% so với doanh thu 1 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch toàn cầu. Đơn vị nghiên cứu thị trường Savills dự báo, sau đại dịch, thị trường căn hộ dịch vụ có thể chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ khách sạn và các nền tảng cho thuê. Airbnb cho phép khách đặt phòng tới 365 ngày và Agoda sớm vận hành cơ chế đặt 180 ngày.
Tiền phong