Nhựa chứa 144 hợp chất làm rối loạn hormone và chúng sẽ gây hại cho nhiều thế hệ
Rối loạn hormone đồng nghĩa với tỷ lệ vô sinh tăng lên, nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và cả ung thư.
- 29-12-2020Khi bạn khóc, nước mắt sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn, giảm căng thẳng và giải phóng độc tố: Đừng "dại" kìm nén thứ cảm xúc "rất đỗi con người" ấy
- 29-12-2020Người mắc bệnh này có nguy cơ đột quỵ rất cao: Nếu không biết hoặc chủ quan, có thể nguy hiểm tính mạng
- 29-12-2020Bác sĩ chuyên khoa ung bướu "điểm danh" những người dễ mắc ung thư gan: Ai có đặc điểm này cần cẩn thận
Một phần tỷ gram của một hormone sau khi tiết vào dòng máu có thể điều khiển được mọi hành vi của chúng ta, từ quy mô của một tế bào cho tới toàn bộ cơ thể. Hormone tham gia vào mọi quá trình bao gồm tiêu hoá, trao đổi chất, giúp chúng ta tăng trưởng chiều cao, kích thích ham muốn tình dục và sinh sản.
Thế nhưng, một báo cáo mới của Hiệp hội Nội tiết Thế giới và Mạng lưới Loại bỏ Chất gây ô nhiễm Quốc tế (IPEN) cho biết con người đang bị phơi nhiễm với ít nhất 144 hợp chất hóa học có thể can thiệp, chiếm quyền hoặc thao túng vào hệ thống hormone của chúng ta: Thông qua việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Đó thực sự là một bức tranh thảm khốc cho nhiều thế hệ!
144 hợp chất EDC có trong nhựa và các sản phẩm từ nhựa
Báo cáo được thực hiện bởi các nhà khoa học Thụy Điển và Hoa Kỳ. Trong đó, họ nói lên mối đe dọa chính của nhựa đến từ một nhóm hóa chất bắt chước các hormone hoặc có thể gây trở ngại cho vai trò của chúng trong cơ thể. Các hóa chất này được gọi chung là "chất gây rối loạn nội tiết" (EDC) và các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 144 chất EDC trong các sản phẩm nhựa hàng ngày.
Có thể kể đến các hóa chất điển hình thuộc nhóm can thiệp được vào hệ nội tiết như các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), phthalates, bisphenol A (BPA), các kim loại độc hại như chì và cadmium. Một số được cố ý thêm vào nhựa để cải thiện độ bền của chúng, trong khi một số khác là sản phẩm phụ thoát ra ngoài môi trường sau khi các sản phẩm nhựa được thải vào bãi rác hoặc đại dương rồi phân hủy thành các hạt vi nhựa.
Phân tích hàng trăm nghiên cứu về các hợp chất EDC trong cơ thể người, các nhà khoa học cho biết nồng độ phơi nhiễm cao hơn với chúng có thể dẫn đến tỷ lệ vô sinh cao hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và thậm chí một số bệnh ung thư trong dân số.
Một số hóa chất thuộc nhóm EDC chẳng hạn như chì không hề có liều an toàn, nghĩa là ngay khi chúng có mặt, chúng sẽ gây hại. Mối đe dọa càng gia tăng ở những người trẻ tuổi, bởi họ có nguy cơ phơi nhiễm dài hơn với hóa chất EDC trong cả cuộc đời.
Thậm chí việc thai nhi tiếp xúc với các hóa chất này có liên quan đến tỷ lệ tự kỷ cao hơn, tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý và nhẹ cân khi sinh trong số một loạt các vấn đề khác.
Đáng chú ý là một nghiên cứu được đăng tải ngày hôm qua trên tạp chí Environment International đã tìm thấy sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong nhau thai của 4/6 bà mẹ sinh trong phòng siêu sạch không sử dụng bất kỳ thiết bị nhựa nào.
Những hậu quả sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ
Nhựa là một phát minh của con người vào thế kỷ 19, ban đầu chỉ để làm ra những quả bóng bi-a, mà trước đó người ta phải cắt và mài nhẵn ngà voi mới tạo thành được. John Wesley Hyatt, một nhà in trẻ không được đào tạo về hóa học đã có công tìm ra celluloid sau 6 năm thử nghiệm các dung môi khác nhau cho vật liệu. Celluloid được coi là loại nhựa tổng hợp công nghiệp đầu tiên và nó bắt đầu thay đổi thế giới.
Với tính chất dễ đúc, không thấm nước và có thể tồn tại ở dạng cứng hay mềm tùy ý, nhựa nhanh chóng được sử dụng để làm ra mọi đồ vật phục vụ đời sống con người. Đến giữa thế kỷ 20, khi cả thế giới bước vào guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, nhựa đạt tới sự bùng nổ trong thị trường tiêu thụ. Cho đến hiện tại, khoảng 380 triệu tấn nhựa mỗi năm đang được sản xuất để phục vụ đời sống con người.
Thế nhưng, như chúng ta biết, nhựa là một vật liệu rất bền, thì nó cũng rất khó phân huỷ. Ước tính cho thấy khoảng 60% toàn bộ vật liệu nhựa mà con người từng sản xuất ra từ ngày nó được phát minh vẫn còn hiện diện trên hành tinh. Chúng được tích lũy trong từng nhà, từng thùng rác, bãi chôn lấp và cả đại dương.
Đồng tác giả nghiên cứu Pauliina Damdimopoulou đến từ Viện Karolinska, Thụy Điển, cho biết: "Phơi nhiễm hóa chất gây rối loạn nội tiết không chỉ là một vấn đề toàn cầu ngày nay mà còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các thế hệ tương lai. Khi một phụ nữ mang thai bị phơi nhiễm, EDC có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con cô ấy và những đứa cháu sau này. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy EDC có thể gây ra các biến đổi DNA để lại hậu quả qua nhiều thế hệ".
Jodi Flaws, tác giả chính nghiên cứu nhận định những tác hại do EDC gây ra có thể tương đương với khói thuốc lá. Tuy nhiên, vì một thực tế rằng nhựa có mặt ở khắp mọi nơi nên việc phơi nhiễm với các chất độc từ nó như EDC sẽ khó hơn việc tránh các chất ô nhiễm như khói thuốc.
Sự phổ biến khắp nơi của EDC có nghĩa là các quốc gia và công ty sản xuất nhựa sẽ cần một nỗ lực toàn cầu nếu muốn thay đổi mọi thứ. Cho đến nay, nỗ lực đó vẫn còn rất hạn chế. Chẳng hạn, một số hãng sản xuất đã cố gắng tìm ra một chất thay thế an toàn hơn BPA, nhưng hóa ra vẫn có tính độc hại tương tự. Các loại nhựa phân hủy sinh học thường cũng vẫn chứa các chất phụ gia giống như nhựa thường.
Chúng ta phải làm gì để bảo vệ bản thân mình và các thế hệ tương lai?
Trong khi sản lượng nhựa nhìn chung vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ tiếp xúc của chúng ta và các thế hệ tương lai với EDC không thể tự nó giảm xuống. Mặc dù thừa nhận rằng nhựa vẫn là một vật liệu cần thiết trong xã hội loài người và trong tương lai gần, đặc biệt là đối với những thứ như thiết bị y tế, các tác giả báo cáo cho biết tình hình cần phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ nếu chúng ta muốn giảm nguy cơ sức khỏe gây ra bởi các hợp chất EDC.
Chẳng hạn, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch - nguồn sản xuất ra hầu hết nhựa trên hành tinh - sẽ giúp chúng ta bắt đầu cắt giảm được các hợp chất EDC. Báo cáo khuyến nghị các chính phủ nên có quy định chặt chẽ hơn với các hợp chất độc hại này, bao gồm cả lệnh cấm sử dụng hoàn toàn với một số chất và khuyến khích các nhà sản xuất nhựa tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn.
Ví dụ, trong một động thái được các tác giả ca ngợi, vào tháng 5, Thụy Sĩ đã trở thành quốc gia đầu tiên đề xuất bổ sung chất ổn định tia cực tím (một loại EDC không được chú ý nhiều như các loại khác) vào danh sách các hóa chất nguy hiểm được duy trì bởi Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Công ước Stockholm là một hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc nên họ đang cố gắng bắt buộc các quốc gia thành viên thực hiện theo.
Dưới mức độ từng cá nhân, chúng ta có thể giảm phơi nhiễm EDC bằng cách giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc túi nilon. Các tác giả cho biết ngay cả các hành động nhỏ như vậy cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe của bản thân, sức khỏe môi trường và của cả thế hệ tương lai.
Tham khảo Gizmodo
Pháp luật và Bạn đọc