Những cổ phiếu "tăng bằng lần" trong tháng 5: Quán quân thuộc về cổ phiếu tăng gấp 9 lần trong tháng
Câu khẩu hiệu "sell in may" có thể không còn đúng trong năm 2021 này khi có rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh, chỉ số VnIndex xác lập kỷ lục mới.
Khẩu hiệu "sell in may" có vẻ không còn đúng với tháng 5 năm nay. Chỉ số VnIndex vượt ngưỡng 1.300 điểm khá dễ dàng, và xác lập kỷ lục mới. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua.
Một cổ phiếu ngành vaccine tăng gấp 9 lần trong tháng 5
Cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đã bất ngờ giảm sàn phiên giao dịch cuối tuần qua – ngày 28/5/2021. Đây là phiên giảm sàn đột ngột sau chuỗi dài tăng trần trước đó.
Tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay có tổng cộng 18 phiên giao dịch thì BIO có 2 phiên giảm sàn, một phiên tăng điểm gần đạt mức trần và 15 phiên tăng trần. Giá cổ phiếu BIO đã tăng từ mức 17.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng, lên cao nhất 161.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng hơn gấp 9 lần trước khi giảm sàn phiên vừa qua về mức 130.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá này vẫn còn cao hơn gấp 7 lần so với thời điểm đầu tháng 5.
CTCP Vắc xin va Sinh phẩm Nha Trang viết tăng là Biopharco – được hình thành từ một đơn vị chuyên về nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất vaccine, huyết thanh và các chế phẩm sinh học dùng cho người.
Trước khi tăng đột biến vào giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, BIO duy trì giao dịch dưới mệnh giá một thời gian dài, ở mức 9.500 đồng/cổ phiếu. BIO bắt đầu tăng trần ở phiên giao dịch ngày 22/4/2021 với tỷ lệ tăng kịch trần 40% do một thời gian dài hơn 6 tháng không có giao dịch khớp lệnh.
Một cổ phiếu vừa tăng trần 11 phiên liên tiếp
Cổ phiếu SVG của CTCP Kỹ nghệ que hàn đã có chuối 11 phiên tăng trần liên tiếp từ 14/5 đến 28/5/2021, đưa giá cổ phiếu từ 4.900 đồng/cổ phiếu lên 20.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng hơn gấp 4 lần trong vòng nửa tháng. Trước đó một thời gian dài cổ phiếu SVG chỉ giao dịch lên xuống biên độ nhỏ quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc. Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ 98% vốn điều lệ, chỉ 2% thuộc sở hữu của các cổ đông khác. Do vậy việc giá cổ phiếu SVG tăng mạnh cũng khá bất ngờ.
Nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu que hàn này tăng mạnh không rõ ràng. Từ kết quả kinh doanh, quý 1 vừa qua công ty không có đột biến với doanh thu giảm nhẹ còn 60 tỷ đồng và lãi sau thuế đi ngang, đạt hơn 411 triệu đồng.
Những cổ phiếu "tăng bằng lần" từ đầu tháng 5
Từ đầu tháng 5 đến nay còn có rất nhiều cổ phiếu "tăng bằng lần". Điển hình có thể kể đến như AGM của Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Cổ phiếu ngành lương thực, vật tư nông nghiệp này cũng có chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp từ 5/5 đến 19/5/2021 gây bất ngờ cho nhà đầu tư. Từ đầu tháng 5 đến nay AGM đã tăng từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 32.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ tăng hơn gấp đôi.
Kết quả kinh doanh của Angimex không có đột biến, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ. Năm 2020, Angimex đạt 1.961 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,5% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế giảm gần 39% xuống – khoảng 25 tỷ đồng. Quý I/2021 vừa qua, Angimex đạt 371 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 100 tỷ đồng - tương ứng giảm 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế sụt giảm 14% xuống còn 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên thông tin về việc Chủ tịch HĐQT của Louis Agro mua vào lượng lớn cổ phiếu AGM, nắm cổ phần chi phối tác động lớn đến giá cổ phiếu này. Đây là số cổ phiếu nhận trao tay từ Nguyễn Kim. Về Louis Agro – tiền thân là Tập đoàn Louis Rice, một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam. Và nhiều sản phẩm gạo Louis đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng từ các quốc gia ở Châu Âu, Mỹ, Singapore, Hồng Kong, Dubai và Châu Phi...
Một trong những cổ phiếu có nhiều điểm nhấn tháng 5 vừa qua còn có THS của Thanh Hoa Sông Đà. Cổ phiếu này bắt đầu tăng đột biến từ giữa tháng 4/2020, ở vùng giá ổn định 6.200 đồng/cổ phiếu lên 15.200 đồng/cổ phiếu bằng các phiên tăng trần xen kẽ.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, THS có chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp, từ 4/5 đến 20/5/2021, đưa giá cổ phiếu từ 15.200 đồng/cổ phiếu lên 51.500 đồng/cổ phiếu tương ứng gấp 3,4 lần. Tuy nhiên sau đó là 4 phiên giảm sàn, đưa cổ phiếu THS về 30.900 đồng/cổ phiếu, vẫn gấp đôi thời điểm đầu năm. Nếu tính cả chuỗi tăng trần trong tháng 4, cổ phiếu THS đã có 20 phiên tăng trần liên tiếp xuyên từ tháng 4 đến tháng 5 vừa qua. Có thể sức nóng của cổ phiếu ngành thép đã đẩy giá cổ phiếu THS lên như thời gian vừa qua.
Cổ phiếu ngành cao su DRG của CTCP Cao su Đắk Lắk tăng gấp 2,5 lần từ đầu tháng 5, từ mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu lên 20.300 đồng/cổ phiếu. Mà đỉnh điểm là 4 phiên tăng trần gần đây nhất.
Trên thực tế, trước khi có 4 phiên tăng trần lên 20.300 đồng/cổ phiếu như hiện nay, DRG đã có 4 phiên giảm sàn trong tổng số 5 phiên giao dịch liên trước đó, trước đó cổ phiếu DRL đã từng lên cao nhất ở mức 23.900 đồng/cổ phiếu – tương ứng gấp 3 lần thời điểm đầu thăng 5/2021.
Kết quả kinh doanh là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu DRG tăng mạnh. Quý 1/2021 vừa qua công ty đạt 276 tỷ đồng doanh thu, tăng 80% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái lỗ gần 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu DTL của Đại Thiên Lộc không những tăng mạnh, mà thanh khoản thị trường cũng rất lớn. Cổ phiếu này đã tăng gấp 2,2 lần từ đầu tháng 5, từ vùng giá 14.900 đồng/cổ phiếu lên 33.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, đưa vốn hóa doanh nghiệp đạt mức 2.000 tỷ đồng.
Đại Thiên Lộc cũng là một doanh nghiệp ngành thép. Cổ phiếu DTL tăng mạnh nhờ sức nóng của ngành thép từ đầu năm 2021. Kết quả kinh doanh, quý 1 vừa qua công ty báo lãi hơn 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 95 tỷ đồng.
Cổ phiếu TBD của Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh đã quay trở lại, đạt mức giá 3 chữ số giai đoạn cuối tháng 5 vừa qua. Tính từ đầu tháng 5 TBD giao dịch quanh mức 69.000 đồng/cổ phiếu. TBD bắt đầu có giao dịch đột biến từ 19/5 đánh dấu bằng 2 phiên tăng trần liên tiếp. Sau đó lãi các phiên tăng điểm. TBD đạt mức giá 3 chưa số (109.000 đồng/cổ phiếu) đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5/2021.
Hiện TBD tăng lên mức giá 139.600 đồng/cổ phiếu, gấp đôi thời điểm đầu tháng 5. Tuy vậy đây chưa phải là vùng đỉnh. Trước đó ngày 31/3/2021 cổ phiếu TBD đã từng tăng mạnh lên mức 158.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu IME của CTCP Cơ khí và xây lắp công nghiệp bất ngờ có những giao dịch khớp lệnh 100 cổ phiếu ở mức giá trần, đưa giá cổ phiếu này từ mức 13.500 đồng/cổ phiếu lên 35.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng gấp 2,6 lần.
Loạt cổ phiếu tăng mạnh trong tháng 5
Tháng 5 vừa qua, cũng có rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh. HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 30%; cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng gần 16%; nhóm ngành ngân hàng, các cổ phiếu TCB, VPB, ACB, MBB, MSB, CTG... đều tăng mạnh.
Nhóm ngành chứng khoán cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt tăng 20% từ đầu tháng 5, lên mức 74.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản thị trường rất lớn với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Hiện Chứng khoán Bản Việt đã thông qua việc phát hành 166,5 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn phát hành lấy từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và LNST chưa phân phối của công ty.
Cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI cũng tăng 28% kể từ đầu tháng 5, lên vùng đỉnh 41.800 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản thị trường rất lớn với hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Vốn hóa thị trường hiện đạt xấp xỉ 27.000 tỷ đồng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị