MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tỷ phú Việt thế chấp hàng trăm triệu cổ phiếu tại ngân hàng

30-03-2022 - 15:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều tỷ phú Việt thế chấp hàng trăm triệu cổ phiếu tại ngân hàng

Để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, không chỉ tỷ phú Trịnh Văn Quyết mà nhiều vị lãnh đạo cũng dùng hàng triệu cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân làm tài sản bảo đảm.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy, các ngân hàng đã nhận thế chấp một lượng lớn cổ phiếu BAV do CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát hành, thuộc sở hữu của tập đoàn FLC và vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết. Các tài sản thế chấp này dùng để đảm bảo cho các khoản nợ của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes).

Theo đó, Ngân hàng Phương đông OCB đã nhận thế chấp 5,06 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng với 13 triệu cổ phiếu BAV do Tập đoàn FLC sở hữu để bảo đảm cho cho khoản vay 108 tỷ của FLCHomes. Đáng chú ý, các hợp đồng tín dụng giữa hai bên được triển khai đồng loạt sau khi Tập đoàn FLC và ngân hàng OCB ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 19/1/2019.

Tại Sacombank, ông Trịnh Văn Quyết cũng thế chấp 57,5 triệu cổ phần Bamboo Airways thuộc sở hữu cá nhân để đảm bảo cho khoản vay gần 400 tỷ đồng có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi.

Bên cạnh đó, vợ chồng ông Quyết - bà Diệp cũng thế chấp 30 triệu cổ phiếu Bamboo Airways tại NCB để đảm bảo cho khoản vay gần 200 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn lưu động cho FLCHomes. Ngoài ra, khoản vay này cũng được đảm bảo bới 30 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu tại Tập đoàn FLC.

Được biết, FLCHomes không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào ở FLCHomes. Tuy nhiên, bà Bùi Hải Huyền, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đang là Chủ tịch của FLCHomes.

Trong khi đó, dù không còn là công ty con của tập đoàn FLC, nhưng đến ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết vẫn sở hữu 56,5% - tương đương 904 triệu cổ phiếu Bamboo Airways. Trong tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nắm giữ của ông Quyết sau khi phát hành thêm cổ phiếu không được công bố.

Không chỉ ông Trịnh Văn Quyết, nhiều tỷ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng đang thế chấp một lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay.

Theo số liệu tại thời điểm 31/12/2021, ông Đoàn Nguyên Đức (tức Bầu Đức) đã dùng hơn 44,9 triệu cổ phiếu HAG để bảo lãnh cho các khoản vay trái phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do BIDV là trái chủ. Số trái phiếu này cũng được đảm bảo bằng hơn 13 triệu cổ phiếu HNG do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sở hữu cùng nhiều bất động sản, tài sản khác.

Tại TPBank, ông Đức dùng 50 triệu cổ phần HAG để đảm bảo cho khoản vay 300 tỷ nhằm mục đích thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Báo cáo tài chính quý IV của Hòa Phát cũng cho biết một số khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp này được thế chấp bằng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên trong Hội đồng quản trị.

Trước đó, năm 2019, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã dùng 100 triệu cổ phiếu HPG để bảo lãnh cho khoản vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank.

Ngân hàng gặp khó khi cầm ''hàng nóng''

Cho vay cầm cố chứng khoán là một nghiệp vụ cho vay bình thường có tính thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng đang cho vay cầm cố cổ phiếu thực hiện mức cho vay dựa trên uy tín của loại cổ phiếu ngân hàng và thị giá cổ phiếu trên thị trường.

Trong hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần còn bổ sung các điều khoản bắt buộc, đó là nếu thị giá cổ phiếu xuống dưới mức cho vay thì khách hàng phải bổ sung thêm tài sản thế chấp hay cầm cố. Trong hợp đồng cho vay cầm cố cổ phiếu cũng có các điều khoản kê khai các nguồn thu nhập chính, thu nhập bổ sung, tài sản có giá trị khác của khách hàng.

Dù vậy việc cho vay dựa trên một tài sản tài chính có tính biến động cao cũng gây ra nhiều rủi ro và phức tạp trong quá trình xử lý nợ. Đơn cử như Kienlongbank, ngân hàng đã phải mất vài năm để xử lý khoản nợ xấu gần 1.900 tỷ của nhóm khách hàng thế chấp bằng 176,4 triệu cổ phiếu STB. Tương tự, hoạt động kinh doanh của Eximbank cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản nợ khó đòi thế chấp bằng 75 triệu cổ phiếu STB.

Hay mới nhất, ngân hàng cũng đã phải bán giải chấp hơn 73,5 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai để thu hồi nợ. Giao dịch này đã khiến cổ phiếu HNG giảm sâu trong tháng 1 và tháng 2.

https://cafef.vn/nhieu-ty-phu-viet-the-chap-hang-tram-trieu-co-phieu-tai-ngan-hang-20220330144709998.chn

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên