MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN chấp thuận về nguyên tắc phương án sáp nhập PGBank vào HDBank

10-09-2018 - 17:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Nguồn tin của chúng tôi cho biết, ngày 7/9 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM ( HDBank-HDB ).

Trước đó, cơ quan này đã nhận được đề nghị sáp nhập từ ngày 8/5 và văn bản của Tổng Giám đốc hai ngân hàng ngày 27/8. NHNN cũng yêu cầu PGBank và HDBank cần có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin và thực hiện các trách nhiệm của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập.

NHNN yêu cầu trong thời hạn 2 tháng từ ngày ký văn bản, HDBank cần gửi NHNN bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập.

HDBank là ngân hàng nổi lên một cách ấn tượng trong khoảng 5 năm trở lại đây, sau thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiABank) và mua lại 100% vốn công ty tài chính SGVF của Pháp vào năm 2013. Sau khi sáp nhập, HDBank đã lọt vào nhóm 10 ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất. Nếu so với năm 2012 thì nay HDBank đã có tổng tài sản tăng gấp hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu cũng tăng xấp xỉ 3 lần; Quy mô huy động vốn từ tổ chức và cá nhân tăng hơn 4 lần so với hồi năm 2012 trong khi dư nợ cho vay tăng 5 lần, lợi nhuận bình quân 5 năm qua cao gấp đôi giai đoạn trước đó.

Với các thương vụ sáp nhập bài bản, có chiến lược rõ ràng và phát triển đồng bộ, nhanh chóng, HDBank còn là điển hình thành công nhất trong lĩnh vực M&A của thị trường tài chính Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Thời gian qua có nhiều ngân hàng cũng đã tiến hành M&A nhưng còn chật vật sau sáp nhập, thậm chí có ngân hàng 6 năm vẫn chưa giải quyết xong các tồn đọng cũ.

Trong thương vụ sáp nhập với PGBank, HDBank đang thể hiện rõ chiến lược hướng đến ngân hàng bán lẻ hàng đầu, phát triển mạnh trong các các lĩnh vực từ tài chính tiêu dùng cho đến phục vụ nhóm các doanh nghiệp SME. Điều này xuất phát từ nền tảng cơ sở hệ sinh thái khách hàng khổng lồ và đa dạng. 

Đầu tiên là hãng hàng không Vietjet có thị phần nội địa đứng đầu hiện nay với kế hoạch vận chuyển 25 triệu hành khách trong năm 2018. Ban lãnh đạo HDBank cho biết, bên cạnh phí dịch vụ thu được từ liên kết thanh toán vé máy bay với Vietjet Air, HDBank còn có lợi ích từ dòng tiền thanh toán được chuyển vào hệ thống ngân hàng. Tiếp đến là nhóm khách hàng của Petrolimex, vốn đang có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý. Tính sơ bộ, với số lượng khách hàng Vietjet Air và Petrolimex mà HDBank có khả năng tiếp cận, khai thác lên tới 40 triệu khách hàng cá nhân.

Theo kế hoạch được cổ đông thông qua hồi đầu năm, HDBank sẽ nâng tổng tài sản lên trên 242 nghìn tỷ đồng; huy động vốn hơn 222 nghìn tỷ; dư nợ cho vay hơn 154 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận 3.921 tỷ trong năm nay. Tuy nhiên mới đây ngân hàng đã điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận lên trên 4.700 tỷ đồng cho năm 2018 khi thương vụ với PGBank được hoàn tất.



Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên