Nhiều doanh nghiệp "đổi màu" lỗ, lãi sau soát xét
Sau soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2022, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp đã có không ít thay đổi so với báo cáo tự lập. Trong đó, nhiều trường hợp ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ sau soát xét.
- 24-08-2022Thị trường dần sôi động hơn, cơ hội nào cho ngành chứng khoán?
- 24-08-2022"Rút ngắn xuống T+2, thanh khoản sẽ tăng 20-30%"
- 24-08-2022Doanh nghiệp 'họ Louis' đồng loạt báo lỗ sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt
Sau soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2022, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp đã có không ít thay đổi so với báo cáo tự lập. Trong đó, nhiều trường hợp ghi nhận lợi nhuận giảm sâu, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ sau soát xét.
Thống kê các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên soát xét năm 2022 cho thấy, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp đã thay đổi sau soát xét. Đa phần thay đổi theo chiều hướng giảm lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ đang có lãi sang lỗ và nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp báo lãi giảm, chuyển từ lãi sang lỗ
Trong số các doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ sau khi công bố BCTC bán niên soát xét, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS) là một trong những ví dụ điển hình.
Theo BCTC bán niên năm 2022 được soát xét bởi công ty TNHH hãng kiểm toán AASC, lợi nhuận sau thuế (LNST) của SHS nửa đầu năm âm 68,2 tỷ đồng, trong khi BCTC tự lập ghi nhận mức lãi gần 32,2 tỷ đồng. Như vậy, LNST kỳ này đã giảm 649 tỷ đồng so với con số thực hiện cùng kỳ là 580,8 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh thua lỗ 6 tháng đầu năm, Chứng khoán SHS cho biết, nửa đầu năm doanh thu hoạt động của công ty chỉ tăng 2,1% từ 621,4 tỷ đồng lên 634,2 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tăng tới 31,9% từ 433,8 tỷ đồng lên 572,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do công ty giữ nguyên phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) thay vì mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) như trong BCTC quý 2 tự lập. Cụ thể, chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản FVTPL sau soát xét tăng gần 13 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Cùng với đó, chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL tăng 138,4 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của công ty giảm mạnh so với BCTC tự lập.
Theo SHS, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay diễn biến tiêu cực bất ngờ dẫn đến mảng tự doanh gặp nhiều khó khăn, khiến lợi nhuận sau thuế bị lỗ.
Tương tự, sau soát xét, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (mã MAC) cũng báo lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi gần 130 triệu đồng.
Sự thay đổi này là do chi phí tài chính điều chỉnh tăng gấp 25 lần (do hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 3 tỷ đồng (do tăng chi phí cho nhân viên và dự phòng phải thu khó đòi).
So với cùng kỳ năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 18%, đạt hơn 36,7 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 5,4 tỷ đồng). Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 lên hơn 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại BCTC soát xét bán niên 2022 của MAC, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến kết quả hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty với CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Motachi.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2022, MAC tiếp tục bị lỗ hơn 4,4 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại ngày 30/6, MAC đang có lỗ lũy kế hơn 30 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Thay đổi lợi nhuận sau thuế bán niên sau soát xét của một số doanh nghiệp so với báo cáo tự lập.
Bên cạnh các doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ, sau soát xét, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận càng âm nặng hơn. Như CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) công bố LNST 6 tháng đầu năm sau kiểm toán âm 95,2 tỷ đồng, tăng 4,4 so với con số âm 90,8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng).
Ngoài ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm, BCTC soát xét bán niên 2022 của NDN cũng bị đơn vị kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ.
Theo BCTC hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2022, LNST của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (mã TCK) cũng tăng từ mức âm 400 triệu đồng trong báo cáo tự lập, lên âm hơn 700 triệu đồng. Theo giải trình từ công ty, sự chênh lệch này do trong quá trình kiểm toán phát hiện nhầm lẫn, sai sót một số bút toán về doanh thu và chi phí.
Theo đó, công ty điều chỉnh doanh thu hoạt động tài chính giảm 9% so với báo cáo tự lập, còn gần 300 triệu đồng. Lợi nhuận thuần giảm 33%, xuống 700 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần tăng 17%, đạt gần 151 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 700 triệu đồng, cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng. Qua đó, tổng lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2022 lên hơn 336 tỷ đồng.
Cũng trong BCTC soát xét, đơn vị kiểm toán đưa ra loạt vấn đề nhấn mạnh và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trong khi đó, giải trình về việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2022 cũng nhưng việc tăng lỗ sau soát xét, CTCP Thương mại Hà Tây (mã HTT) cho biết sau soát xét, doanh thu của công ty vẫn giữ nguyên ở mức hơn 2 tỷ đồng. Song do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 48% lên hơn 4 tỷ đồng nên công ty lỗ ròng 7,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập chỉ lỗ 6 tỷ đồng.
Theo HTT, sở dĩ công ty lỗ nặng hơn sau soát xét do phải tăng trích lập dự phòng thêm 20% đối với một số khoản nợ.
Ở chiều ngược lại, dù vẫn ghi nhận lỗ ròng sau kiểm toán, song khoản lỗ bán niên của CTCP Licogi 14 (mã L14) đã giảm mạnh từ hơn 234 tỷ đồng ở báo cáo hợp nhất tự lập xuống gần 24 tỷ đồng sau soát xét.
So với báo cáo tự lập, các chỉ tiêu kinh doanh đồng loạt giảm mạnh sau soát xét. Trong đó, doanh thu thuần giảm 20% (giảm 23 tỷ đồng), giá vốn giảm 34% (giảm 20 tỷ đồng), doanh thu tài chính giảm 94% (giảm hơn 146 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 7% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 61%.
Yếu tố chính khiến khoản lỗ của L14 giảm gần 211 tỷ đồng, chỉ còn lỗ ròng 24 tỷ đồng sau soát xét, đến từ chi phí tài chính với mức giảm 85% so với báo cáo tự lập, từ hơn 418 tỷ đồng xuống còn 64 tỷ đồng.
Dù giảm lỗ đáng kể sau soát xét, kết quả kinh doanh của L14 vẫn ảm đạm so với mức lãi hơn 30 tỷ đồng nửa đầu năm 2021.
Đến thời điểm hiện tại, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) là một những trường hợp hiếm hoi ghi nhận lãi sau thuế tăng sau soát xét bán niên 2022. Cụ thể, lãi ròng của công ty đã tăng 1,8% lên 12.473 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 223 tỷ đồng nhờ giá vốn hàng bán cùng một số chi phí giảm.
Cụ thể, giá vốn hàng bán của Bình Sơn đã giảm 0,3% sau soát xét còn 13.509 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp tăng 1,7% lên 13.509 tỷ đồng. Doanh thu tài chính sau kiểm toán đạt 670,2 tỷ đồng, tăng 3,4% trong khi chi phí tài chính giảm từ 444,1 tỷ đồng còn 443,9 tỷ đồng.
Năm 2022, cổ đông thông qua kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng, LNST 1.295 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, lợi nhuận công ty đã gấp 9,6 lần kế hoạch năm.
Nhiều doanh nghiệp bị cắt margin
Với việc chuyển từ lãi sang lỗ sau khi công bố BCTC bán niên soát xét, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã loại cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) và cắt margin từ ngày 23/8.
Tương tự, HNX cũng thêm cổ phiếu NDN của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ và cắt margin từ ngày 22/8.
Một loạt cổ phiếu khác cũng bị cắt margin do LNST theo BCTC soát xét bán niên là số âm như TVC, APS, L14,...
Theo đó cổ phiếu TVC của CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt bắt đầu bị cắt margin từ ngày 24/8 do LNST nửa đầu năm âm 257 tỷ đồng, không thay đổi so với BCTC tự lập. So với 6 tháng năm 2021, LNST của TVC giảm tới 521 tỷ đồng.
Theo giải trình của TVC, doanh thu nửa đầu năm giảm 61% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 94 tỷ đồng trong khi các chi phí tăng 102% là nguyên nhân khiến lợi nhuận âm nặng. Sự sụt giảm doanh thu và tăng đột biến chi phí có nguyên nhân từ việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong những tháng đầu năm 2022, khiến công ty trích phải lập dự phòng gần 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương - Apec cũng bị cắt margin từ ngày 19/8 do LNST bán niên 2022 sau kiểm toán là số âm. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, APS ghi nhận doanh thu tăng gấp 4 lần lên mức 108 tỷ đồng, song gánh nặng chi phí cùng khoản lỗ đậm tại mảng tự doanh khiến doanh nghiệp báo lỗ sau thuế kiểm toán 304 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 37,7 tỷ.
Trước đó tại báo cáo tự lập, APS ghi nhận doanh thu chỉ 56 tỷ đồng (giảm mạnh so với quý 1) trong khi chi phí hoạt động lại tăng gấp hơn 12 lần quý trước đó lên 492 tỷ đồng (chủ yếu do thua lỗ mảng tự doanh) dẫn đến công ty lỗ sau thuế 362 tỷ đồng.
Với cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14, dù LNST đã thu nhỏ từ 234 tỷ đồng xuống 24 tỷ đồng sau soát xét, nhưng vẫn là con số âm. Do đó, HNX đã đưa cổ phiếu L14 vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ kể từ ngày 19/8.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), một số mã chứng khoán cũng vừa được bổ sung vào danh sách cổ phiếu bị cắt margin vì thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Điển hình là cổ phiếu PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu. Nửa đầu năm, doanh thu thuần của PSH tăng 28% lên mức 3.771 tỷ đồng, song giá xăng dầu thế giới và trong nước biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của PSH dẫn đến giá vốn tăng cao. Kết quả, 6 tháng đầu năm công ty lỗ 260 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 84 tỷ đồng.
Với cổ phiếu KHP của CTCP Điện lực Khánh Hoà, mặc dù, doanh thu thuần nửa đầu năm của KHP tăng xấp xỉ 10% lên 2.391 tỷ đồng, song giá vốn tăng cùng các chi phí không được tiết giảm khiến LNST âm 126 tỷ đồng. Dù vậy, con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 182 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu HAS của CTCP Hacisco cũng bị cắt margin với lý do tương tự. Theo BCTC bán niên 2022 đã soát xét, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt gần 35 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2021. Dù giá vốn cũng giảm sâu, song do doanh thu lao dốc nên HAS vẫn chứng kiến lỗ sau thuế hơn 470 triệu đồng trong nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi gần 1,8 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh doanh