MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự án nghìn tỷ thua lỗ: Phải quy được trách nhiệm

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, những dự án nghìn tỷ thua lỗ đã làm tiêu hao nguồn lực xã hội và tạo lực cản trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế.

Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 22/10, đó là hiệu quả đầu tư công ở mức thấp, khi mà thực tế cho thấy có không ít công trình thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, những dự án nghìn tỷ nhưng “đắp chiếu”…

Bán hoặc cho phá sản các doanh nghiệp thua lỗ

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, với các dự án thua lỗ, kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào cứu mà sẽ bán hoặc cho phá sản. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải quy được trách nhiệm thì mới thuyết phục.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, với những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, đến nay vẫn chưa có phân tích cụ thể nào tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thua lỗ để từ đó khắc phục được triệt để vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, ngoài việc đánh giá thành tích, cần phải tìm được nguyên nhân của những thất bại để người sau có thể tránh được sai lầm của người đi trước.

Ông Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội TP HCM, nhấn mạnh, cần phải bán hoặc cho phá sản đối với các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, để mất vốn nhà nước, tránh tình trạng “chết” rồi mà chưa “chôn”.

Đừng để “nước chảy bèo trôi”

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, lên tiếng: Tinh thần của Chính phủ là “công khai, minh bạch”, nhưng khi tiếp nhận thông tin về 5 dự án lớn thua lỗ, dù ai cũng đã biết song vẫn đóng dấu “mật”.

“Kinh doanh lỗ, lãi là bình thường. Phải công khai thì mới biết được vì sao lỗ. Qua công khai thì mới có trách nhiệm làm tốt hơn, chứ không nên hạn chế thông tin. Tôi cho đây là một bài học kinh nghiệm về công khai minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương

Ngoài ra, vị đại biểu này cho rằng, khi phát hiện có vấn đề thì phải xử lý nghiêm túc, có địa chỉ và quy trách nhiệm thì mới thuyết phục. “Chỉ nói một số nơi, một bộ phận… thì ai cũng nghĩ là không phải đề cập đến mình”, ông Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị, cần xem lại từ những vấn đề cụ thể, chứ lý luận đã nói quá nhiều “Cứ nói tăng cường, đẩy mạnh khắc phục… nhưng nói rồi để đấy chứ không giải quyết được vấn đề”.

Ông Phương dẫn chứng, ngay như vấn đề lãng phí đã được nêu ra, song không chỉ ra được lãng phí ở đâu, do ai. Trong khi đó, ở cơ sở, có địa phương dự kiến xây một nhà cấp 4 mà lập dự toán tới 1,4 tỷ đồng trong khi nếu để dân xây dựng thì chỉ tốn hết 200 triệu đồng.

Lấy nội lực kinh tế làm động lực phát triển

Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội TP HCM, nêu quan điểm, cần lấy nội lực kinh tế, lấy ổn định chính trị để làm động lực phát triển đất nước, giữ được vai trò, vị trí của Việt Nam trong bối cảnh mới. Từ đó, định hướng đi đúng quỹ đạo, ý chí chính trị của nhân dân Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Đề cập đến nguồn lực hạn hẹp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu trọng tâm trọng điểm chưa hợp lý. “Đây không chỉ là yếu kém trong quản lý, mà còn bao gồm lợi ích nhóm chi phối,” bà Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể, đoàn Sóc Trăng, cho hay, các giải pháp thời gian qua của Chính phủ đã thể hiện sự năng động, đã lựa chọn những vấn đề liên quan cốt lõi đến người dân và doanh nghiệp, tạo đột phá.

Một Chính phủ kiến tạo, khơi dậy phong trào khởi nghiệp, đã tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp yên tâm phát triển, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 1 triệu nghiệp, gấp đôi con số hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thể cho rằng, đến thời điểm này doanh nghiệp Việt Nam mạnh nhất là lĩnh vực gì thì chưa thấy, nếu có được thì mới là phát triển theo chiều sâu, có mũi nhọn và có khâu đột phá./

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên