MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khu đô thị hiện nay chưa ngập là do may mắn, tương lai các KĐT tại Hà Nội sẽ ngập nghiêm trọng hơn

19-07-2017 - 12:51 PM | Bất động sản

"Nhiều khu đô thị ngày hôm nay chưa bị ngập úng tôi cho rằng do may mắn chứ không phải do khả năng quy hoạch. Ví dụ, người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Người hôm nay không bị ngập, rất có thể ngày mai sẽ không thoát cảnh ngập úng".

Đây là ý kiến của KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Hội KTS Hà Nội tại buổi giao lưu trực tuyến “Bao giờ Hà Nội thoát cảnh cứ mưa là ngập” do Báo Dân Việt tổ chức vào sáng 19/7.

Cũng theo ông Ánh, nguyên nhân Hà Nội hễ mưa là ngập là do quy hoạch đô thị chia theo địa bàn, tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai quy hoạch lại chắp vá sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân.

"Một đô thị có hàng triệu người sống với nhau, nhưng cách giải quyết lại do vài chục người quyết định. Chúng ta đang thiếu kịch bản, chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài. Chuyện khi nào ngập chỉ là vấn đề thời gian bởi khí hậu ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn", ông Ánh nhấn mạnh

Cũng theo ông Ánh hiện nay quá trình triển khai quy hoạch tại nhiều khu đô thị mới chắp vá và không có sự kiểm soát. Vậy nên, vấn đề ngập úng tất yếu sẽ tới. Những khu vực ngày hôm nay chưa bị ngập úng tôi cho rằng do may mắn chứ không phải do khả năng quy hoạch đâu. Ví dụ, người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Người hôm nay không bị ngập, rất có thể ngày mai sẽ không thoát cảnh ngập úng", ông Ánh cho biết.

Cùng quan điểm với ông Ánh, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng: "Đáng lẽ chúng ta phải làm đường ống, đường đi trước rồi mới làm nhà. Ở Việt Nam lại làm ngược lại. Ngoài ra, bình thường chúng ta thoát nước bằng hệ thống hồ tự nhiên, hồ điều hòa nhưng giờ hồ điều hòa bị lấp hết rồi nên nước cũng không còn chỗ lưu trữ trước khi được điều tiết ra sông, thoát đi".

Theo ông Hùng biện pháp chống ngập lâu dài là nhà cao tầng, trong khu đô thị mới bắt buộc phải có hệ thống bể dự trữ. Dưới các vườn hoa cũng cần hệ thống bể dự trữ vừa để tưới cây, vừa để cứu hỏa. Dưới có những đài phun nước rất tốt, vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa mát mà cũng dự trữ được nước.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết hiện ở Hà Nội chưa có hệ thống bể dự trữ này. Thiên tai là điều tất yếu, nhưng nhân tai mới đáng lo. Vì chính nhân tai mới làm các yếu tố thiên tai trở nên đáng sợ. Hà Nội nếu không còn tắc đường, ngập nước, có lẽ con người sẽ vui vẻ hơn. Muốn làm được như vậy, phải có giải pháp quy hoạch, quản lý đô thị tổng thể, đồng bộ.

"Bao nhiêu năm nữa Hà Nội sẽ không còn cảnh ngập? Rất khó nói bao giờ sẽ hết ngập vì hệ thống cống thoát nước xây dựng chỉ chịu đựng được tới một mức độ nào đó. Mấy đợt mưa vừa qua chưa lớn nhưng Hà Nội đã ngập. Tôi cho rằng vấn đề ở đây là quy hoạch hạ tầng, trong đó có cả quy hoạch cấp thoát nước. Nhà nội đô ngày càng chồng lên cao, nhà vẫn vậy, dân cư tăng lên thì hệ thống thoát nước sẽ không chịu nổi.

Vấn đề này tôi đã nói từ năm 2008, nhà nhiều tầng, chung cư mới phải có hệ thống tự thấm. Chứ cứ với tình trạng bê tông hóa như hiện nay, thảm cỏ, hồ điều hòa sẽ mất dần. Phải có hệ thống bể tự thấm, bãi cỏ, hồ điều hòa bổ sung Sông Tô Lịch hay một số sông đóng vai trò thoát nước phải tiêu được nước thì nước trong thành phố mới không ứ. Ngày xưa nhà chỉ có 1, 2 tầng, giờ có tới 10, 20 tầng thì 8.000 hay 10.000 tỷ mà không cải tạo hạ tầng đồng bộ thì không giải quyết được. Người xây dựng, thiết kết phải có tầm nhìn xa thì Hà Nội mới không biến thành Hà “lội”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bàn thêm về nguyên nhân ngập lụt tại Hà Nội PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cũng cho rằng quy hoạch xây dựng Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng giãn dân, giảm mật độ dân số khu vực trung tâm. Nhưng thực tế, vài năm qua, xu thế mật độ dân số lại tăng lên trong nội đô. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới khu phố cũ, phổ cổ ngày nay cũng ngập.

"Tuy nhiên, những vấn đề thực hiện dưới quy hoạch vẫn còn khá nhiều tồn tại. Nhiều năm qua đô thị phát triển mạnh, nhà cao tầng mọc lên nhiều, bê tông hóa. Thiết nghĩ, để đảm bảo làm theo quy hoạch là cả một vấn đề. Các loại quy hoạch đã có, nhưng triển khai ra sao? Đơn cử như cốt nền: người làm sau lại làm cốt cao hơn người làm trước, ảnh hưởng rất nhiều đến lưu vực dòng chảy...", ông Hạ cho hay.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên