MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"NHNN không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21%"

25-10-2017 - 13:46 PM | Tài chính - ngân hàng

BVSC cho rằng NHNN không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, không chỉ trong quý IV/2017 mà còn cả trong năm 2018.

Theo công bố của NHNN, tín dụng cuối tháng 9 tăng 12,16% so với đầu năm, tăng tốc so với mức tăng 11,74% trong cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời tăng 18,69% so với cùng kỳ (9 tháng đầu năm ngoái tăng 16,89%). Kết quả này thấp hơn so với ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) vào tuần trước là tăng 12,9%.

Số liệu của NHNN thấp hơn một chút so với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhưng không đáng kể. Qúy III luôn là thời điểm tín dụng tăng trưởng chậm lại và bứt phá trong quý IV, hay chính xác hơn là trong tháng 12. Và giả định rằng quý IV đóng góp 40% tăng trưởng tín dụng cả năm theo xu hướng tương tự trong vài năm gần đây, khi đó tăng trưởng tín dụng cả năm có thể dao động ở mức 20%-21% và hoàn toàn ở mục tiêu đề ra. Và nếu một phần đủ lớn tín dụng được cấp cho ngành sản xuất, tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP và nhờ vậy tăng trưởng GDP cả năm cũng sẽ sát mục tiêu chính thức.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã điều chỉnh là 21%, thì cần khoảng 486 nghìn tỷ đồng cho vay mới bổ sung vào tổng dư nợ hiện tại, là 6.175 nghìn tỷ đồng trong quý cuối năm. So sánh với 3 tháng cuối năm 2016 và 2015 tín dụng lần lượt tăng thêm 303 nghìn tỷ đồng và 244 nghìn tỷ đồng.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% do tăng trưởng huy động chậm hơn tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, quan điểm của HSC là mục tiêu này vẫn có thể hoàn thành.

Theo cơ quan này, tăng trưởng tín dụng hàng năm phần lớn rơi vào quý IV. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 21%, cần có thêm ít nhất 486 nghìn tỷ đồng cho vay mới, tương đương 42% tổng dư nợ cả năm. Đây là con số khá áp lực nhưng không phải là quá lớn.

Ngoài ra, thanh khoản trên hệ thống dồi dào lãi suất cho vay liên ngân hàng đã giảm dần kể từ quý II, từ 1,5% xuống 1% hiện tại đối với cho vay qua đêm, hoặc từ 1,9% xuống 1% đối với cho vay kỳ hạn 1 tuần.

Một chỉ số quan trọng, là hệ số LDR của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức khá an toàn, là 87,2% theo ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Như vậy, trong hiện tại tăng trưởng huy động có thể sẽ vẫn chậm hơn tăng trưởng cho vay.

Tín dụng ở những ngành chủ chốt tăng khoảng 17-18% so với đầu năm. Cụ thể, cho vay ngành nông nghiệp tăng 17,6% so với đầu năm; Cho vay ngành công nghiệp tăng 17,75% so với đầu năm. Cho vay ngành xây dựng tăng 19% so với đầu năm; Cho vay ngành thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với đầu năm.

Và theo số liệu công bố gần đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phần lớn tín dụng là cho ngành dịch vụ (37,4%), sau đó là ngành công nghiệp và xây dựng (31,2%). Trong 3 tháng cuối năm, NHNN chắc chắn sẽ kỳ vọng một phần tăng trưởng tín dụng sẽ được phân bổ cho ngành sản xuất, là ngành có tác động thúc đẩy tăng trưởng GDP lớn nhất.

Trong khi đó, BVSC cho rằng NHNN không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, không chỉ trong quý IV/2017 mà còn cả trong năm 2018. Thay vì dồn hết gánh nặng cho chính sách tiền tệ, nếu vẫn muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Về mặt bằng lãi suất, theo BVSC, khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên diện rộng trong quý IV như mong muốn của người đứng đầu Chính phủ. Lý do quý IV là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.

"NHNN nhiều khả năng duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trong quý IV. Áp lực thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong quý IV/2017, tuy nhiên chúng tôi cho rằng nhà điều hành cần có sự thận trọng nhất định đối với lượng vốn mới bơm ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại", BVSC nhận định.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên