Những chuyến đi “CO2” giá rẻ của người Việt nhập cư trái phép vào châu Âu: Ngột ngạt trên đường và “vỡ mộng" nơi đất khách
"CO2" là những chuyến đi giá rẻ để đi nhập cư đến châu Âu. Đó là một hành trình ngột ngạt và đầy rẫy nguy hiểm.
- 28-10-2019Bên trong Phố Việt Nam - trại dừng chân ở Pháp của người Việt chờ nhập cư trái phép vào Anh: Nơi sống tồi tàn, dù được cảnh báo nhưng chấp nhận dấn thân để đổi đời
- 28-10-2019Ký ức kinh hoàng của nạn nhân duy nhất sống sót trong thảm họa nhập cư Anh Quốc: Nô lệ thời hiện đại, 2 năm trời sống trong địa ngục
- 31-08-2019Câu chuyện người Hoa nhập cư trở thành đại gia Singapore: Thâu tóm dự án của Sheraton để mở ra đế chế khách sạn riêng, tuyên bố chưa bao giờ thua lỗ
“CO2” là thuật ngữ được bọn buôn người Việt Nam dùng để chỉ tuyến đường nhập cư trái phép giá rẻ sang các nước phương Tây. Đó là những chuyến đi ngột ngạt, thiếu ôxy kéo dài hơn 6.000 cây số từ châu Á sang Tây Âu. Ngược lại với “CO2” là tuyến đường “VIP" cho phép khách hàng dừng chân tạm nghỉ trong khách sạn dọc đường đi và có thể ngồi trong cabin cạnh tài xế xe tải.
Với dịch vụ “CO2”, người di cư phải chờ hàng tháng trời trong những trại nhập cư ở miền bắc nước Pháp trước khi được đưa vào trốn đằng sau xe tải, lên đường vào Anh. Trong thời gian đó, họ sẽ phải chịu đựng không ít khổ cực và tủi nhục. Theo lời kể của luật sư, các tổ chức viện trợ và chính các nạn nhân băng đảng buôn người khét tiếng Trung Quốc “Đầu rắn" thường đánh đập đàn ông, tấn công tình dục phụ nữ.
Sử dụng gói dịch vụ giá rẻ đồng nghĩa với việc mọi người phải chấp nhận cuộn mình trong chăn giữ nhiệt, chịu đựng mức nhiệt độ lạnh thấu xương trong container được miêu tả là thùng đông đi động trong nhiều giờ đồng hồ để giảm thiểu khả năng bị cảnh sát phát giác. Theo NY Times, 39 người được cho là có quốc tịch Việt Nam được tìm thấy trong container vào ngày 23/10 vừa qua đã sử dụng gói “CO2” để rồi nhận về cái kết bi thảm trước khi được đặt chân đến đích.
Tuy nhiên, những chuyến đi “CO2” thành công không có nghĩa là người nhập cư bất hợp pháp sẽ có được cuộc sống tự do với mức lương cao như mong muốn. Thậm chí, những vất vả trên chuyến hành trình ấy còn không thể so sánh với những gì họ nhận được nơi đất khách. Đó là móng vuốt của băng đảng buôn người, những người chủ chèn ép ở tiệm nail hoặc buộc phải đi vào con đường trồng cần ở Anh.
Dù vậy nhưng có vẻ như cuộc sống ở Anh vẫn rất hấp dẫn. Bằng chứng là theo NY Times, mỗi năm có đến 18 nghìn người Việt chấp nhận trả cho bọn buôn người số tiền 8.000 đến 40.000 bảng (240 đến 1,2 tỷ đồng) để được nhập cư vào châu Âu.
Sau khi nổ ra phong trào Brexit (rời khỏi Liên minh châu Âu), Anh trở nên thiếu hụt nguồn nhân công từ Đông Âu và điều này càng thôi thúc dân nhập cư tìm đường đến xứ sở sương mù để làm công việc giá rẻ như mức thu nhập cũng gấp 5 lần số tiền họ được nhận ở quê hương.
Hầu hết bọn buôn người Việt Nam đều đưa khách hàng đến Pháp hoặc Hà Lan rồi giao lại cho các băng đảng người Kurd và Albania, rồi kết thúc nhiệm vụ của mình. Đối với vụ 39 thi thể trong container thì băng đảng buôn người đến từ Ireland hoặc Bắc Ireland.
Hầu hết dân nhập cư bất hợp pháp rời quê hương đi đến Anh cùng rất nhiều kỳ vọng cho cuộc sống tại đây. Nhưng sau khi đến đây thì không ít đã phải “vỡ mộng" vì phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh mà không thể nhờ cậy đến sự trợ giúp của chính sách nhập cư nghiêm ngặt, sống dưới cái bóng của băng đảng buôn người và buộc phải dựa vào chúng để kiếm sống.
“Tôi luôn khuyên họ nên ở nhà. Dù nghèo nhưng bạn còn được sống như ý mình. Ở đây, bạn có tiền nhưng có thể mất mạng bất cứ lúc nào” - Linh muc Simon Thang Duc Nguyen tại một nhà thờ Công giáo phía đông London, nơi có nhiều giáo dân di cư.
Linh muc Simon Thang Duc Nguyen không khuyến khích người Việt bất chấp tất cả để mạo hiểm lên đường nhập cư trái phép vào châu Âu.
Theo ước tính, có khoảng 20 đến 35 nghìn người Việt sống ở Anh phải trải qua những chuyện kinh hoàng vì không có giấy tờ hợp pháp. Dù vậy, các chuyên gia cho biết có rất nhiều người vẫn liều mạng để đến đây chỉ vì muốn có được công việc lương cao.
“Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng không phải tất cả những người nhập cư đều bị bóc lột và buôn bán. Mọi người thường mạo hiểm tính mạng đến đây để làm việc bất hợp pháp và kiếm số tiền lớn khi làm việc trong những nhà máy trồng cần” - Tamsin Barber, giảng viên tại Đại học Oxford Brookes, cho biết.
Số lượng người Việt nhập cư trái phép vào Anh ngày càng tăng, số lượng vào năm ngoái cao gấp 5 lần năm 2012.
Sau khi nộp đủ số tiền yêu cầu, khách hàng sẽ được sắp xếp sang Trung Quốc để nhận giấy tờ tùy thân giả. Trên đường từ xứ sở tỷ dân sang Nga rồi Tây Âu, mọi người có thể đối mặt với tuyến đường nguy hiểm nhất là đi bộ xuyên rừng Belarus đến đường biên giới Hà Lan. Trong khảo sát của Pháp về người Việt di cư vào năm 2017, 1 người đàn ông giấu tên đã cho biết anh cùng 5 người khác đã nhiều lần bị bắt tại Belarus và được tha bổng ở biên giới Nga trước khi họ lên đường thử vận may lần nữa. Sau khi băng rừng thành công, họ sẽ được lên xe tải để tiếp tục hành trình.
“Chúng tôi bị lạnh và không được ăn gì trong suốt 2 ngày. Chúng tôi chỉ được uống nước tan từ băng" - người này cho biết.
Những chuyến đi bất hợp pháp này thường bị gián đoạn khi dân di cư bị bắt hoặc hết tiền. Không ít trường hợp phải kiếm việc làm ngay trên đường đi như nhà máy may mặc ở Nga, nhà hàng dọc châu Âu hoặc theo các nhà nghiên cứu là phụ nữ bán dâm, để có thêm chi phí tiếp tục hành trình.
Băng đảng buôn người đều giữ dân di cư trong bóng tối, tức không cung cấp bất cứ thông tin gì để chúng có thể hoàn toàn kiểm soát họ. Đơn cử như trường hợp vào năm 2017, 16 người Việt Nam bị cơ quan chức năng Ukraine bắt giữ ở Odessa và họ cứ tưởng mình đang ở Pháp.
Những trường hợp chống đối lại bọn buôn người sẽ không nhận được kết cục tốt đẹp.
“Họ bắt buộc phải tuân theo những gì được bảo nếu không muốn bị cảnh sát phát hiện. Nếu không cư xử đúng mực, họ có thể nhận sự trừng phạt là các trận đòn roi hoặc phụ nữ thì bị xâm hại" - Cha Simon chia sẻ.
Khi đến Anh, trái ngược với những lời hứa hẹn làm việc trong nhà hàng hay công trường xây dựng, dân nhập cư bị buộc phải trở thành “người làm vườn” trong các nhà máy cần sa. Không chỉ có vậy, họ còn bị nhốt trong căn phòng chật hẹp, nhiều lúc có đến 15 người cùng ở và đối mặt với các hóa chất độc hại đe dọa sức khỏe hoặc nguy cơ hỏa hoạn.
Một tiệm nail do người Việt sở hữu ở Tottenham, London, vào năm 2017.
Tại các tiệm nail nơi nhiều người Việt tìm đến xin việc làm, họ phải chấp nhận bị chủ kiểm soát không chỉ mức lương mà còn là mọi khía cạnh cuộc sống. Một vài nghiên cứu cho thấy, chủ tiệm nail có thể trở thành những người bố, người mẹ đối với dân nhập cư bất hợp pháp khi họ cung cấp chỗ ăn và ở.
Khi đột kích vào nơi làm việc của dân nhập cư bất hợp pháp, cảnh sát không quan tâm những người trước mặt là nạn nhân của băng đảng buôn người mà chỉ dựa vào họ không có giấy tờ đã đủ để bị bắt và trục xuất về nước. Các băng đảng lợi dụng điều này để đưa ra lời đe dọa, bắt người di cư phải nghe theo chúng.
Nhiều ngày qua, Cha Simon đã nhận được cuộc gọi từ gia đình Việt Nam có con đi nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu nhưng giờ đã mất liên lạc. Họ liên tục hỏi liệu con cái của họ có nằm trong số 39 thi thể được tìm thấy trong container hay không. Dù bản thân cũng không cầm lòng được trước thảm kịch này nhưng Cha Simon vẫn không thể nói lời trấn an.
“Không được gì cũng không sao, miễn là họ bị bắt hoặc bị bỏ tù. Không sao vì họ còn sống. Nhưng giờ đây, họ đã đánh mất cả 2 thứ, đó là hy vọng và tính mạng của mình. Không còn gì cả" - Cha Simon nói.
(Nguồn: NY Times)
Helino