MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gương mặt chủ chốt chèo lái kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump

22-01-2017 - 00:28 AM | Tài chính quốc tế

Theo giới quan sát, Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể sẽ điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường bảo hộ như ông từng cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử.

Theo giới quan sát, Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể sẽ điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường bảo hộ như ông từng cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử.

Điều này được thể hiện rõ nét qua việc ông Donald Trump bổ nhiệm ông Robert Lighthizer, một người ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại, giữ chức Đại diện Thương mại Mỹ.

Ông Lighthizer, người luôn ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch, từng đảm nhận chức vụ Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Trong một thời gian dài, ông là đại diện cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ khi trở thành đối tác của hãng luật Skadden Arps.

Trong khi đó, ngay sau khi được chọn là Bộ trưởng Tài chính, ông Steven Mnuchin đã có phát biểu nhằm vào Đạo luật Dodd-Frank, cho rằng vấn đề số một đối với quy tắc Volcker là nó quá phức tạp và khó hiểu và cho biết sẽ phải xử lý vấn đề này.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump cam kết hủy bỏ dần Đạo luật Dodd-Frank, với những điều khoản chính đề ra các quy định khắt khe về tiền vốn đối với các ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Mnuchin cũng cam kết “mức cắt giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu lớn nhất” kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Còn Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross là nhà đầu tư nổi tiếng trong việc tái cơ cấu các công ty làm ăn thất bát trong các lĩnh vực như thép, than đá, viễn thông, dệt may và đầu tư nước ngoài.

Ông Ross cáo buộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký năm 1994 với Canada và Mexico, cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WB) vào năm 2001 đã cướp đi nhiều công ăn việc làm của người lao động Mỹ.

Đặc biệt, việc ông Rick Perry, một người ủng hộ nới lỏng quy định đối với ngành nhiên liệu hóa thạch, được lựa chọn vào chức Bộ trưởng Năng lượng, đã gây hoang mang cho giới hoạt động môi trường trong khi nhận được hoan nghênh từ ngành công nghiệp dầu khí.

Hội đồng Thương mại Quốc gia là một cơ quan mới được thành lập. Nhóm tiếp quản quyền lực của Tổng thống Donald Trump nêu rõ: “Việc thành lập Hội đồng Thương mại Quốc gia là minh chứng nữa cho thấy quyết tâm của Tổng thống đắc cử đưa ngành chế tạo tại Mỹ vĩ đại trở lại và trao các cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt cho mọi người dân Mỹ.”

Ông Peter Navarro, 67 tuổi, nhà kinh tế học có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, được chọn làm Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng. Trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Đối ngoại hồi tháng 11/2016, ông Navarro và một cố vấn khác của Tổng thống đắc cử Trump là Alexander Gray cũng tái khẳng định quan điểm của ông Trump phản đối các thỏa thuận thương mại lớn, trong đó có TPP và NAFTA.

Và với bộ máy quyền lực này, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, Chính phủ mới của Mỹ đã thông báo nước này sẽ rút khỏi TPP và cũng để ngỏ khả năng rút khỏi NAFTA./.

Theo Khánh Ly

Vietnam+

Trở lên trên