MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khoản đầu tư lãi bằng lần, quỹ lớn nhất của Dragon Capital tiếp tục "đặt cược" thêm 200 triệu USD vào các đợt IPO năm 2018

Với mức định giá thị trường đã được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, Dragon Capital tự tin cho rằng các cơ hội mua dài hạn đã xuất hiện.

VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất trên TTCK Việt Nam do Dragon Capital quản lý - vừa công bố báo cáo thường niên 2018 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Năm 2018, giá trị tài sản ròng của VEIL giảm 7,08% so với năm 2017, vẫn khả quan hơn so với đà giảm 9,45% của Vn-Index. Tổng tài sản của quỹ đạt 1,44 tỷ USD - giảm 110 triệu USD so với cuối năm 2017. Tính trong khoảng thời gian 5 năm, VEIL đều vượt trội so với VN-Index với mức tăng trưởng 113,7%. Riêng năm 2017, tài sản ròng của quỹ tăng hơn 60%, tương ứng với NAV tăng 580 triệu USD.

Nhiều khoản đầu tư lãi bằng lần, quỹ lớn nhất của Dragon Capital tiếp tục đặt cược thêm 200 triệu USD vào các đợt IPO năm 2018 - Ảnh 1.

Diễn biến tăng trưởng giá trị tài sản ròng của VEIL so với VN-Index và VN30

Về cơ cấu danh mục, quỹ tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục do các cổ phiếu OTC nắm giữ năm 2017 hầu hết đều niêm yết năm 2018 như Hải Phát Invest, HDBank, FPT Retail, Becamex...

Tỷ trọng cổ phiếu BĐS chiếm 29,9% danh mục, tiếp theo là ngân hàng (20,3%), bán lẻ (9,6%), thực phẩm (8,7%), nguyên vật liệu (6,5%)…Quỹ đi vay khoảng 60 triệu USD trong năm 2018 (4% NAV), trước đó năm 2017 quỹ đi vay 80 triệu USD.

Rót gần 200 triệu USD vào các thương vụ IPO trong năm 2018

Báo cáo thường niên công khai toàn bộ khoản đầu tư của VEIL, trong đó quỹ này năm 2018 đã rót gần 192 triệu USD vào các thương vụ IPO như Vinhomes (đầu tư 88,4 triệu USD), TCB (35,1 triệu USD), BCM (24,7 triệu USD), POW (24,5 triệu USD), BSR (10,55 triệu USD), CRE (8,5 triệu USD). Ngoại trừ CRE, POW, hầu hết các khoản đầu tư IPO đều thua lỗ trong đó khoản đầu tư vào Techcombank lỗ 39,6%, BSR lỗ 36% tính đến thời điểm 31/12/2018.

Nhiều khoản đầu tư lãi bằng lần, quỹ lớn nhất của Dragon Capital tiếp tục đặt cược thêm 200 triệu USD vào các đợt IPO năm 2018 - Ảnh 2.

Trong năm, VEIL đã thoái vốn toàn bộ tại Coteccons (CTD) 16,49 triệu USD, Hoa Sen (HSG) 17,6 triệu USD, VGT, KBC, SAM và BCI. Ngoài việc mua mới các cổ phiếu IPO và niêm yết mới trên sàn đã nói ở trên, VEIL đẩy mạnh mua SAB, MSN, HPG, DIG, DXG, KDH, NVL, PDR, Ricons đa phần là các cổ phiếu liên quan đến ngành bất động sản và xây dựng, cổ phiếu được giải ngân mạnh nhất là. Các mã bị bán mạnh là FPT, VCI, MBB, HDB.

Trong top các cổ phiếu mang lại lợi nhuận cao cho VEIL, có nhiều khoản có những có mức lãi tính bằng lần như VNM, ACV, ACB, VEA, TID hay KDH. Bên cạnh ACB và VNM là những khoản đầu tư chiến lược nắm giữ lên tới trên 10 năm thì những khoản đầu tư còn lại như VEA hay ACV hay Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) thì VEIL mới chỉ đầu tư vài năm gần đây khi các doanh nghiệp này IPO.

Nhiều khoản đầu tư lãi bằng lần, quỹ lớn nhất của Dragon Capital tiếp tục đặt cược thêm 200 triệu USD vào các đợt IPO năm 2018 - Ảnh 3.

Các cổ phiếu mang lại lợi nhuận nhiều nhất của VEIL tại thời điểm 31/12/2018

Trong khi đó, NKG và DQC là hai trái đắng trong danh mục của VEIL trong năm qua với mức giảm lần lượt 49,7% và 47,5%. Hai khoản đầu tư IPO là TCB và BSR cũng không mang lại hiệu quả trong năm qua.

Nhiều khoản đầu tư lãi bằng lần, quỹ lớn nhất của Dragon Capital tiếp tục đặt cược thêm 200 triệu USD vào các đợt IPO năm 2018 - Ảnh 4.

Các cổ phiếu thua lỗ trong danh mục VEIL tại thời điểm 31/12/2018

Chủ tịch của VEIL, ông Wolfgang Bertelsmeier, người sẽ rời ghế vào ngày 30/6/2019 sau hơn 9 năm tại vị cho biết quỹ vẫn giữ quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam cho dù thị trường thế giới bất định. Một số chỉ số quan trọng ủng hộ thị trường trong nước như khả năng mở room ngoại, khả năng được vào danh sách theo dõi của MSCI Emerging market. Ngoài ra tăng trưởng GDP được kỳ vọng đạt 7,1% trong khi lạm phát được kiểm soát dưới 4%, đồng nội tệ ổn định nhờ vào thặng dư thương mại lớn và dự trữ ngoại hối cao.

Với mức định giá thị trường đã được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, VEIL tự tin cho rằng các cơ hội mua dài hạn đã xuất hiện. Tăng trưởng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (EPS) của 60 công ty trong top danh mục của VEIL dự kiến đạt 10,1% với mức PE khoảng 12,9 lần trong năm 2019, thấp hơn các công ty tương đương trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia, ban lãnh đạo VEIL cho rằng quỹ sẽ mang lại giá trị cho cổ đông và các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn.

Ông Vũ Hữu Điền, giám đốc quản lý danh mục của VEIL trong bản báo cáo thường niên nhận định sau một năm 2018 khó khăn hầu hết các thành viên tham gia thị trường sẽ có một cái nhìn thận trọng trong năm 2019. Tuy nhiên VEIL tin rằng với nền tảng vững chắc của kinh tế vĩ mô Việt Nam, cộng với việc thị trường điều chỉnh về mức PE 12 lần sẽ là bàn đạp cho TTCK Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong năm 2019. Ông Điền nhắc đến cam kết của Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển thị trường tài chính, với sự chuẩn bị ra đời của sản phẩm mới covered warrant, hay các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và IPO. VEIL tin rằng sẽ tìm thấy một số cơ hội đầu tư quay lại trở lại thị trường trong các thương vụ IPO hoặc thoái vốn nhà nước với các cơ hội đầu tư dài hạn tại các mức định giá hợp lý.


Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên