Những điều ít biết về ‘pháo đài’ công nghệ khổng lồ Huawei và nhà sáng lập bí ẩn Nhậm Chính Phi
Không nhiều thông tin về Nhậm Chính Phi, người biến một start-up bé nhỏ, không tài sản trí tuệ thành “pháo đài” công nghệ- viễn thông hàng đầu thế giới- Huawei.
Huawei đang ở trung tâm cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó đã cho thấy mức độ quan trọng và “nguy hiểm” của Huawei, như tập đoàn này thừa nhận, “các chính trị gia ở Mỹ đang dùng sức mạnh của cả quốc gia để đánh một công ty tư nhân”.
Năm 1987, Nhậm Chính Phi ở tuổi 40, với sự hỗ trợ của 5 người bạn – mà những cái tên vẫn còn nhiều bí ẩn, thành lập một start-up nhỏ bé. Ngày nay, Huawei là một tập đoàn bán thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất, với 188.000 nhân viên tại 170 quốc gia.
Khuôn viên của Huawei, trị giá 1,5 tỷ USD. (Ảnh: The Times).
“Sự thần kỳ” này là lý do khiến Washington cho rằng lịch sử của Huawei là một sự giả tạo - rằng Huawei thực sự là một sáng tạo của chính phủ Trung Quốc và thành công của nó dựa trên mối quan hệ chặt chẽ của Nhậm Chính Phi với các đơn vị tình báo trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Ban lãnh đạo Huawei phủ nhận giả định này.
Mặc dù nguồn gốc của Huawei và sự độc lập của công ty này đang gây tranh cãi nhưng những thành tựu và tham vọng của họ thì khó ai có thể phủ nhận.
Câu chuyện nhà sáng lập “gã khổng lồ” hay “pháo đài” công nghệ
Ông Nhậm Chính Phi, trải qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Ông thuộc về lớp doanh nhân Trung Quốc thế hệ đầu tiên, thường được tôn vinh vì khả năng chịu đựng khó khăn.
Trong Huawei, ông Nhậm được coi là một nhà lãnh đạo tinh thần hơn là một giám đốc điều hành thực tế. Những quan điểm, phương châm, triết lý của ông thường được đăng trên website nội bộ công ty để nhân viên đọc, học và thực hành. Ông nghiêng về hình ảnh quân sự và đã ví những rắc rối của công ty với Washington là một cuộc chiến.
"Mọi người sẽ đứng lên và vỗ tay bất cứ khi nào ông ta vào phòng", một người Anh làm việc cho công ty ở Thâm Quyến nói với điều kiện giấu tên vì đã ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin. "Họ sẽ nghe từng lời. Ông ta được mọi người tôn kính. Mặc dù không phải là một CEO tích cực. Vì là chủ tịch, các quyết định của ông luôn là quyết định cuối cùng", người này cho biết thêm.
Ông Nhậm có khuynh hướng khắc kỷ khi đánh giá các thách thức của Huawei. "Không ai có thể trở nên dày dạn mà không có sẹo", ông nói. Ông tự hào về việc vượt qua nghèo đói, nghịch cảnh và những gì ông nói là lợi thế không công bằng mà các công ty thuộc sở hữu của chính phủ có trên thị trường.
Ông Nhậm Chính Phi được coi là một nhà lãnh đạo tinh thần hơn là một giám đốc điều hành thực tế của Huawei. (Ảnh: The Times).
Ông Nhậm sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, một tỉnh phía Tây nghèo khó của Trung Quốc, là con lớn nhất trong gia đình bảy người con. Họ thường xuyên phải đói và lớn lên chỉ với vài bộ quần áo. Ông tốt nghiệp bằng kỹ sư dân dụng trong Cách mạng Văn hóa, khi có rất ít người có việc làm, và tự học điện tử qua sách vở.
Nhậm Chính Phi làm việc trong ngành xây dựng dân sự trước khi nhập ngũ năm 1974, gia nhập Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng Quân đội với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương. Nhậm Chính Phi từng đảm nhận nhiều chức vụ tại nhà máy này như kỹ sư, kỹ thuật viên, phó giám đốc, nhưng không có quân hàm bởi hệ thống quân hàm trong quân đội Trung Quốc bị xóa bỏ trong một thời gian dài sau Cách mạng Văn hóa.
Năm 1983, Trung Quốc giải thể binh chủng có hơn 300.000 lính này, Nhậm Chính Phi rời quân ngũ.
"Khi chúng tôi xuất ngũ và cố gắng tham gia vào cuộc sống dân sự, nó giống như chúng tôi bị xã hội bỏ rơi", ông Nhậm tâm sự.
Không còn nhiều lựa chọn, ông thử sức với việc kinh doanh khi Trung Quốc đang phát triển một phòng nghiên cứu cải cách thị trường tại một thị trấn đang phát triển - Thâm Quyến.
Nỗ lực kinh doanh đầu tiên của Nhậm Chính Phi, một doanh nghiệp nhà nước nhỏ với 20 nhân viên, nhưng thất bại. Sau đó, ông đã thành công trong việc huy động vốn với 5 nhà đầu tư khác ở Thâm Quyến để ra mắt Huawei, một start-up nhỏ bắt đầu bằng việc bán thiết bị chuyển mạch điện thoại được mua từ Hong Kong.
Để gây ấn tượng với các ứng cử viên, công ty non trẻ tuyên bố sẽ chiếm hai tầng trên cùng của một tòa nhà chung cư – vị trí đắc địa trong đặc khu kinh tế lúc bấy giờ. Những người đến thăm sau hiểu ra Nhậm Chính Phi tính mái nhà là tầng thứ hai.
“Chúng tôi còn không có ý tưởng nền kinh tế thị trường là gì. Tôi thậm chí còn không biết đến siêu thị là gì", ông Nhậm nói nói.
Cách Huawei phát triển để trở thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới vẫn là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt. Ông và các quan chức công ty nói rằng đó là một cú hích do lãnh đạo tốt và làm việc không mệt mỏi.
Trong khi đó, các quan chức ở Mỹ nói rằng Nhậm Chính Phi là một sĩ quan tình báo cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân và các mối quan hệ của ông đóng vai trò quan trọng trong việc Huawei được sự hỗ trợ của chính phủ, để giúp Trung Quốc vượt qua sự phụ thuộc vào thiết bị viễn thông nước ngoài. Họ bác bỏ hệ thống sở hữu cổ phiếu nhân viên của công ty, và khẳng định nó được phát triển để che giấu mối quan hệ với nhà nước.
Huawei cho biết họ hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước giống như bất kỳ công ty Trung Quốc nào khác hoặc công ty Mỹ khác sẽ nhận được Chính phủ của họ. “Không một cơ quan chính phủ Trung Quốc hoặc pháp nhân từ Trung Quốc hoặc nước ngoài nào nắm giữ cổ phần của Huawei,” Quốc Bình, một trong ba đồng chủ tịch luân phiên của công ty, nói với tờ The Times.
Cuộc sống cá nhân bí ẩn
Công ty bí mật đến nỗi trong nhiều năm không có bức ảnh nào của Nhậm Chính Phi, theo Richard McGregor, nhà phân tích tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, người đầu tiên đến thăm trung tâm R & D của Huawei 15 năm trước.
Bất chấp cuộc chiến của Huawei với chính phủ Mỹ, Nhậm Chính Phi nói rằng ông là một người hâm mộ cuồng nhiệt nước Mỹ từ khi còn trẻ. Ông nói thêm rằng ông đã học được rất nhiều bằng cách quan sát công việc của quân đội Mỹ trong 20 hoặc 30 năm qua.
Xét đến tầm quan trọng của Nhậm Chính Phi với Huawei, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc sống cá nhân lạ thường của ông - được giữ kín từ lâu - cũng trở thành một chủ đề được quan tâm sâu sắc.
Người vợ đầu tiên của Nhậm Chính Phi là Mạnh Quân, con gái của Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, họ có một con gái, chính là bà Mạnh Vãn Châu và con trai Nhậm Bình. Truyền thông phương Tây hàm ý rằng mối liên hệ này đã giúp Nhậm Chính Phi ra mắt Huawei. Tuy nhiên công ty nói rằng cuộc hôn nhân không có liên quan đến sự hình thành của Huawei và họ đã ly dị trước khi ông ta thành lập công ty.
Mạnh Vãn Châu, con gái Nhậm Chính Phi, Giám đốc tài chính của Huawei
Sau khi thành lập Huawei, Nhậm kết hôn với Diêu Lăng, họ có một cô con gái, Annabel Diêu, một sinh viên khoa học máy tính Harvard và nữ diễn viên ba lê.
Còn hiện tại, theo một bài báo trên Paris Match, ông Nhậm đang sống cùng người vợ thứ 3 cựu trợ lý tên Su Wei cùng con trong "cung điện" tại Thâm Quyến.
Những người quan sát Nhậm Chính Phi tại nơi làm việc mô tả ông là một người đàn ông cô độc, chỉ tập trung vào công ty và bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi thường trực rằng ngày nào đó ông có thể mất nó. Khi được hỏi liệu ông có thấy sự tương đồng giữa sự nghiệp của mình và của Andy Grove, người đồng sáng lập huyền thoại của Intel, Nhậm Chính Phi trả lời rằng ông cũng là một người "rối loạn nhân cách" (paranoiac).
Ông thừa nhận nỗi ám ảnh về công việc đã phải đánh đổi mối quan hệ với những đứa con. Ông nói mối quan hệ của ông với Mạnh Vãn Châu trong suốt thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của cô không quá sâu sắc, và ông cũng không thân với hai người con khác của mình.
Dù vậy điều đó không làm cho ông ít tự hào về họ. Nhậm Chính Phi khoe rằng con gái của ông Mạnh Vãn Châu là người tham việc, cô đã làm việc cho đến hai ngày trước ngày sinh và trở lại làm việc hai tuần sau khi sinh, theo Shanghai Observer.
Kế hoạch người kế nhiệm
Năm 2010, ông nói với một nhà báo Trung Quốc rằng ông sẽ không chọn con trai của mình là Mạnh Bình làm người kế nhiệm chức vụ CEO vì con ông không phù hợp với vai trò này. Trong một lá thư gửi nhân viên vào năm 2013, Nhậm Chính Phi cho biết cả con trai và con gái của ông đều không có tư cách, tham vọng, tầm nhìn hay sự nhạy bén để điều hành công ty và họ sẽ không chạy đua để kế nhiệm ông, Reuters đưa tin.
Nhậm Chính Phi, người có quyền phủ quyết tại Huawei, nói với The Times rằng công ty cuối cùng sẽ được bàn giao cho một hội đồng quản trị khi ông nghỉ hưu.
"Quyền phủ quyết sẽ được thực hiện chung bởi một nhóm ưu tú gồm 7 thành viên được bầu. Có thể không ai trong số họ là thành viên gia đình tôi" - ông nói.
Nhậm Chính Phi cho biết ông không vội từ bỏ quyền phủ quyết của mình - với những điều không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu và những cơn gió như Brexit như hiện nay.
5 nhà đầu tư bí ẩn
Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về Huawei, một phần vì sự bí mật kể từ khi thành lập vào năm 1987, và một phần vì những hạn chế trước đó đối với việc bán sản phẩm ở xứ cờ hoa.
Cuộc gặp gỡ với tạp chí The Times mới đây là một phần của chiến dịch truyền thông rộng lớn hơn nhằm nhân tính hóa Huawei và làm sáng tỏ hơn những nghi ngờ về nguồn gốc và quyền sở hữu hiện tại của công ty.
Một phóng viên của The Times được nhìn thấy quyển sổ đăng ký in 10 tập chứa gần 100.000 tên, số nhận dạng, bộ phận làm việc và tổng số cổ phần sở hữu của các nhân viên. Đây là bằng chứng, Huawei nói, rằng nhân viên của họ, chứ không phải nhà nước, là những cổ đông- chủ sở hữu của công ty.
Huawei cũng tiết lộ với The Times tên và nghề nghiệp của 5 nhà đầu tư đã giúp Nhậm Chính Phi tăng vốn khởi nghiệp 5.000 USD vào năm 1987. Mỗi nhà đầu tư góp số tiền bằng nhau với tư cách cá nhân và rút tiền từ năm 1991 đến 2000.
Nếu họ giữ cổ phần của mình, mỗi người sẽ tự hào có cổ phần tương đương với Nhậm Chính Phi, người sở hữu 1,14% cổ phần của công ty với giá 1,17 USD mỗi cổ phần, tương đương lượng cổ phần trị giá hơn 220 triệu USD, công ty cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực minh bạch hơn, phần lớn lịch sử của công ty vẫn còn mơ hồ và độ tin cậy của nó đã gây tranh cãi, bao gồm cả những cáo buộc liên quan đến gián điệp công nghiệp.
Bởi, điều quan trọng, The Times không thể tìm thấy bất kỳ ai trong số 5 nhà đầu tư ban đầu mà Huawei nêu tên. Họ bao gồm Mai Trung Hưng (Mei Zhongxing), quản lý tại Công ty Điện tử Thâm Quyến Tam Giang; Trương Hướng Dương (Zhang Xiangyang), thành viên của Cục Quy hoạch Phát triển Thâm Quyến; Ngô Huy Khánh (Wu Huiqing), một kế toán tại Công ty hóa dầu Thâm Quyến; Thần Đinh (Shen Dingzing), một quản lý tại Công ty Sản xuất Thiết bị Truyền thông Chu Hải; và Trần Kim Dương (Chen Jinyang), một người quản lý trong bộ phận thương mại của Công ty Dịch vụ Du lịch Trung Quốc tại Thâm Quyến.
Huawei cho biết họ cũng không thể kết nối The Times với 5 nhà đầu tư, giải thích rằng một số người đã từ bỏ cổ phần của họ một cách hung hăng, yêu cầu tòa án phải hòa giải.
Tham vọng khẳng định mình
Ông Tập Cận Bình, hồi tháng 5 năm ngoái, từng nói rằng, Trung Quốc cần phải vượt qua sự xấu hổ của mình để học hỏi từ phương Tây và học được những cải tiến thông qua việc đổi mới sản xuất. Trung Quốc đã nhiều lần bị các quốc gia dân số mỏng, tài sản và tài nguyên ít hơn qua mặt mà một trong những nguyên nhân sâu xa là sự tụt hậu về công nghệ.
Ước muốn tự chủ và vượt qua phần còn lại của thế giới công nghiệp hóa đã thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013 của Chủ tịch Tập Cận Bình với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại hơn 150 quốc gia. Và hai năm sau, "Made in China 2025", một kế hoạch đầy tham vọng ra đời nhằm nâng cấp sản xuất, tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp, bao gồm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghệ sinh học.
Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Ảnh: EPA).
Huawei không giấu giếm tham vọng của mình. Một tòa nhà dành riêng cho du khách nước ngoài giải trí với hai phòng lớn. Người ta có thể liên tưởng đến Cung điện Versailles, và đằng sau nó có một bản sao của một làng nông nghiệp truyền thống của Trung Quốc, với những cánh đồng bậc thang.
Khuôn viên mới trị giá 1,5 tỷ USD của Huawei được khai trương gần đây, giống như một công viên Disney ở Đông Quan, phía bắc Thâm Quyến, bao gồm 12 thị trấn châu Âu được lấy cảm hứng từ lâu đài Heidelberg ở Đức và các tòa nhà lợp ngói đỏ ở Verona, Ý. Khuôn viên rộng 2.200 mẫu được kết nối bằng một xe điện màu đỏ được nhân bản từ Thụy Sĩ và tất cả các xe ô tô của nhân viên đều được đỗ trong các gara dưới mặt đất.
Huawei đi đầu trong việc phát triển thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây - 5G, với lời hứa về bước nhảy vọt lượng tử trong kết nối. Huawei đang duy trì và mở rộng vị trí dẫn đầu trong khi cũng tiến lên trên các mặt trận khác, có thể là nơi đầu tiên sản xuất các hệ thống quân sự nhạy cảm thế hệ mới, lưới điện thông minh, phương tiện vận tải tự hành và các sản phẩm, quy trình quan trọng khác.
Doanh thu qua các năm của Huawei (biểu đồ phía trên) và thị phần các nhà sản xuất chip viễn thông toàn cầu
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong 10 năm qua nhằm hạn chế Huawei, doanh thu hàng năm của hãng đã tăng gần 20% trong năm 2018 lên 105 tỷ USD. Ông chủ Huawei dự đoán doanh số có thể tăng gấp 3 trong 5 năm tới nếu Huawei vượt qua sự can thiệp của Mỹ. Vài năm sau đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc - do Huawei và các công ty công nghệ khác dẫn đầu - có khả năng vượt qua Mỹ.
Một tư bản khốc liệt, nhân viên như lính đánh thuê
Các cuộc phỏng vấn với nhân viên hiện tại và người từng làm việc cho Huawei vẽ ra một bức tranh về một công ty tư bản khốc liệt không muốn liên quan đến chính phủ.
Một nhân viên làm việc tại công ty trụ sở chính ở Thâm Quyến cho biết Huawei giống như một đứa trẻ được nhận nuôi, vượt trội so với những đứa trẻ sinh ra yếu đuối như những công ty nhà nước. Những người khác cho biết Huawei đã từ chối yêu cầu từ nhà nước để nhận các dự án ở nước ngoài.
Tiền là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nhân viên. Một số nhân viên đã sửng sốt với tiền thưởng cao gây sốc khi hoàn thành các dự án.
Một người Thái Lan làm việc cho Huawei tại Bangkok từ năm 2015 đến 2017 cho biết, tiền thưởng thường vượt quá mức lương cơ bản hàng năm.
Một cựu nhân viên khác, đến từ châu Âu làm việc tại trụ sở Thâm Quyến trong một năm, cho biết mức lương cao và tiền thưởng bất ngờ là điều thường thấy ở Huawei. Ông đã so sánh việc thuê người nước ngoài làm việc tại Huawei với lính đánh thuê.
"Chúng tôi chỉ ở đó vì có tiền", ông này nói.
Nhân viên đáp ứng mục tiêu hiệu suất được tùy chọn mua cổ phiếu công ty. Một cựu công nhân từng làm việc ở Ai Cập cho biết người mua phải ký miễn trừ thừa nhận rằng giá trị cổ phiếu của họ có thể tăng và giảm.
Tuy nhiên, mỗi năm, mọi người đều kiếm được tiền, Joseph Tian, một nhân viên công nghệ thông tin tại Huawei trong 10 năm, đã rời đi vào năm 2017 nói.
Một quan chức của công ty cho biết cổ phiếu Huawei chưa bao giờ giảm.
Mức lương cao là cần thiết để lý giải cho một môi trường làm việc áp lực, trong đó 1 nhân viên đôi khi phải làm công việc của đôi ba người.
Nhân viên ở Thâm Quyến cho biết các nhân viên Trung Quốc được xếp hạng A, B, C hoặc D trong các đánh giá hiệu suất thường xuyên. Những người đạt điểm A nhận được tiền thưởng gấp đôi so với nhân viên B. Ít nhất 10% nhân viên phải có được hạng C, cô nói, điều đó có nghĩa là mọi người đều cố gắng hơn để đạt điểm cao hơn.
Không ai trong số các nhân viên nói rằng họ biết về các trường hợp gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ - mặc dù nhân viên Thái Lan ở Bangkok cho biết các kỹ sư có thể dễ dàng truy cập máy chủ của khách hàng, nghe lén điện thoại và theo dõi truy cập internet nếu họ muốn. Giao thức của công ty cho phép bất cứ ai làm điều đó mà không bị trừng phạt, ông nói.
Nhưng ở Trung Quốc, cơ quan nhà nước có thể thay thế các quy tắc của công ty.
Nhà nước muốn sử dụng Huawei, và họ có thể sử dụng nó nếu muốn, một nhân viên ở Thâm Quyến nói.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Ảnh: Getty Images)
(Lược dịch từ LATimes, qz.com)s)
VTCnews