MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu sụt giảm kinh hoàng cướp đi nghìn tỷ của nhà đầu tư

Bên cạnh yếu tố kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố rủi ro thị trường, nhiều cổ phiếu có những biến động thất thường và thị trường chứng khoán đang xuất hiện những cổ phiếu diễn biến hết sức "lạ".

Từ mức giá 21.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BII của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư tính đến hết phiên hôm qua chỉ cón 3.600 đồng. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng giao dịch và với 18 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu BII đã cướp đi 1.222 tỷ đồng vốn hóa hay nói cách khác, nhà đầu tư đã mất 1.222 tỷ đồng vì cơn sụt giảm kinh hoàng của BII.

Trước tình trạng “lao dốc không phanh”, ban lãnh đạo BII đã đưa ra giải trình về việc cổ phiếu liên tiếp giảm sàn.

Theo BII, trong thời gian qua, nhà đầu tư trên thị trường đã sử dụng tỷ lệ margin cao để đầu tư vào BII. Khi thị trường có những thông tin không tích cực về nhóm ngành Khoáng sản, các CTCK cho nhà đầu tư sử dụng margin đầu tư BII ngừng cung cấp margin hoặc đưa margin về tỷ lệ thấp đột ngột.


Cổ phiếu BII đã cướp đi hơn 1.200 tỷ đồng của nhà đầu tư trong chưa đầy 1 tháng

Cổ phiếu BII đã "cướp" đi hơn 1.200 tỷ đồng của nhà đầu tư trong chưa đầy 1 tháng

Nhiều nhà đầu tư chưa thể hạ thấp margin trong ngắn hạn vì thế các CTCK đã đặt lệnh bán BII, do đó làm cổ phiếu liên tiếp giảm sàn trong giai đoạn vừa qua.

BII là trường hợp giảm sàn kinh hoàng nhất thời gian gần đây nhưng BII không là cổ phiếu duy nhất mà nhà đầu tư quay cuồng trong cơn giảm điểm khủng hoảng, lệnh đặt bán mệt mỏi chất đống nhưng ít người mua mà còn nhiều cổ phiếu khác nữa.

Kim Vĩ (KVC) là cái tên thứ 2 được nhắc đến khi nói về chuỗi giảm sàn không phanh. KVC vốn là một cổ phiếu thanh khoản khá ổn trên thị trường với mức giao dịch khá đều đặn vài trăm nghìn cổ phiếu một phiên giao dịch. Thế nhưng, 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu KVC đã lao dốc không phanh và liên tục giảm sàn. Lệnh kê bán sàn mười mấy triệu cổ phiếu mỗi phiên nhưng khối lượng mua chỉ nhỏ giọt vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

KVC chưa có giải trình gì về chuỗi giảm sàn không phanh này và doanh nghiệp kinh doanh ngành Inox này cũng không có thông tin gì công bố ngoại trừ hôm qua có thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2016 với doanh thu đạt 171 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 10,6 tỷ, tăng mạnh so với con số 1,15 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Lãi 9 tháng đầu năm 2016 cũng tăng trưởng 33% so với 9 tháng năm 2015. EPS ở mức 579 đồng/cổ phiếu.

Giảm sàn 10 phiên liên tiếp, KVC cũng đã nhanh chóng cướp đi 620 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Lên sàn giao dịch UpCOM được nửa tháng, L63 của Lilama 69-3 cũng đã kịp ghi danh vào những cổ phiếu “cướp” tiền của nhà đầu tư nhanh chóng. Từ khoảng giá 10.000 đồng/cổ phiếu, L63 nay chỉ còn 4.100 đồng/cổ phiếu tức đã mất đi hơn một nửa giá kể trong thời gian ngắn ngủi lên sàn giao dịch.

NHP của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP cũng khiến nhà đầu tư sốc không kém khi mà chuỗi giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu này đã lên đến con số 7. 7 phiên giảm sàn liên tiếp, NHP cũng kịp “cướp” đi 200 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Vấn đề ở chỗ, nhà đầu tư không hiểu đâu là lý do khi mà chuỗi giảm sàn của NHP trong thời gian công ty chốt quyền trả cổ tức bằng tiền. Và, ủy viên HĐQT đã mua thêm cổ phiếu.

Sau phiên bất ngờ có giao dịch gần 6 triệu cổ phiếu với giá bứt phá khỏi ngưỡng lình xình bấy lâu nay, cổ phiếu HKB của Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc đã tăng trần được mấy phiên liên tiếp. Chưa kịp cho nhà đầu tư có lãi T+3 thì cổ phiếu này đã “tặng” một chuỗi dài giảm giá kéo giá cổ phiếu HKB từ 11.800 đồng còn 6.400 đồng/cổ phiếu phiên hôm qua.

Ai “nhanh tay” mua cổ phiếu HKB khi cổ phiếu này phát đi tín hiệu tăng mạnh cả khối lượng lẫn giá ngày 5/10 đã phải trả giá đắt. Cổ phiếu HKB đã “cướp” đi gần 280 tỷ đồng của nhà đầu tư chỉ trong thời gian rất ngắn.


Biến động giá cổ phiếu HKB thời gian gần đây

Biến động giá cổ phiếu HKB thời gian gần đây

Bên cạnh yếu tố kinh doanh của doanh nghiệp, yếu tố rủi ro thị trường, nhiều cổ phiếu có những biến động thất thường và biến động của những cổ phiếu nêu trên cũng hết sức "lạ". Thông thường đằng sau đó là những bẫy lớn mà nhà đầu tư hay gặp phải là bẫy margin, bẫy “phân tích kỹ thuật”…mà nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ càng doanh nghiệp trước khi rót vốn đầu tư sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.

Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên