MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhòm” chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng để đoán dòng tiền vào TTCK

Theo VDSC, dòng vốn đầu tư chứng khoán ngắn hạn trong thời gian tới có lẽ sẽ không còn dồi dào như giai đoạn vừa qua.

Trong Báo cáo chiến lược tháng 8/2016 mới công bố của CTCK Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia cho rằng trong tháng này, có 2 yếu tố sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến diễn biến thị trường là (1) sự biến động thanh khoản và (2) kỳ vọng về KQKD sáu tháng cuối năm của các doanh nghiệp.

VDSC đánh giá, yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đến cán cân cung-cầu trên thị trường trong ngắn hạn vẫn là dòng tiền.

Tăng trưởng cung tiền vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng

Số liệu công bố mới nhất của NHNN cho thấy chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng tiếp tục mở rộng trong tháng qua. Cụ thể, tính đến ngày 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,84% so với tháng 12/2015, huy động vốn tăng 10,17% trong khi tín dụng chỉ tăng 8,02%. Đồng thời, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống tương đối ổn định với mặt bằng lãi suất qua đêm tiếp tục ở mức thấp, xoay quanh mức 1%.

Theo VDSC, diễn biến trong tháng qua của thị trường tiền tệ cho thấy chênh lệch dương giữa tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng chưa thay đổi nhiều, kênh đầu tư trái phiếu chững lại trong khi NHNN vẫn tiếp tục tích lũy USD cho dự trữ ngoại hối (~900 triệu USD). Từ đó có thể suy luận rằng vẫn còn hiện tượng thanh khoản thừa trong hệ thống.

Tuy nhiên, VDSC cho biết, điểm khác biệt là doanh số giao dịch bình quân tăng trở lại, khoảng 15% so với tháng trước. Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực tham gia điều tiết cung-cầu trên thị trường tiền tệ thông qua phát hành tín phiếu. Kênh điều tiết này được kích hoạt trở lại vào cuối tháng 5/2016 và tổng lượng tiền được hút ròng đạt khoảng 46.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 07/2016.

Ngoài ra, trong tháng vừa qua, hoạt động huy động vốn của KBNN có vẻ chững lại, một phần vì áp lực huy động vốn cho ngân sách nửa cuối năm không lớn nhưng đồng thời tỷ lệ trúng thầu giảm cho thấy các ngân hàng kém “mặn mà” với kênh đầu tư trái phiếu hơn trước.

Do sự điều tiết của NHNN qua kênh tín phiếu, VDSC cho rằng dòng vốn đầu tư chứng khoán ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng và không còn tích cực như giai đoạn trước. Trong thời gian còn lại của năm, NHNN sẽ tiếp tục duy trì việc sử dụng công cụ tín phiếu để đảm bảo thanh khoản ở mức hợp lý.

Dòng tiền cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới có lẽ sẽ không còn dồi dào như giai đoạn vừa qua

Theo VDSC, tình trạng thừa thanh khoản có thể sẽ không kéo dài. Một mặt, cao điểm cho vay SXKD thường rơi vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý 4, buộc các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn từ lúc này. Mặt khác, sự sụt giảm về số giao dịch BĐS trong quý 2 có ảnh hưởng tâm lý từ việc Dự thảo Thông tư 06.

Thực tế, Thông tư 06 được ban hành với ít hạn chế hơn so với dự thảo có thể sẽ giúp số lượng giao dịch căn hộ tăng trở lại qua đó cải thiện hoạt động cho vay BĐS trong quý 3 và quý 4. Đó là chưa kể việc lạm phát có độ trễ nhất định đối với chính sách tiền tệ sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong vấn đề cung tiền vào hệ thống.

Nói tóm lại, dòng tiền cho TTCK trong thời gian tới có lẽ sẽ không còn dồi dào như giai đoạn vừa qua.

"Với khả năng sụt giảm về thanh khoản trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ có sự chọn lọc và chỉ những doanh nghiệp cho thấy xu hướng tăng trưởng rõ ràng về doanh thu và lợi nhuận mới được dòng tiền dài hạn tích lũy." - Báo cáo viết.

Theo đó, nhờ sự bùng nổ của các dự án hạ tầng và BĐS, nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng và VLXD tiếp tục nổi lên như một điểm sáng về tăng trưởng lợi nhuận. Nhóm Vận tải – logistics, Bảo hiểm và Chứng khoán cũng cho thấy diễn biến tích cực cả về giá và KQKD trong quý 2.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên