MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gánh nặng khiến Thái Lan mắc kẹt giữa Indonesia có tiềm lực "lớn hơn" và Việt Nam "trẻ trung, năng động hơn"

28-11-2022 - 12:37 PM | Tài chính quốc tế

Những gánh nặng khiến Thái Lan mắc kẹt giữa Indonesia có tiềm lực "lớn hơn" và Việt Nam "trẻ trung, năng động hơn"

Thái Lan đang phải vật lộn với gánh nặng dân số già, hệ thống giáo dục xuống cấp và canh tác lúa năng suất thấp.

Nền kinh tế của Thái Lan đang "mắc kẹt" trong bẫy thu nhập trung bình, đó là nhận định của nhà nghiên cứu Richard Yarrow (trường Havard Kennedy). Sau đây là nội dung lược dịch bài viết của học giả Yarrow được đăng trên trang East Asia Forum và được Thailand Business News dẫn lại.

---

Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 và từng là một trong những nền kinh tế năng động nhất của Đông Nam Á - đang phải vật lộn với gánh nặng dân số già, hệ thống giáo dục xuống cấp và canh tác lúa năng suất thấp.

Thái Lan được coi là một quốc gia có thu nhập trung bình đang "mắc kẹt" giữa người láng giềng Indonesia có tiềm lực kinh tế "lớn hơn", và người láng giềng Việt Nam "trẻ trung, năng động hơn".

Quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất Đông Nam Á

Thái Lan có tỷ lệ sinh thấp nhất Đông Nam Á, ngang với Singapore.

Vấn đề nhân khẩu học của Thái Lan được nhận định là đáng lo ngại hơn so với Hàn Quốc, đất nước có quốc gia có tỷ lệ sinh gần 0,8.

Từ năm 2000-2021, tỉ lệ dân số trong độ tuổi 20-24 của Hàn Quốc đã giảm 15%. Ở Thái Lan, con số này giảm 20%, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại bằng mức giảm 27% của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc có GDP bình quân đầu người gấp 4 lần Thái Lan, và họ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ các công dân cao tuổi cũng như thu hút những người nhập cư có tay nghề cao để bù đắp cho sự thiếu hụt của lực lượng lao động.

Những gánh nặng khiến Thái Lan mắc kẹt giữa Indonesia có tiềm lực lớn hơn và Việt Nam trẻ trung, năng động hơn - Ảnh 1.

COVID-19 khiến tình trạng già hóa của Thái Lan thêm trầm trọng

Giống như nhiều quốc gia khác, đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng già hóa của Thái Lan thêm trầm trọng.

Trong vòng 2 năm 2020-2021, số trẻ sơ sinh của Thái Lan đã giảm 8%. Các hộ gia đình trung lưu và gia đình thuộc tầng lớp lao động do phải chịu gánh nặng do nợ tăng, lạm phát và triển vọng việc làm xám xịt, nên hầu như họ không muốn sinh thêm con.

Trong thời kỳ đại dịch, nợ hộ gia đình tại Thái Lan đã tăng lên mức 90% GDP của nước này.

Trong thập niên 2000, Thái Lan vượt trội so với các nước cùng khu vực về nhiều chỉ số giáo dục. Gần như tất cả trẻ em trong độ tuổi đều học tiểu học và tỷ lệ thanh niên học bậc trung học cơ sở chiếm tỷ lệ cao.

Hầu hết công nhân Thái Lan vào năm 2006 đều có trình độ học vấn tối thiểu là tiểu học. Đến năm 2019, hầu hết công nhân Thái Lan đều có trình độ cao học vấn tối thiểu là cao hơn bậc tiểu học.

Những thành tựu về giáo dục có thể giúp giảm thiểu những tác động của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Nhưng điều quan trọng đối với việc phát triển nguồn nhân lực và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình lại là giáo dục đại học. Trong thập kỷ qua, sự sụt giảm về số người nhập học đại học đã bắt đầu tăng nhanh hơn sự sụt giảm tỉ lệ người trẻ tuổi trong nhân khẩu học.

Tổng tỷ lệ người nhập học bậc đại học của Thái Lan đạt đỉnh khoảng 50% vào đầu thập niên 2010, sau đó giảm xuống còn 40–45% trong những năm gần đây.

Các chương trình kỹ thuật hoặc định hướng nghề nghiệp có tỷ lệ cao hơn, nhưng hầu hết các chương trình đại học nói chung đều chứng kiến số lượng sinh viên giảm rõ rệt. Từ năm 2015 đến năm 2019, số sinh viên nhập học đại học đã giảm mạnh 18%.

Vấn đề giáo dục đại học của Thái Lan liên quan đến chất lượng, cơ hội việc làm và khả năng tài chính của hộ gia đình.

Khi số lượng tuyển sinh giảm đi, các trường đại học cũng có ít nguồn lực và động lực hơn để đầu tư vào việc nâng cao chất lượng theo cách mà các trường đại học Trung Quốc hoặc Singapore đã làm.

Đổi lại, triển vọng việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học cũng kém hơn trước. Do nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa có đủ kỹ năng cho thị trường lao động, mức lương dành cho người có bằng đại học ở Thái Lan đã giảm kể từ đầu thập niên 2010.

Trong thời kỳ đại dịch, số người lao động trình độ đại học lâm vào cảnh thất nghiệp đã tăng gấp đôi. Đối với những hộ gia đình chịu gánh nặng nợ nần, những năm học đại học có vẻ không còn đáng giá nữa. Chính những điều này đã khiến nhiều trường đại học của Thái Lan phải đối mặt với nguy cơ loại bỏ các chương trình hoặc đóng cửa hoàn toàn.

Nông nghiệp vẫn là trụ cột chính của nền kinh tế Thái Lan

Một vấn đề đáng lo khác của Thái Lan là ngành nông nghiệp, trụ cột chính của nền kinh tế nước này.

Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 1/10 GDP của Thái Lan nhưng sử dụng đến khoảng 1/3 lực lượng lao động. Mặc dù đã đa dạng hóa sang trồng trái cây và chăn nuôi, thì lúa gạo vẫn là cây trồng chủ lực. Gạo xuất khẩu của Thái Lan chiếm 14% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, canh tác lúa của Thái Lan lại có năng suất và hiệu quả thấp.

Cụ thể, năng suất trung bình của Thái Lan hiện thấp hơn so với Việt Nam, Campuchia và Lào. Nguyên nhân là do các trại lúa quá nhỏ, và người nông dân thì nghèo hoặc đã cao tuổi nên không thể đầu tư vào thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng để cải thiện năng suất.

Những gánh nặng khiến Thái Lan mắc kẹt giữa Indonesia có tiềm lực lớn hơn và Việt Nam trẻ trung, năng động hơn - Ảnh 2.

Những thách thức kể trên đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách chuyển hướng sang ngành công nghiệp và công nghệ mới để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, tháng 5/2022, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ hy vọng rằng Thái Lan sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Mặc dù vậy, chiến lược thuần túy tập trung vào xe điện mà Thái Lan dự định hướng đến được đánh giá sẽ là một canh bạc tốn kém.

Thái Lan, và ngành công nghiệp ô tô của nước này nói riêng, được hưởng lợi từ các khoản đầu tư lớn từ Nhật Bản và Trung Quốc. Xuất khẩu của Thái Lan đã được đẩy mạnh trở lại từ năm 2020, với doanh số bán xe sang Nhật Bản và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đều tăng.

Đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy kinh tế Thái Lan phát triển và mở ra cơ hội thay đổi cơ cấu. Tuy nhiên, môi trường của Thái Lan được đánh giá là chưa thực sự thuận lợi cho đầu tư nước ngoài do nhiều yếu tố.

Hành lang kinh tế phía Đông và các đặc khu kinh tế được thành lập dưới thời các chính phủ gần đây vẫn chưa mở rộng hoặc tăng cường đầu tư vào Thái Lan.

Thái Lan cần làm gì để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?

Điều Thái Lan cần khắc phục trong ngành giáo dục là cải cách tài chính giáo dục đại học, củng cố và quốc tế hóa các trường đại học của nước này.

Về ngành nông nghiệp, Thái Lan cần xoay trục từ hỗ trợ giá nông nghiệp sang cơ giới hóa, đầu tư vào thủy lợi và hợp nhất trang trại.

Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình không phải là điều dễ dàng, và Thái Lan nên ưu tiên đầu tư vào giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như cải cách trong quản lý và nông nghiệp.

Theo Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên