MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng hé lộ kế hoạch tăng vốn... chạy "CAR"

22-03-2017 - 14:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi mà quy mô tài sản ngày càng tăng, nhiều ngân hàng đang ráo riết lên phương án tăng vốn.

Trong khi kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng nhỏ không thể hoàn tất, thì nhiều ngân hàng lớn có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn lên kế hoạch tăng vốn thêm trong năm nay.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Vietcombank năm nay có tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2017. Ngoài ra, Đại hội cũng sẽ thảo luận về kế hoạch kinh doanh năm 2017, phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2016; tờ trình miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2018. Tuy nhiên, nội dung cụ thể chưa được công bố.

Tại đại hội của ngân hàng MB diễn ra sắp tới, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát sẽ báo cáo về tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh 2016 và kế hoạch phát triển 2017. Đáng chú ý, tại đại hội lần này, MBBank cũng sẽ bàn chi tiết về kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu và lộ trình tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Một ngân hàng khác là LienVietPostBank cũng vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn từ 6.460 lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu.

Trong đó, phát hành 38,76 triệu cổ phần để trả cổ tức 2016 tỷ lệ 6%, ước tính số lợi nhuận trích ra để trả cổ tức này khoảng 388 tỷ đồng. Còn lại 15,24 triệu cổ phần sẽ được Ngân hàng chào bán ra công chúng hoặc cán bộ nhân viên hoặc nhà đầu tư, đối tượng khác với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2017 (sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận).

Mục đích phát hành lần này nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi mà quy mô tài sản của LienVietPostBank ngày càng tăng. Bên cạnh đó, vốn thu về còn để đầu tư, nâng cấp thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất; nâng cấp, sửa chữa trụ sở, văn phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị, đầu tư mở rộng mạng lưới... Ngoài ra, dùng để hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản trị ngân hàng, cung ứng sản phẩm dịch vụ mới.

Trong năm 2016, một số ngân hàng đã tăng vốn thành công nhờ kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể mới đây, NHNN đã chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765,5 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank thông qua.

Được biết, đây là số vốn được tăng từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ hơn 18,75%. Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được VPBank sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định của pháp luật.

Năm 2016, MB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 17.127 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm trước. SHB cũng đã tăng vốn điều lệ lên 11.196 tỷ đồng, tăng 18%...

Giới chuyên gia cho rằng, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng, bổ sung vốn cho vay trung dài hạn, góp vốn mua cổ phần… mà tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên