Nhìn cậu em đốt 3 tỉ trong 6 tháng, cắm nhà đi khởi nghiệp, sáng lập JoomlArt - Hùng Đinh khuyên bạn trẻ nào cũng cần “Cooling Off” trước khi startup
Khi có một ý tưởng, sẽ cần một thời gian "Cooling-Off" từ vài tháng đến 1 năm để suy nghĩ, thăm dò và thực hành những biện pháp thử nghiệm cần thiết để đánh giá đầy đủ tính khả thi, tính thời điểm cũng như chính năng lực của bản thân. Hãy luôn nhớ, đừng quá phấn khích vì ý tưởng khởi nghiệp của mình. Và nó cũng chỉ chiếm khoảng 1% trong thành công mà thôi.
- 04-10-2017Cựu CEO FPT: Cứ chịu khó ‘la cà’ với khách hàng, lăn xả thị trường, 'chém gió' thật nhiều, bài toán startup khó mấy cũng giải được!
- 25-09-2017Startup gọi vốn tiền ảo 'khủng' nhất lịch sử khởi nghiệp của người Việt: Nhà đầu tư bỏ ra 1 đồng, chỉ sau một tuần thu về 5 đồng!
- 25-09-2017Cựu CEO The KAfe Đào Chi Anh: Startup đôi khi thất bại vì gọi được quá nhiều tiền!
- 21-09-2017Cả Flappy Bird hay VNG đều chưa phải là startup toàn cầu, vậy lý do nào khiến các startup Việt không thoát ra khỏi "ao làng"?
Sáng lập DesignBold, JoomlArt - CEO Hùng Đinh vừa có một chia sẻ trên trang cá nhân về "Cooling Off" - Thời gian "Giải nhiệt" cần thiết trước khi khởi nghiệp. Chúng tôi xin đăng lại nội dung này.
Lâu lắm không viết gì cả, nhưng mấy hôm nay lo quá, nên lại phải viết. Viết để gửi gắm cho những bạn trẻ đang bị cuốn theo cơn bão khởi nghiệp, tuổi trẻ ai chẳng bị phấn khích bởi thách thức, nhưng một khi bão đã đi qua, sức tàn phá của nó cũng ghê gớm lắm đó.
Chuyện là gần đây có cậu em rất thân thiết bỏ hết công việc để liều mình khởi nghiệp, đang thu nhập tầm 20 - 30 triệu đồng, nếu chịu khó mình tin rằng bạn này vẫn có thể kiếm được gấp đôi. Vậy mà đến gặp mình phán 1 câu xanh rờn: "Em dành dụm được khoảng 200 triệu, em muốn đầu tư làm gì đó".
Mình biết gia đình cậu cũng khó khăn, vợ thì đang phải ở nhà chăm 2 đứa nhỏ. Nếu đốt nốt 200 triệu đó và khoảng 1 năm không có thu nhập, thì 2 đứa nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Buổi gặp đầu tiên, chỉ cần sau 2 phút được nghe về ý tưởng, trong đầu mình biết nó là 1 thứ viển vông, nhưng nhìn vào thái độ và sự tâm huyết của bạn ấy. Mình không phản đối, vì biết rằng có chúa trời có hiện ra lúc này thì cũng không thay đổi ý được gì.
Vì là một người mình rất lo lắng, mình quyết tâm dành thời gian để "cool-him-off".
Trong suốt 10 ngày sau đó, mình dành thêm vài buổi nói chuyện, ý tưởng cũng biến dạng, thay đổi dần đi vào đúng quỹ đạo và kịch bản mình nghĩ từ buổi đầu tiên.
Như vậy là tầm 10 ngày, mình lại được pitch đến tận 2-3 cái ý tưởng. Cái nào cũng hăng say, nhưng sau 1 giờ bị chất vấn, câu hỏi cuối cùng cần phải trả lời là: Em đang cố gắng giải quyết bài toán gì, "tế bào gồc" giá trị gia tăng khi người dùng sản phẩm của em là gì thì lại không thể đưa ra 1 câu trả lời gãy gọn súc tích. Cho đến hôm nay, mình sẽ vẫn động viên và ủng hộ, không biết sau 1 tháng nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Lại một câu chuyên khác, chắc cũng chưa đến hồi kết, có một cậu em cùng quê rất giỏi về công nghệ, demo một sản phẩm cũng khá ấn tượng, có đầy đủ các nền tảng iOS, Android, Backend, Frontent. Mình đánh giá khá cao về sản phẩm, làm miệt mài hơn 1 năm, tuy nhiên 1 chi tiết khá choáng là đã tiêu vèo trong 6 tháng hết 3 tỉ. Hiện đã cắm cả nhà để vay tiền.
Điều mình khá bất ngờ là với một khoản tiền lớn như vậy, nhưng bạn chỉ chi cho việc phát triển sản phẩm mà không tiến hành các hoạt động thăm dò thị trường, vận hành thử những đơn hàng đầu tiên bằng người và 1 cái bảng excel đơn giản. Trong tuần đầu tiên đi bán hàng, được 50 đơn, tỉ lệ hủy đơn khá cao; chẳng phải vì App làm không tốt, mà đơn giản là vì Hà Nội mưa nhiều quá và các bạn không tính đến việc này lúc làm "App".
Thay vì mất 1 năm 3 tỉ để xây dựng đội ngũ và phát triển sản phẩm, 50 đơn hàng đó có thể chỉ cần mất 1 ngày để làm việc với một bà mẹ bỉm sửa, post 1 cái status, vẫn có thể có được 50 đơn, và chắc chắn tỉ lệ hủy đơn sẽ thấp hơn vì nó được xử lý bằng "cơm".
Có những sản phẩm và ý tưởng vô cùng hay, nhưng lại sai về mặt thời điểm và thị trường, thói quen người dùng chưa sẵn sàng. Mình đánh giá ý tưởng và sản phẩm bạn đó vô cùng tốt, nhưng timing chưa đến, đôi lúc muốn giải quyết một bài toán chính, chúng ta cần giải những bài toán phụ trước: Tiki làm thương mại điện tử, nhưng cách đây 5-6 năm, họ không hề định vị mình là thương mại điện tử, họ bắt đầu với câu chuyện về sách để xây dựng tập khách hàng, cộng đồng và thương hiệu để khi thời điểm đến, sẽ có đầy đủ điều kiện tham gia sân chơi TMĐT đầy nghiệt ngã như hiện nay.
Lời kết: Nghe hơi ảo nhưng sức tàn phá của cơn bão Startup ở Việt Nam gần đây cũng không thua kém gì vụ thảm sát ở LA tuần trước đâu nhé. Và có một điểm liên quan thú vị, đó là Thời gian "Giải nhiệt - Cooling Off".
Theo luật Mỹ, khi mua súng, người mua sau khi đặt mua phải trải qua một thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng trước được nhận súng, thời gian này gọi là "Cooling-Off" period; tạm dịch là thời gian "giải nhiệt".
Tại sao lại cần thời gian giải nhiệt? Ngoài việc đây là thời gian cần thiết để chính quyền xác minh lý lịch hình sự của người mua xem có đủ điều kiện để sở hữu súng hay không, nó cũng là thời gian "cooling off" cho những "ý tưởng" điên rồ và dại dột.
Thí dụ, khi bị người người yêu cắm sừng, xỏ mũi; thanh niên manh động sẽ vô cùng uất ức. Hận người tình, hận thằng tình địch, hận đời, hận chính cả bản thân mình, nên mai ông xuống Hải Phòng mua quả súng hoa cải tiễn cả đôi lên bàn thờ ngắm gà khỏa thân.
Tuy nhiên trong 1 tháng "cooling-off" đó, chàng trai của chúng ta lại bình tĩnh hơn: "Thực ra đã không yêu nhau rôì thì thôi; kệ chúng nó đi, mình làm thế thì bọn nó lại được cơ hội ở bên nhau trọn đời à?" Lúc nhận được súng hoa cải ở Hải Phòng, chàng trai lại cất vào tủ, phòng thân và bảo vệ người yêu mới, cư dân bớt được 15 phút cuộc đời vì không phải đọc mấy tin kiểu "Uất hận, 3 người thiệt mạng trong một cuộc tình tại Hà Nội đêm qua".
Làm startup cũng vậy, "Act Quickly" nhưng cần "Think Slowly". Khi có một ý tưởng, sẽ cần một thời gian "Cooling-Off" từ vài tháng đến 1 năm để suy nghĩ, thăm dò và thực hành những biện pháp thử nghiệm cần thiết để đánh giá đầy đủ tính khả thi, tính thời điểm cũng như chính năng lực của bản thân.
Hãy luôn nhớ, đừng quá phấn khích vì ý tưởng khởi nghiệp của mình. Và nó cũng chỉ chiếm khoảng 1% trong thành công mà thôi.
Trí thức trẻ