MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp xây lắp kinh doanh khởi sắc

02-05-2023 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Cao tốc Mai Sơn - QL45 vừa được đưa vào khai thác hôm 29/4.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 vừa được đưa vào khai thác hôm 29/4.

(PLVN) - Trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nhiều doanh nghiệp lớn như: Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả… đều có kết quả kinh doanh khả quan.

Tăng trưởng mạnh nhờ thi công cao tốc

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐTN) năm 2023 diễn ra hôm 24/4, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Cienco4 xác định, cơ hội cho Cienco4 trong thời gian tới là rất lớn khi Chính phủ, Bộ GTVT đang triển khai loạt dự án hạ tầng giao thông (HTGT) chiến lược như cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2), sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến vành đai Hà Nội và TP HCM và nhiều dự án giao thông quan trọng khác. Do đó, năm 2023, mục tiêu doanh thu được Cienco4 đặt ra khoảng 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, chi trả cổ tức 10%.

Trong khi năm 2022, doanh thu của Cienco4 chỉ đạt hơn 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện hợp nhất (sau thuế) đạt gần 152 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu năm nay của Cienco4 tăng khoảng 200% cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Phân tích về những thuận lợi, lãnh đạo Cienco4 cho biết, Cienco4 là một trong số vài đầu tàu ngành giao thông được “chọn mặt gửi vàng” trúng thầu tham gia thi công các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Cienco4 đảm nhận dự án cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh giá trị thi công hơn 1.800 tỷ đồng (chiếm gần 56% tổng giá trị gói thầu). Tại dự án Hậu Giang - Cà Mau, giá trị xây lắp Cienco4 thực hiện là 1.778 tỷ đồng (chiếm 27,5%).

Ngoài ra, Cienco4 đã ký hợp đồng tại hàng loạt các công trình, dự án giao thông khác. Đơn cử như dự án hầm chui Giải Phóng giá trị xây dựng 524 tỷ đồng (chiếm 94%); gói XL04 Lai Châu giá trị 332 tỷ đồng…

Công ty CP Đầu tư HTGT Đèo Cả (HHV) cũng lập kế hoạch doanh thu năm nay tăng so với năm ngoái. Cụ thể, tại ĐHĐCĐTN năm 2023 vừa được HHV tổ chức hôm 24/4, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc HHV cho biết, năm 2023, HHV đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.478 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 338 tỷ đồng, tăng 14%.

Doanh thu thi công xây lắp của HHV tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh thi công tại các dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Bình Định và Mai Sơn - quốc lộ 45, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2023, ông Huy cho rằng, trong bối cảnh HTGT được Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư lớn trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời, nhiều địa phương có cơ chế thúc đẩy đầu tư PPP, nên nguồn việc thi công xây lắp, quản lý vận hành được xác định tương đối dồi dào. Riêng năm 2023, trong hoạt động thi công xây lắp, HHV đã trúng các gói thầu XL1, XL2 và XL3 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14.500 tỷ đồng.

Thời gian tới, HHV sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP với tổng giá trị dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng thể, giai đoạn 2023 - 2025, HHV dự kiến tham gia đầu tư các tuyến cao tốc: Tân Phú - Bảo Lộc, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 92%

Một “anh cả” khác trong ngành thi công xây lắp là Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay vượt trội so với năm trước. Cụ thể, mới đây báo cáo về kế hoạch 2023, ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng Ggiám đốc Vinaconex, tổng doanh thu hợp nhất của công ty được đặt mục tiêu ở mức 16.340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 860 tỷ đồng, lần lượt tăng 70% và 92% so với thực hiện của năm 2022.

Theo Vinaconex, năm 2022, đơn vị này đã tập trung thực hiện các dự án lớn thuộc lĩnh vực HTGT với tổng giá trị trúng thầu trong toàn hệ thống đạt trên 11.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên; hạ tầng và kiến trúc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; một số gói thầu thuộc dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2) như gói thầu 11 - XL dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, gói thầu Xl - 02 dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang…

Theo lãnh đạo Vinaconex, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung vật liệu san nền, giá vật liệu biến động, chi phí tài chính tăng cao, tín dụng bị thắt chặt, đơn vị vẫn quyết tâm hoàn thành các gói thầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, đầu năm 2023, Vinaconex tiếp tục được Bộ GTVT lựa chọn là nhà thầu thực hiện một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (tổng các gói thầu khoảng hơn 10.000 tỷ đồng). Mới đây nhất, Vinaconex cũng được lựa chọn thi công gói thầu 03-XL thuộc cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (giai đoạn 1), với giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng.

Một số dự án xây dựng trọng điểm khác cũng đang được Vinaconex thực hiện như Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Vũng Tàu), dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội), nhà ga T2 cảng hàng không Phú Bài (Huế)…

Ngoài những cái tên đã kể trên, nhiều doanh nghiệp xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông khác như Phương Thành, Hải Sơn, Trường Sơn, Trung Chính, Xuân Trường… cũng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng.

Đại gia chăn nuôi quý 1/2023: “Sấp mặt” với chi phí lãi vay, BAF, Hoà Phát, Dabaco lỗ kỷ lục, HAGL không còn lãi từ heo

Theo Minh Hữu

Pháp luật Việt Nam

Trở lên trên