Nhóm cổ phiếu trên thị trường chiết khấu sâu, Tôn Đông Á vừa điều chỉnh giá IPO về mức 40.000 đồng/cp
Dù vậy, sau Tết Âm lịch, thị trường đã chứng kiến sự tăng mạnh trở lại của giá thép và mức định giá hấp dẫn so với thị trường.
- 10-02-2022Gia tăng tích trữ tồn kho, các doanh nghiệp thép sẽ hưởng lợi khi giá bắt đầu phục hồi mạnh?
- 19-01-2022Cổ phiếu thép đồng loạt phá đáy 6 tháng, một ông lớn ngành tôn vẫn tiến hành IPO với mức giá 58.000 đồng/cp
CTCP Tôn Đông Á vừa công bố mức giá khởi điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mới với 40.000 đồng/cp, tương ứng huy động hơn 494,7 tỷ đồng. Số tiền thu về Công ty chủ yếu chi dùng phục vụ bổ sung vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư nhà máy 3 để nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một gia tăng.
Theo kế hoạch trước đó, giá chào bán tối thiểu vào mức 58.000 đồng/cp. Phía Tôn Đông Á cho biết, sau nhiều cân nhắc trên góc độ thị trường đã có nhiều biến động, Công ty quyết định hạ giá IPO nhằm hài hoà với mặt bằng chung, cũng như đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư có đăng ký mua cổ phần.
Được biết, đợt IPO này nằm trong lộ trình chào bàn cổ phiếu ra bên ngoài, Công ty sẽ thực hiện đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE ngay sau khi kết thúc đợt IPO. Nếu chào bán thành công, số cổ phiếu lưu hành của Tôn Đông Á sẽ nâng lên 114,69 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn hóa gần 4.588 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thép đang về vùng hấp dẫn và được đánh giá tốt trong năm 2022
Ghi nhận, trước Tết Âm lịch, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận 2 cú sốc từ việc nhiều nhà đầu tư bỏ cọc đợt đấu giá đất Thủ Thiêm và một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bán ra cổ phiếu trước khi công bố, điều này kích hoạt động thái bán ra mạnh của nhà đầu tư và hạ mức định giá của thị trường.
Cụ thể, nếu như ngày 6/1/2022, định giá chỉ số VN-Index giao dịch vùng P/E là 17,94 lần thì tới ngày 28/1/2022 là 16,59 lần, tức giảm hơn 7,5% so với đỉnh trước đó. Trong đó, đặc biệt nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, chứng khoán, xây dựng … đều đồng loạt điều chỉnh.
Riêng nhóm cổ phiếu thép đã có dấu hiệu điều chỉnh trước thị trường từ giai đoạn cuối tháng 10/2021 đến đầu tháng 2/2022 và chỉ mới bật tăng trở lại sau Tết Âm lịch. Theo dữ liệu của SSI Research, định giá ngày 18/10/2021 của nhóm 13 cổ phiếu thép đang niêm yết trên HoSE với P/E trung bình là 10,18 lần, tới ngày 24/1/2022 là 7,86 lần, tức thấp hơn 22,8% so với hơn 3 tháng trước. Thống kê giá cổ phiếu của 3 công ty thép lớn có HPG giảm 25%, HSG giảm 30%, NKG giảm 35%.
Dù vậy, sau Tết Âm lịch, thị trường đã chứng kiến sự tăng mạnh trở lại của giá thép và mức định giá hấp dẫn so với thị trường. Nhiều quan điểm bày tỏ sự lạc quan rằng dòng tiền đã quay trở lại mua mạnh nhóm cổ phiếu thép với kỳ vọng nhóm này tiếp tục hưởng lợi khi giá thép tăng cao, cũng như là ngành hưởng lợi khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án sau một giai đoạn tạm ngưng do dịch.
Dữ liệu của FiinTrade cũng cho thấy, tính tới ngày 15/2/2022, chỉ số P/E của NKG là 3,88 lần, của HSG là 4,05 lần. Ước tính, trong năm 2022, P/E forward ngành thép khoảng 6,37x. Ngoài ra, với mức định giá P/E của chỉ số VN-Index là 17 lần, nhóm cổ phiếu thép đang giao dịch thấp hơn nhiều so với thị trường.
TDA dự chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 30%
So với nhóm doanh nghiệp trên sàn, Tôn Đông Á theo giới thiệu là hãng thép lá mạ lớn thứ 3 tại Việt Nam với sản phẩm chính là các dòng tôn mạ dùng trong xây dựng dân dụng và công nghiệp, thiết bị gia dụng.
Kết thúc năm 2021, Tôn Đông Á ước tính doanh thu đạt 20.241 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 74% và 340% so với thực hiện trong năm 2020. Với mức lợi nhuận đạt 1.200 tỷ đồng, ước tính EPS pha loãng của Công ty đạt mức 10.796 đồng.
Với kết quả trên, Tôn Đông Á dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30%. Trong đó, dự kiến 20% bằng tiền sẽ thực hiện trong quý 3/2022 và 10% sẽ thực hiện trong quý 4/2022 (sau khi được Uỷ ban Chứng khoán phê duyệt).
Hiện tại, Công ty có 2 nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, với công suất hàng năm lên đến 850.000 tấn, các nhà máy đều chạy gần như tối đa công suất. Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch sản lượng 820.000 tấn, mục tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm loại 1 trên 99%. Song song, Tôn Đông Á cũng lên kế hoạch đầu tư thêm nhà máy thứ 3 với công suất ước tính cho giai đoạn 1 là 350.000 tấn, khi đưa vào vận hành sẽ nâng công suất của công ty đạt 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2023.