Nhiều doanh nghiệp đang "nằm trên thớt"
Trong đầu năm 2017 đã có không ít cổ phiếu đã bị hủy niêm yết, thế nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát và bị cảnh báo khác như đang nằm “trên thớt” và có thể bị hủy niêm yết bất cứ lúc nào.
Dẫu biết việc điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không phải là chuyện dễ dàng, nhưng một khi đã niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán thì các doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ các quy định. Có như thế, các doanh nghiệp mới có thể tránh xa các “án tử” hủy niêm yết.
Từ trước đến nay, thị trường đã không còn quá xa lạ khi thấy cảnh các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn, thậm chí là nhiều nhà đầu tư còn bị “kẹp hàng” do không giao dịch được. Đầu năm 2017 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết theo nhiều phương cách khác nhau, thế nhưng án tử này sẽ chưa có dừng lại và sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp sắp bị thêm vào “danh sách đen” này trong thời gian tới.
Muôn vàn kiểu “chết” từ án hủy niêm yết
Từ đầu năm 2017 đến này đã có nhiều công ty bị hủy niêm yết, điển hình như SDH, VNH, BHS, BGM, Vinaship, G20,… Còn lý do để công ty bị hủy niêm yết thì lại khá đa dạng, những ví dụ sau sẽ cho thấy rõ hơn điều này.
Kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2014, 2015 và 2016), CTCP Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (HNX: SDH) đã bị hủy niêm yết trên HNX gần 21 triệu CP kể từ 08/09. Với lý do tương tự, cổ phiếu CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (HOSE: VNH) cũng bị HoSE hủy niêm yết hơn 8 triệu cổ phiếu kể từ ngày 23/3/2017.
Hay hơn 20 triệu CP VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship cũng chính thức không còn xuất hiện trên HoSE từ ngày 21/04/2017. Lý do là công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 205 tỷ đồng vượt mức vốn điều lệ thực góp 200 tỷ.
Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, gần 11 triệu CP của CTCP Đầu tư tài chính Giáo dục (HNX: EFI) và gần 46 triệu CP của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (HoSE: BGM) nhận án phạt. Trong đó, EFI bị hủy niêm yết kể từ ngày 17/4/2017, còn BGM kể từ ngày 10/08/2017.
Vào đầu năm, Công ty Cổ phần NTACO (HoSE: ATA) bị hủy niêm yết gần 12 triệu cổ phiếu từ ngày 06/02/2017 do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Công ty.
Cũng do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2016, gần 15 triệu cổ phiếu HDO của CTCP Hưng Đạo Container chính thức không còn tồn tại trên HNX từ ngày 26/05 và PVR, G20 cũng nhận án hủy niêm yết lần lượt từ 26/5 và 21/07/2017.
Cũng có cổ phiếu hủy niêm yết do sáp nhập, giải thể như gần 298 triệu CP của CTCP Đường Biên Hòa (HoSE: BHS) đã không còn giao dịch trên HoSE kể từ 30/08/2017 để hoán đổi thành cổ phiếu SBT.
Thị trường cũng còn khá nhiều trường hợp hủy niêm yết khác. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư chết điếng, không chỉ mất tiền trước đợt lao dốc mạnh của cổ phiếu mà còn phải cắn răng chịu cảnh "kẹp hàng" từ các đợt tạm ngưng giao dịch đến án hủy niêm yết bắt buộc.
Những tên tuổi nào đang lọt vào “tầm ngắm” của án hủy niêm yết?
Bên cạnh những nỗi buồn do việc công ty kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin hay thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, cổ đông của nhiều doanh nghiệp này còn lo lắng hơn về tương lai cũng như khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp.
Nổi lên gần đây sau “lùm xùm” báo cáo tài chính bán niên 2017, cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết rất cao.
Tại thời điểm cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành là 1.767 tỷ đồng, vượt 322 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện tại là 1.446 tỷ đồng. Nhờ phép màu “lợi nhuận khác” mà TTF đã thoát cảnh 5 quý liên tiếp báo lỗ từ quý II/2016. Qua đó ghi nhận lãi ròng 6 tháng 891 triệu đồng.
Tuy nhiên trong BCTC HN bán niên đã soát xét, kiểm toán đã có lưu ý về khoản chênh lệch thiếu số dư hàng tồn kho 1.052 tỷ và khoản lãi vay được miễn giảm 84,7 tỷ đồng của Công ty.
Tính đến cuối quý II/2017, hàng tồn kho của TTF gần 1.692 tỷ; tổng nợ phải trả là 3.565 tỷ và lỗ lũy kế đang là hơn 1.416 tỷ đồng.
Một cái tên “sáng giá” khác CTCP Đầu Tư Cao Su Quảng Nam (HOSE: VHG) khi mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông đã đề xuất việc hủy niêm yết toàn bộ CP và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Cuối cùng Ban lãnh đạo và cổ đông đồng thuận hủy niêm yết.
Được biết trong năm 2016, VHG thua lỗ hơn 30 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến quý II/2017 là 114,8 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty lại đặt mục tiêu năm 2017 với doanh thu 500 tỷ nhưng lỗ ròng tới 200 tỷ đồng.
Hiện VHG đã bị đưa vào diện bị cảnh báo nhưng việc Công ty tiếp tục thua lỗ sẽ khiến cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt, thời gian giao dịch sẽ bị rút ngắn còn 15 phút cuối phiên, hoặc không được giao dịch.
Một cái tên đáng nhắc là CTCP Tập đoàn Đại Dương (HoSE: OGC) khi kiểm toán nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong BCTC bán niên đã soát xét.
Cụ thể, tại thuyết minh BCTC HN giữa niên độ, tài sản ngắn hạn của Công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn khoảng 702,6 tỷ đồng, cuối 2016 chỉ khoảng 510,2 tỷ. Số lỗ lũy kế của Công ty cuối quý II/2017 khoảng 2.763 tỷ đồng, cuối 2016 là 2.480 tỷ; con số này sắp vượt vốn điều lệ 3.000 tỷ của OGC. Như vậy, nếu không có cải thiện nào vào cuối năm và minh bạch hơn trong BCTC, khả năng cổ phiếu OGC sẽ nhận án phạt từ HoSE. Hiện tại cổ phiếu đang thuộc diện bị kiểm soát.
CTCP Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC) cũng bị liệt vào chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt khi Công ty lỗ lũy kế kéo dài, tính đến cuối quý II/2017, mức lỗ lũy kế hiện 28,5 tỷ đồng.
Được biết, sau 3 lần Đại hội thường niên năm 2017 và 3 lần ĐHĐCĐ bất thường trước đó, PNC đều chưa thể thông qua cáo tài chính năm 2016, báo cáo BKS năm 2016, kế hoạch kinh doanh năm 2017 và bầu cử Hội đồng quản trị.
Và vẫn còn khá nhiều những cái tên “tiềm năng” khác đang trong tầm ngắm của án hủy niêm yết.
Tiêu biểu như CTCP Hùng Vương (HVG) vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm. Tương tự vi phạm quy định công bố thông tin thuộc diện bị cảnh báo còn có CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA); CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI).
Hay CTCP Thủy sản số 4 (TS4) tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 17/04 và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 29/06 đều đã có quyết định hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Chưa bị hủy niêm yết nhưng cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) và CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) đang nằm trong diện kiểm soát hiện giá hai cổ phiếu này đều đã về mức 1.500 đồng sau 2 năm được chấp thuận niêm yết tại HNX.
Kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản công nợ phải thu và công nợ phải trả chưa có đối chiếu ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính của CTCP HACISCO (HAS), cổ phiếu HAS đang thuộc diện bị cảnh báo.
Mới đây, HNX cũng thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của CTCP Sữa Hà Nội – Hanoimilk (HNM) do Hanoimilk vẫn chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, thuộc diện kiểm soát.
Cổ phiếu JVC củaCTCP Thiết bị Y tế Việt Nhậtđã bị liệt vào danh sách chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Trong năm 2015, JVC chứng kiến mức lỗ “khổng lồ” lên đến 1.336 tỷ đồng, còn trong năm 2016 lỗ gần 32 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý IV/2016 đã là 1.019 tỷ và cuối quý I/2017 (01/04-31/07) là gần 1.020 tỷ đồng. Nếu để lỗ tiếp năm thứ ba, JVC sẽ bị hủy niêm yết. Tín hiệu khả quan là tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, JVC lên kế hoạch doanh thu 2017 là 630 tỷ đồng, tăng 20% so với 2016; lợi nhuận sau thuế có lãi 19 tỷ đồng thay vì lỗ như các năm trước.
Đối với doanh nghiệp việc cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể gây nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và nhiều vấn đề kinh doanh khác, nhưng xét đến cùng người chịu thiệt nhất có lẽ là cổ đông khi phải chứng kiến cổ phiếu bị “trừng phạt”, bị giảm khả năng tiếp cận vốn, bị kẹp hàng và nhiều vấn đề khác. Do vậy, trong khả năng của mình, doanh nghiệp nên cân nhắc thận trọng các quyết định cũng như minh bạch thông tin để đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.
Theo Nghị định 58 về quy định hủy niêm yết thì một số trường hợp chính bị hủy niêm yết như là:
Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;
Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;
Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Tổ chức muốn hủy niêm yết tự nguyện khi Quyết định của ĐHĐCĐ có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận hủy bỏ niêm yết;