MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều người sập bẫy vay tiền online lãi suất thấp

10-09-2021 - 08:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp khiến nhiều người gặp khó khăn. Một số đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng rồi gọi điện để “quảng bá” cho vay tiền online.

Nhiều người đang lúc khó khăn, nghe có người gọi điện cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản nên đồng ý và làm theo yêu cầu của người gọi điện, không ngờ bị sa bẫy lừa đảo…

Theo Trung tá Minh, sau khi bị hại đồng ý vay tiền, đối tượng hướng dẫn nhiều thao tác đăng ký thông tin vay vốn, gồm CMND, hộ khẩu, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... với mục đích làm cho bị hại tin tưởng hồ sơ vay đang được thực hiện. Tiếp đó, các đối tượng tìm cách lấy nhiều lý do khác nhau và yêu cầu bị hại nộp thêm tiền "bảo lãnh" với lý do số tài khoản sai sót, thông tin tài khoản không khớp… và chúng nói như "đinh đóng cột" rằng, khi nhận tiền vay, khách hàng sẽ nhận lại số tiền đã nộp để "bảo lãnh".

Nhiều người sập bẫy vay tiền online lãi suất thấp - Ảnh 1.

Một bị hại trình báo cơ quan Công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng khi vay tiền online.


Điển hình, ngày 6/9, anh Phạm Văn H. (SN 1986, trú TP Huế) đến cơ quan Công an trình báo rằng, thông qua Zalo, một đối tượng tự giới thiệu là nhân viên tài chính Nhất Tín liên kết với Ngân hàng V. cho vay tín chấp với lãi suất thấp. Những tháng qua, do dịch bệnh phức tạp, công việc làm ăn gặp khó khăn nên anh H. cũng muốn vay tiền. Trong khi đó "nhân viên ngân hàng" hướng dẫn nhiệt tình, lãi suất vay thấp nên anh không một chút do dự. Anh H. đã đăng ký vay 30 triệu đồng, với lãi suất mỗi tháng trả cả gốc và lãi chia đều 2,6 triệu đồng trong vòng 12 tháng.

Sau khi được hướng dẫn truy cập vào trang web có tên "wap.tpmoney.xyz" đăng ký thông tin vay, đối tượng thông báo hồ sơ vay của anh đã được chấp thuận; trong tài khoản của anh đã có 30 triệu đồng nhưng đang "đóng băng" và yêu cầu anh nộp "phí xác thực tài khoản" là 3 triệu đồng để giải ngân khoản vay. Tiền phí sẽ được đối tượng hoàn lại cho anh sau khi xác thực tài khoản. Nghe theo lời hướng dẫn, anh H. đã chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng này.

Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục thông báo, quá trình xác thực tài khoản gặp lỗi xác thực thông tin tài khoản, nên tiếp tục yêu cầu anh H. chuyển thêm 3 triệu đồng nữa. Sau 2 lần chuyển khoản, đối tượng tiếp tục lấy lý do để xác nhận mã giao dịch và yêu cầu anh H. chuyển thêm 7,2 triệu đồng. Nhưng rồi, đối tượng tiếp tục lấy nhiều lý do khác nhau để yêu cầu anh H. chuyển thêm 8,6 triệu đồng. Anh H. không đồng ý và ra ngân hàng V. để hỏi thì phát hiện bị lừa nên trình báo Công an. Tổng số tiền anh H. đã chuyển cho đối tượng là 13,2 triệu đồng.

Hay như chị Hồ Thị B. (SN 1997, trú tại phường Phú Hậu, TP Huế), ngày 1/9 đến cơ quan Công an trình báo, có một người tự xưng là nhân viên Ngân hàng Nhất Tín liên kết với Ngân hàng V. gọi điện thoại cho vay tín chấp với giá ưu đãi. Tin lời, chị đăng ký vay 30 triệu đồng với các bước hướng dẫn.

Tiếp đó, người này thông báo hồ sơ vay đã được chấp thuận, nhưng do số tài khoản của chị B. bị sai nên không giải ngân khoản vay được và yêu cầu chị chuyển 6 triệu đồng vào một tài khoản do đối tượng hướng dẫn để xác thực tài khoản. Chị B. đã chuyển 6 triệu đồng nhưng đối tượng thông báo vẫn chưa xác thực được tài khoản tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 6 triệu đồng nữa.

Mặc dù rất khó khăn, nhưng vì đã lỡ nộp hồ sơ nên cố gắng vay mượn người thân nộp thêm cho đối tượng 6 triệu đồng. Tổng số tiền chị B. chuyển cho đối tượng là 12 triệu đồng…

Theo số liệu thống kê của Công an TP Huế, trong vòng 1 tháng trở lại nay, trên địa bàn TP đã có 11 bị hại đến trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với thủ đoạn nêu trên, số tiền các đối tượng chiếm đoạt của bị hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hiện, các vụ việc đã và đang được tiếp tục điều tra, làm rõ. Công an TP Huế cảnh báo người dân, tuyệt đối không vay tiền online qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, hoặc từ những người gọi điện thoại hỗ trợ cho vay...

Khi cần vay tiền thì người dân trực tiếp đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn hồ sơ vay vốn; nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất thấp, yêu cầu nộp các khoản phí thì nhanh chóng báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết, xử lý đối tượng.

Theo Hải Lan

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên