Những án phạt tỷ đô dành cho các ngân hàng “lầm đường lạc lối”
Tổng cộng các định chế tài chính đã phải nộp cho giới chức Mỹ số tiền phạt hơn 150 tỷ USD.
- 21-07-2017Chứng khoán Mỹ bị “ghẻ lạnh” chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính
- 15-09-2016Lehman Brothers - Những khoảnh khắc kinh hoàng ngày 15/9 của 8 năm về trước
- 18-04-2013JPMorgan cũng từng mất đứt hơn 6 tỷ USD vì lỗi Excel
Tròn 10 năm trước, thị trường nhà đất Mỹ đổ sụp và gây ra cơn địa chấn không chỉ ở Mỹ mà còn lan ra khắp thế giới. Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng ấy là những sản phẩm tài chính lỗi mà tiêu biểu là các khoản nợ dưới chuẩn các ngân hàng đã tạo ra. Và cho tới nay, cái giá họ phải trả cho những sai lầm trong quá khứ là không hề nhỏ: tổng cộng các định chế tài chính đã phải nộp cho giới chức Mỹ số tiền phạt hơn 150 tỷ USD.
Sự kiện ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ ngày 15/9/2008 được nhiều người lấy làm mốc để nhớ về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới nhất. Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện từ trước đó rất lâu: ngày 9/8/2007, ngân hàng BNP Paribas của Pháp cấm các nhà đầu tư tiếp cận các quỹ có dính dáng đến những khoản nợ dưới chuẩn bởi cho rằng những tài sản này “đã hoàn toàn mất thanh khoản”. Đó chính là khi khủng hoảng tài chính bắt đầu.
Kể từ đó đến nay, các định chế tài chính đã hồi phục. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này đã định hình lại toàn bộ kinh tế thế giới cũng như thị trường tài chính quốc tế, thậm chí đến tận ngày nay chúng ta vẫn cảm nhận được những hiệu ứng về chính trị và xã hội. Và quá trình xử lý các ngân hàng mắc lỗi vẫn còn dang dở.
Tính từ đầu năm đến nay, giới chức Mỹ (trong đó có Bộ Tư pháp) đã phạt 3 ngân hàng châu Âu tổng cộng 19 tỷ USD. Tháng trước Royal Bank of Scotland (của Anh) phải nộp phạt 5,5 tỷ USD.
Chỉ riêng Bank of America đã “đóng góp” hơn 1/3 tổng số tiền phạt. Tổng cộng ngân hàng này phải bỏ ra 56 tỷ USD giàn xếp với giới chức cấp bang và liên bang cùng với Bộ Tư pháp vì những sai trái trong hoạt động bán các khoản nợ dưới chuẩn. Bank of America cũng phải nộp phạt vì những hoạt động của 2 công ty nó đã thâu tóm là Countrywide và Merrill Lynch.
JPMorgan Chase – ngân hàng đã mua lại Bear Stearns và Washington Mutual – đứng thứ hai với tổng cộng 27 tỷ USD tiền phạt và bồi thường.
Không chỉ dừng lại ở đó, con số 150 tỷ USD chắc chắn sẽ tăng lên, bởi các đơn kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng vẫn đang đổ về và giới chức vẫn tiếp tục điều tra.
Theo số liệu của Boston Consulting, nếu như tính đến cả những khoản phạt từ những tội danh khác mà các ngân hàng phạm phải như rửa tiền hay vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 2007 đến cuối 2016, giới chức Mỹ đã thu được số tiền lên tới hơn 321 tỷ USD.
Hành trình khủng hoảng
Tháng 7/2006: Giá nhà đất ở Mỹ lập đỉnh
7/2/2007: HSBC thông báo khoản lỗ 10,5 tỷ USD liên quan đến hoạt động kinh doanh nợ dưới chuẩn Mỹ
2/4/2007: Hãng cho vay dưới chuẩn New Century nộp đơn xin phá sản
Tháng 6/2007: Hai quỹ đầu cơ của Bear Stearns mất thanh khoản
9/8/2007: BNP Paribas cấm nhà đầu tư tiếp cận với 1 vài quỹ đầu tư có dính dáng đến nợ dưới chuẩn Mỹ. NHTW châu Âu bơm 94,8 tỷ euro để thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Adam Applegarth, người khi đó là CEO của Northern Rock, gọi đây là "ngày thế giới thay đổi"