MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao

24-11-2023 - 10:07 AM | Thị trường

5G, AI, IoT thực sự đã lột xác cho nhiều địa điểm du lịch tại Trung Quốc – không chỉ nâng tầm trải nghiệm của du khách mà còn giúp các địa phương dễ dàng quản lý, vận hành di tích, di sản, đi kèm với đó là lợi ích cực lớn về mặt kinh tế.

Du lịch không chỉ là khai thác thiên nhiên, bản sắc văn hóa hay lịch sử mà với công nghệ, giá trị du lịch còn tăng lên gấp nhiều lần về mặt trải nghiệm cho du khách cũng như lợi ích trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển các địa điểm du lịch – đây là một trong những tôn chỉ trong cách làm du lịch đang rất thịnh hành tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc.

Tại sự kiện Sustainability Forum 2023 vừa qua, ông lớn viễn thông Trung Quốc là Huawei đã lần đầu chia sẻ về cách thức là họ đồng hành cùng địa phương để phát triển mô hình du lịch thông minh ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp mang đến trải nghiệm du lịch hoàn toàn mới cho các khu vực này.

Thị trấn cổ Hòa Thuận, Vân Nam - “du lịch 1 chạm” lên ngôi

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 1.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 2.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 3.

Thị trấn cổ Hòa Thuận nằm ở Đằng Xung, tỉnh Vân Nam, vùng cực tây nam Trung Quốc, là khu thắng cảnh du lịch cấp 4A quốc gia. Hơn 600 năm qua, trong quá trình giao thoa với văn hóa vùng biên, văn hóa Nam Á và văn hóa phương Tây, tổ tiên Hòa Thuận đã hình thành nên văn hóa kiến trúc Hòa Thuận độc đáo, văn hóa tôn thờ, văn hóa dân gian, văn hóa Hoa kiều.

Từ năm 2005 đến nay, thị trấn cổ Hòa Thuận đã lần lượt giành được các danh hiệu như "Thị trấn hấp dẫn nhất Trung Quốc", "Thị trấn đẹp về môi trường", "Thị trấn lịch sử văn hóa cấp quốc gia"…

Phố cổ Hòa Thuận khởi động quy hoạch dự án du lịch thông minh từ năm 2020 và chính thức triển khai vào tháng 11/2021. Tốc độ cao, độ trễ mili giây, dung lượng cực lớn, độ tin cậy và an toàn của mạng 5G khiến du lịch thông minh trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển số hóa và thông minh trong lĩnh vực du lịch.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 4.

Băng ghế sạc không dây tại thị trấn cổ Hòa Thuận.

Khắp khu thắng cảnh thị trấn cổ Hòa Thuận không chỉ được trang bị camera HD nhìn từ trên cao và hệ thống báo động một phím, mà còn được trang bị hệ thống giám sát phòng cháy, hệ thống giám sát chất lượng không khí và nguồn nước, hệ thống phân luồng du khách bản đồ nhiệt AI.

Nhờ AI, du khách tham quan thị trấn này có thể đối thoại với nhà cổ Aisi, đích thân nghe giảng về triết học, xem Chủ tịch Mao và thầy Aisi cùng thảo luận về học thuật.

Các không gian trải nghiệm 3D tại đây cũng cho phép bạn đắm chìm trong khung cảnh bốn mùa yên bình chỉ trong 5 phút. Các công nghệ 5G, VR/AR, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và các công nghệ khác đang được ứng dụng rộng rãi trong các khu vực thắng cảnh. Nơi đây cũng có máy bán vé tự phục vụ, băng ghế thư giãn có chức năng sạc, máy in ảnh tự phục vụ, máy lọc nước thông minh, v.v., để du khách cảm nhận đầy đủ sự tiện lợi mà các thiết bị thông minh mang lại.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 5.

Nền tảng quản lý từ xa tại làng Hòa Thuận.

Với màn lột xác đó, du lịch thông minh lập tức tạo ra các giá trị hữu hình cho trấn cổ này: Toàn thị trấn Hòa Thuận có 110 nhà hàng, hơn 1.000 cửa hàng, hơn 500 nhà trọ, khoảng 6.500 giường ngủ, hơn 4.000 người làm giàu từ các ngành nghề liên quan đến du lịch. Tiếp theo, các ứng dụng kỹ thuật số có kế hoạch phát triển bản đồ điện tử chính xác, kết hợp thông tin kỹ thuật số của hơn 600 khách sạn và hơn 1.000 thương nhân.

Số liệu năm 2022 cho thấy thị trấn này đã đón 16,3543 triệu lượt khách du lịch, tăng 47,8%, tổng doanh thu từ du lịch là 17,812 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,5 tỷ USD), tăng 38,3%; Doanh số bán hàng trong lĩnh vực lưu trú tăng 7,5% và doanh số bán hàng trong lĩnh vực nhà hàng tăng 5%.

Làng cà phê Tân Trại

Làng Tân Trại, thành phố Bảo Sơn, vùng biên giới Vân Nam nằm trên sườn núi cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, là nơi xuất xứ của cà phê hạt nhỏ Bảo Sơn, được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công nhận là "Một thôn một phẩm" của Trung Quốc. Ở đây có nhiều loại sản phẩm cà phê, bao gồm trà vỏ cà phê, trà hoa cà phê, cà phê nguyên hạt, cà phê xay, v.v.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 6.

Trước đây, ngành cà phê của thôn Tân Trại rất ảm đạm, thu nhập trên mỗi mẫu chưa đến 1.000 NDT (141 USD), nhiều nông dân cà phê cảm thấy trồng cà phê không có triển vọng, lần lượt muốn cắt giảm cây cà phê để trồng các loại cây khác.

Để bảo vệ thương hiệu "Làng cà phê đệ nhất Trung Quốc", lãnh đạo địa phương đã đề ra kê hoạch "không thay đổi ngành nghề, điều thay đổi là quan niệm”. Làng Tân Trại kiên trì xây dựng mô hình khép kín "lựa chọn giống, trồng, thu hoạch và chế biến", thúc đẩy mô hình phát triển chất lượng cao, tạo ra sức sống mới cho ngành cà phê. Thông qua kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, hạt cà phê của thôn Tân Trại dần được thị trường công nhận và các doanh nghiệp ưa chuộng, giá cà phê hạt thô tăng từ 15 NDT/kg đến 60 NDT/kg.

Ngoài ra, thôn Tân Trại ủng hộ việc khuyến khích người dân mua đất và nhà ở, xây dựng thành nhà ở công cộng, nhà ở nông thôn địa phương thành nhà trải nghiệm văn hóa cà phê, khu trải nghiệm kết hợp trải nghiệm chế biến cà phê, trưng bày văn hóa cà phê, tham quan du lịch cà phê và tiêu thụ sản phẩm cà phê. Lấy trang trại cà phê làm nền tảng, hàng năm thôn làng đều tổ chức lễ hội văn hóa du lịch cà phê, cuộc thi pha cà phê, diễn đàn chuyên gia quốc tế, v.v., thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Nhìn cách người Trung Quốc ‘số hóa’ những ngôi làng du lịch hẻo lánh này mới thấy 5G, AI, IoT giá trị ra sao - Ảnh 7.

Nhà mạng China Mobile Vân Nam đã giúp làng Tân Trại phủ sóng 5G đầy đủ. Những năm gần đây, thôn Tân Trại nhờ vào thương hiệu "cà phê hạt nhỏ Bảo Sơn" đã thúc đẩy việc chuyển đổi và nâng cấp cà phê thông thường sang cà phê thượng hạng, cà phê Tân Trại trở nên nổi tiếng trong vùng và lan ra cả nước. IoT đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ giám sát môi trường, nâng cao chất lượng cà phê cũng như khả năng thương lượng về giá.

Trong khi đó, chất lượng mạng cao, độ phủ sóng đạt 98% tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên hệ với người dân, hỗ trợ tương tác thương mại điện tử trực tuyến và ngoại tuyến, phát sóng trực tiếp tại khu công viên cà phê.

Hiện nay, thôn Tân Trại đã là điểm du lịch hấp dẫn kết hợp trải nghiệm văn hóa, du lịch cho du khách Trung Quốc.

Số hóa là động lực để phát triển ngành du lịch

Việc phủ sóng 5G, ứng dụng AI, IoT tại những ngôi làng, thị trấn kể trên mang lại hàng loạt lợi ích cực kỳ rõ ràng. Với khách tham quan, trải nghiệm du lịch của họ được nâng lên một tầm cao mới với các thông tin lịch sử được trực quan hóa bằng hình ảnh, giọng nói, không gian trải nghiệm 3D hay nghe đối thoại trực tiếp từ các nhà lịch sử học, chuyên gia.

Với chính quyền và đơn vị quản lý, số hóa giúp họ dễ dàng quản lý, vận hành và bảo tồn di tích đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế với các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn, bảo tàng vv…

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam cũng sở hữu rất nhiều những địa điểm du lịch mang giá trị văn hóa, lịch sử rất cao. Nếu có thể áp dụng mô hình “số hóa” tương tự thì đây sẽ là động lực để ngành du lịch tại các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai không xa.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên