Những doanh nhân Việt thành công tại nước ngoài làm gì khi về Việt Nam?
Nhiều doanh nhân Việt sau khi thành đạt tại nước ngoài đã quyết định trở về quê nhà lập nghiệp.
Dung Tấn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc iCare Benefits
Năm 1985, Dung Tấn Trung đặt chân đến Mỹ với chỉ 2 USD trong tay cùng vốn tiếng Anh ít ỏi. Nhưng nhờ không ngừng nỗ lực, cố gắng ông đã được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston.
Để có tiền ăn học và giúp đỡ gia đình, Dung Tấn Trung phải đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc cực nhọc ở Boston từ rửa bát cho đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính.
15 năm sau, công ty OnDisplay do Dung Tấn Trung sáng lập đã được chuyển nhượng với giá gần 1,8 tỷ USD. Ông được coi là một trong những người Việt thành công nhất ở nước ngoài và có mặt trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ.
Thành công của Dung Tấn Trung đã được ca ngợi trên nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle...
Trở về Việt Nam, ông đã lập ra iCare Benefits - công ty cung cấp "chương trình phúc lợi nhân viên" cho các khách hàng doanh nghiệp, vớigần 900 công ty Việt Nam tham gia chương trình này. iCare Benefits cũng lên kế hoạch mở rộng ra Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Năm 2015, iCare Benefits đã huy động thành công 20 triệu USD từ quỹ đầu tư Unitus Impact và trở thành start-up gọi được số vốn "khủng" nhất năm.
Dung Tấn Trung hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Đỗ Hoài Nam - đồng sáng lập UP Co-working Space, nhà đầu tư thiên thần
Năm 1995, Đỗ Hoài Nam giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc rồi sang nước này theo học chương trình dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Úc).
Bốn năm sau, ông và một người gốc Việt khác là Thái Tần thành lập SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các công ty viễn thông lớn ở Úc, châu Á và châu Âu.
Đầu năm 2003, ông và Thái Tần bán SASme, cùng 2 người Úc khác thành lập Emotiv Systems, trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ). Thiết bị “đọc” não người của Emotiv Systems rất nổi tiếng, từng được đạo diễn James Cameron sử dụng để đo cảm xúc của người xem trước khi công chiếu bộ phim Avatar.
Từ năm 2008, Emotiv chính thức được Trường Kinh doanh Harvard đưa vào giảng dạy trong chương trình MBA và Đỗ Hoài Nam cũng thường xuyên được mời tới giảng bài tại đây.
Về nước, Đỗ Hoài Nam tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ phong trào start-up tại Việt Nam. Ông là nhà đầu tư thiên thần cho một số dự án khởi nghiệp như Kitfe, Abivin, PixBox, Kleii...
Đỗ Hoài Nam cũng là nhà đồng sáng lập không gian làm việc chung UP Co-working Space được nhiều người yêu thích hiện nay.
Nguyễn Thanh Mỹ - người sáng lập Mỹ Lan Group
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ sang Canada định cư từ năm 1979. Trong vòng 7 năm đi học, ông giành được một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và Tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.
Ông Mỹ sở hữu 200 bằng phát minh, sáng chế được công nhận tại Mỹ, Canada, châu Âu và những nước khác trên thế giới. Ông cũng từng làm việc cho những công ty nổi tiếng thế giới như IBM, Sun Chemicals, Kodak Polychome Graphics và sáng lập công tyAmerican Dye Sourc.
Năm 1999 từ Canada trở về Trà Vinh, ông đã xây dựng Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan, áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại một vùng đất hẻo lánh và khô cằn thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Cơ ngơi này được ông cho thiết kế theo mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Almaden của IBM ở Mỹ, nơi ông từng làm việc.
Sau 16 năm miệt mài gây dựng, tiến sĩ Mỹ đã đưa Mỹ Lan Group thành một "thung lũng quang điện tử" công nghệ cao bậc nhất trên thế giới tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Những tưởng ở độ tuổi 60, ông Mỹ sẽ dành toàn bộ tâm trí của mình cho Mỹ Lan Group trước khi nghỉ hưu, nhưng cuối năm 2015, ông bất ngờ trao lại quyền hành cho vợ để tiếp tục... khởi nghiệp. Lần này, ông chọn Cù lao Long Trị, một vùng đất heo hút, tách biệt để thành lập công ty Rynan - chuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ… cho nông nghiệp.
Ngoài việc kinh doanh và đầu tư, ông Mỹ còn tham gia giảng dạy và là Trưởng khoa Hóa học ứng dụng, Trường đại học Trà Vinh từ năm 2007. Ông còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khóa VI và VII.