Những "giới hạn mong manh" nào của luật pháp cho phép ông Trump tấn công Syria?
Cuộc tấn công mới đây của ông Trump khác với chiến dịch không kích nhằm vào IS ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát tại Syria.
- 14-04-2018Phương Tây nã 105 tên lửa, phòng không Syria bắn hạ 71 quả
- 14-04-2018Những góc khuất đằng sau cuộc không kích chớp nhoáng của Mỹ ở Syria
- 14-04-2018Bà May nói về cuộc tấn công vào Syria: "Nước Anh không thể làm ngơ lâu hơn được nữa!"
- 14-04-2018Nổ lớn trên bầu trời Syria, hình ảnh đầu tiên về cuộc tấn công của liên minh Mỹ-Anh-Pháp
- 14-04-2018Ông Trump không kích Syria sau phiên giao dịch cuối tuần
Tổng thống Mỹ đã ra lệnh tiến hành không kích nhằm vào các lực lượng Syria vì cho rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Vụ tấn công đơn phương thiếu sự ủy quyền từ Quốc hội hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc làm dấy lên câu hỏi: Liệu ông Trump có quyền thực hiện hành động chiến tranh này không?
Ban đầu, ông Trump và các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ khẳng định chiến dịch là sự trừng phạt giáng xuống Syria vì nước này vi phạm lệnh cấm vũ khí hóa học, đồng thời cũng là nỗ lực răn đe. Tuy nhiên, họ không nói rõ đó là lập luận pháp lý hay chỉ là một cơ sở chính sách.
Cuộc tấn công đã làm nổi lên 2 vấn đề pháp lý: Vấn đề thứ nhất liên quan tới luật pháp quốc tế, khi nào thì một nước được phép tấn công một nước khác; vấn đề thứ hai liên quan tới luật pháp Mỹ và ai có quyền quyết định (Tổng thống hay Quốc hội), cũng như liệu Mỹ có nên tấn công một nước khác hay không.
Lý giải mối băn khoăn này, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Charlie Savage đã có bài viết đăng tải trên New York Times.
Nhìn từ luật pháp quốc tế
Theo luật pháp quốc tế ông Trump có quyền tấn công Syria hay không?
Không. Hiến chương Liên Hợp Quốc, văn kiện mà Mỹ thông qua, công nhận 2 lý lẽ cho việc sử dụng vũ lực nhằm vào một quốc gia khác mà không được sự chấp thuận: Đó là được sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc với mục đích tự vệ.
Trong trường hợp Syria, Liên Hợp Quốc không thông qua cuộc tấn công, còn Bộ Quốc phòng Mỹ coi hành động này là "nhằm ngăn cản chính quyền Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học" - có nghĩa là không phải với mục đích phòng vệ.
Tuy nhiên, dù nghị quyết khẳng định Hội đồng Bảo an sẽ áp đặt "các biện pháp" nếu bất cứ ai sử dụng vũ khí hóa học ở Syria trong tương lai thì văn kiện này cũng không trực tiếp cho phép dùng tới vũ lực. Hiệp ước về vũ khí hóa học không cung cấp một cơ chế thi hành, cho phép các bên khác tấn công bên vi phạm như một sự trừng phạt.
Cuộc tấn công của ông Trump khác với chiến dịch không kích nhằm vào IS ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát tại Syria. Mỹ đã tuyên bố các cuộc không kích này là một phần trong hoạt động phòng vệ tập thể của Iraq, quốc gia đề nghị Mỹ trợ giúp. Tuy nhiên, Syria không sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào Mỹ hay đồng minh như Iraq.
Chiến đấu cơ của Mỹ thực hiện không kích nhằm vào IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Đây có thể là can thiệp nhân đạo không?
Theo NYTimes, một số nhà vận động nhân quyền lý luận rằng, luật pháp quốc tế theo thông lệ (phát triển từ thực tiễn của các nước) cho phép sử dụng vũ lực để chặn đứng một hành động dã man, tàn bạo.
Số khác lại lo lắng rằng, chấp nhận một học thuyết như vậy sẽ tạo ra "kẽ hở" và bị sử dụng sai mục đích, bào mòn nỗ lực kiềm chế chiến tranh. Theo lập trường của Mỹ, hành động can thiệp nhân đạo sẽ không được coi là hợp pháp nếu không được Hội đồng Bảo an chấp thuận.
Thế nhưng, năm 1999, Mỹ đã tham gia cuộc không kích của NATO nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa quân đội Chính phủ Serbia và những phần tử ly khai người gốc Albania ở Kosovo dù chiến dịch này không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền.
Chính quyền của Tổng thống Clinton khi đó chưa bao giờ lý giải vì sao chiến dịch này lại được coi là tuân thủ luật pháp quốc tế. Thay vào đó, họ viện dẫn một danh sách các "nhân tố" - như đe dọa tới hòa bình, ổn định và hiểm họa nhân đạo - mà không giải thích vì sao những nhân tố ấy lại khiến cuộc chiến trở nên hợp pháp.
"Giới hạn mong manh"
Theo luật của Mỹ thì ông Trump có quyền tấn công Syria không?
Câu trả lời cho câu hỏi này có phần mông lung bởi trường hợp "dự tính" trong Hiến pháp khác với thực tế lãnh đạo đất nước. Hầu hết các học giả đều đồng tình rằng, các nhà lập quốc muốn Quốc hội Mỹ quyết định liệu có tham chiến hay không, ngoại trừ trường hợp đất nước bị tấn công.
Tuy nhiên, nhiều tổng thống Mỹ (từ cả 2 Đảng) đều có "truyền thống" tiến hành chiến dịch quân sự mà không được Quốc hội ủy quyền, đặc biệt là sau Thế chiến II, khi Mỹ duy trì một lực lượng quân đội đông đảo.
Trong thời kỳ hiện đại, các luật sư nhánh hành pháp cho rằng, Tổng thống, cũng chính là Tổng Tư lệnh, có thể đơn phương sử dụng phương án quân sự nếu ông/bà ta cho rằng cuộc tấn công phục vụ lợi ích quốc gia, ít nhất là khi trong tính toán, bản chất, quy mô và thời lượng của nó chưa tới mức "chiến tranh theo nhận định hiến pháp", như một luật sư của chính quyền Clinton viết trong bối cảnh dự tính can thiệp vào Haiti.
Hôm 12/4, ông Trump nói: "Bảo vệ và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học chết người là phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia quan trọng sống còn của nước Mỹ". Ông cũng nhắc tới khủng hoảng nhân đạo và sự bất ổn hiện hữu trong khu vực.
Jack Goldsmith, giáo sư luật ở Harvard, nhận định: Tiêu chuẩn xác định thế nào là đủ để coi đó là lợi ích quốc gia thậm chí còn "mỏng" hơn so với tiền lệ và có lẽ sẽ là cái cớ cho bất cứ hành động sử dụng vũ lực đơn phương nào.
"Các lợi ích - bảo vệ an ninh khu vực và gìn giữ cũng như tuân thủ các quy tắc quan trọng - sẽ luôn được đưa ra khi tổng thống cân nhắc tới khả năng can thiệp quân sự", ông Goldsmith nhấn mạnh, "Đó là tất cả những gì ta có ở đây - những lợi ích này khiến quyền lực tổng thống gần như không có giới hạn thực tế".
Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh
Năm 1973, Quốc hội Mỹ đã cố gắng phục hồi phần nào quyền hạn của mình bằng cách ban hành Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh (War Powers Resolution).
Theo đó, một tổng thống chỉ có thể sử dụng vũ lực nhằm vào lực lượng thù địch nếu có sự thông qua của Quốc hội hoặc nếu Mỹ bị tấn công. Nhưng, mập mờ ở chỗ, luật này buộc tổng thống Mỹ phải loại bỏ kế hoạch triển khai sau 60 ngày nếu không được thông qua, có nghĩa là các cuộc tấn công một lần rồi thôi hoặc các chiến dịch ngắn hạn thì vẫn được.
Nhiều tổng thống Mỹ đã vượt qua giới hạn mỏng manh này.
Câu chuyện của Obama năm 2013
Quốc hội Mỹ đã nhiều lần ngầm chấp thuận các quyết định triển khai quân sự đơn phương của tổng thống và các tòa án nói chung đều đứng ngoài cuộc.
Hôm 12/4, sau khi thông tin về khả năng tấn công nổi lên, Thượng nghị sĩ Rand Paul đã đăng trên Twitter: "Tổng thống cần sự ủy quyền của Quốc hội đối với các hành động quân sự, theo đúng Hiến pháp".
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain lại cho rằng, ông Trump không cần Quốc hội cho phép mới được tấn công Syria và viện dẫn trường hợp chính quyền Tổng thống Reagan không kích Libya năm 1986 sau khi nước này được cho là liên đới tới vụ đánh bom một sàn nhảy ở Berlin mà lính Mỹ thường lui tới.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain. Ảnh: Reuters
Đáng chú, năm 2013, khi Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama đứng trước lựa chọn tấn công Syria vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ông Trump lại ủng hộ quan điểm của ông Paul khi đăng tweet: "Ta sẽ được gì khi ném bom Syria ngoài thêm nợ nần và có thể là một cuộc xung đột lâu dài? Obama cần được Quốc hội chấp thuận".
Sau khi ông Obama cảnh báo Syria năm 2012 rằng sử dụng vũ khí hóa học trong nội chiến là vượt qua "lằn ranh đỏ", nhóm cố vấn pháp lý của ông đã cho ra một bản báo cáo 17 trang lý giải về việc liệu ông có thẩm quyền pháp lý để tấn công hay không.
Trong báo cáo này, nhóm cố vấn pháp lý của ông Obama đã chật vật mới đi đến được một cơ sở cho việc: Vì sao tấn công nhằm vào Syria trong tình huống ấy lại hợp pháp.
Báo cáo này nhắc tới trường hợp Kosovo làm tiền lệ và chỉ ra một số "nhân tố" như các đánh giá rằng vũ lực sẽ ngăn chặn được việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường trong tương lai và không hành động thì sẽ dẫn tới những hậu quả không đáng".
Nhưng dù nhóm cố vấn không nói điều này là cần thiết thì báo cáo vẫn phần nào hối thúc ông Obama tìm kiếm sự chấp thuận từ Quốc hội, việc mà ông đã không làm khi tham gia vào cuộc không kích Libya của NATO năm 2011.
Khi Syria "vượt qua lằn ranh đỏ" của ông Obama năm 2013, tình huống mà nhóm cố vấn lường tới đã không còn đáng chú ý nữa bởi NATO quyết định không tham gia vào bất cứ cuộc tấn công nào (báo cáo của nhóm cố vấn cho là NATO sẽ tham gia).
Tựu lại, nhóm cố vấn của ông Obama cho rằng một cuộc tấn công đơn phương vẫn hợp pháp.
Ông Obama đã nghe lời khuyên và đề nghị Quốc hội ủy quyền tấn công trừng phạt nhằm vào Syria, dù ông khẳng định mình có "quyền đưa ra hành động quân sự này mà không cần sự chấp thuận cụ thể từ Quốc hội".
Quốc hội Mỹ không hành động dựa trên đề nghị của ông Obama và cuộc khủng hoảng đã được giải quyết mà không cần dùng tới vũ lực sau khi Nga đạt được một thỏa thuận, trong đó Syria đồng ý tham gia vào Hiệp ước Vũ khí Hóa học, chấp nhận từ bỏ toàn bộ kho vũ khí của mình.
Trí Thức Trẻ
- Mỹ dội 105 tên lửa, tại sao Syria không chặn được cái nào?
- Tổng thống Pháp "rượu vào lời ra" tiết lộ về cuộc tấn công Syria?
- Bị chất vấn về vụ tấn công Syria, Thủ tướng Anh chối: Không nghe theo lệnh của ông Trump
- Nga tiết lộ mục tiêu thực sự của Mỹ trong vụ tấn công Syria
- Nga chặn đứng tàu ngầm Anh chất đầy tên lửa Tomahawk tiến về Syria: Ép phải quay đầu?