MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng

15-06-2021 - 19:26 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá và xử lý đơn đề nghị nới "room" tín dụng của các nhà băng.

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu.  

Theo ông Hà, dựa trên kiến nghị của các nhà băng, NHNN sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.

Trước đó, một số ngân hàng có tình trạng hết “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Với các nhà băng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành như Vietcombank và Techcombank, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường.

Đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể cả năm trước.

Vừa qua, trong báo cáo về ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dựa trên thời điểm công bố nâng mức trần tín dụng vào năm ngoái, kỳ vọng hạn mức tăng trưởng sẽ được cấp mới trong quý sau. Điều này có thể khiến các ngân hàng thương mại tư nhân phải gặp khó khăn trong hoạt động cho vay cho tới thời điểm đó. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này nhận định, đã có một vài giải pháp được các ngân hàng sử dụng.

NHNN xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ của quý I và ước tính quý II dựa trên hạn mức được giao của một số ngân hàng tư nhân (Đơn vị: %)


Các ngân hàng có thể hạn chế giải ngân các khoản vay dài hạn và tập trung vào các khoản vay ngắn hạn để đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ. Tình trạng khan hiếm dư địa cho vay cũng có thể dẫn đến sự tăng trưởng tích cực của các sản phẩm bán chéo, đặc biệt là bancassurance, vốn sẽ cải thiện khả năng tiếp cận khoản vay của những người mua bảo hiểm hoặc giúp thúc đẩy thủ tục giải ngân. Nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay cao hơn, điều này đã diễn ra ở một số ngân hàng tư nhân và thậm chí cả ngân hàng quốc doanh, tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân.

VDSC dự báo các ngân hàng tư nhân sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng trong quý II, do đã chạm mức trần tín dụng từ lâu trước khi kết thúc quý. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dư nợ tín dụng của các ngân hàng này sẽ được duy trì ở mức trần được giao.

Vụ trưởng Tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh từng cho biết NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng (TCTD), để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB từng chia sẻ định hướng của NHNN cho phép NHTM tăng tín dụng khoảng 12% trong năm nay nhưng cũng khá linh động, phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Chỉ tiêu năm nay có thể về mức 10% hay lên 14% tùy theo từng giai đoạn. NHNN có sự thận trọng nhất định, nên giao chỉ tiêu 7-12% ở lần đầu tiên.

Theo ông Vỹ, với VIB, các năm trước NHNN cũng giao chỉ tiêu lần đầu thấp, tuy nhiên sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch  mà có sự thay đổi. Năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được khi NHNN điều chỉnh.

Trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm.

NHNN xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng - Ảnh 2.

Một số ý kiến về việc bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng xuất hiện. Moody's, từng nhận định hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi. IMF cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. 

Trong khi đó, chuyên gia tài chính cũng kiến nghị NHNN quản lý tín dụng theo hệ số an toàn vốn (CAR) gồm cả chuyện huy động vốn và cho vay để toàn diện hơn. NHNN cũng đã có lộ trình để áp dụng những chính sách đó.

Thận trọng với nợ xấu

Theo thông tin từ Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Con số này cao hơn 1% so với mức tăng trưởng được NHNN công bố tính đến 16/4 là 3,34%. 5 tháng đầu năm 2020, tín dụng chỉ tăng 2%.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng được đảm bảo.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 5/4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng. Với việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, số dư nợ được cơ cấu lại sẽ nhiều hơn. Dù cơ cấu nợ cho phép ngân hàng và doanh nghiệp không bị “sốc” vì nợ xấu tăng đột ngột, song nhiều khoản nợ được cơ cấu đang là nợ xấu tiềm ẩn.

Chuyên gia Cấn Văn Lực từng nhận định đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu theo Thông tư 03 (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng nên các ngân hàng sẽ không còn mức lãi khủng mà tối đa chỉ có thể lãi 15%.

Với những diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này nhìn nhận tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 11-13% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nợ xấu.

Theo Lê Hải

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên