MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những kỳ vọng cho con tàu kinh tế Việt Nam 2024

Với nhiều tín hiệu tích cực, 2024 được nhận định sẽ là năm phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá hàng hóa tương đối ổn định.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1 tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng; ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Một điểm sáng nữa của kinh tế trong tháng đầu tiên của năm là tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.

Những kỳ vọng cho con tàu kinh tế Việt Nam 2024- Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng. (Ảnh minh họa)

Trả lời VTC News , chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đánh giá 2024 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo ông Ngân, bên cạnh công nghiệp là điểm sáng thì nông nghiệp vẫn là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tới. "Chúng ta cần lo được cho 100 triệu dân và có một nguồn lương thực dư để xuất khẩu. Thị trường của chúng ta rất lớn và Việt Nam vẫn là một trong những đầu tàu xuất khẩu nông sản ra thế giới", ông Ngân nói.

Một nội lực nữa có thể đẩy mạnh hơn để kích thích kinh tế Việt Nam phát triển đó là du lịch. Đây là một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thời gian qua đầu tư còn khiêm tốn. Hiện thị trường du lịch nội địa đã phục hồi so với trước dịch COVID-19 nhưng thị trường du lịch quốc tế còn thấp, mới đạt được hơn 70%.

“Phát triển thị trường du lịch là thế mạnh vì Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, nhiều cảnh đẹp và di tích văn hóa, lịch sử” , ông Ngân nêu quan điểm.

Theo ông Ngân, khi ngành nông nghiệp và du lịch phát triển sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Còn PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kỳ vọng vào hai yếu tố sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất, dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất, tiêu dùng bền vững. “ Khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực này thì chắc chắn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng của nền kinh tế 2024 - 2025 ”, bà Yến dự báo.

Thứ hai, việc giải ngân vốn đầu tư công, đưa lượng vốn lớn vào nền kinh tế theo định hướng của Quốc hội, Chính phủ. “ Việc giải ngân vốn đầu tư công song hành việc phát triển các dự án chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ", bà Yến nói.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lại nhấn mạnh những thành quả đã đạt được của năm 2023 và cho rằng đây là cơ sở, đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế.

Mặc dù trên lý thuyết mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt được (6,5 - 7%) nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, nhiều biến động thì việc ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp, nợ công vẫn đảm bảo an toàn, bội chi giảm so với kế hoạch là những thành quả rất lớn của kinh tế Việt Nam.

Với đà tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước như hiện tại, ông Lâm khẳng định các thành quả nêu trên sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2024.

Những kỳ vọng cho con tàu kinh tế Việt Nam 2024- Ảnh 2.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. (Ảnh minh họa)

6 nhóm giải pháp cấp thiết

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu 6 nhóm giải pháp chính để kinh tế Việt Nam năm 2024 tiếp tục tăng trưởng.

Đầu tiên là phải quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt liên quan đến thực thi công vụ.

Thúc đẩy đà phục hồi của các động lực tăng trưởng truyền thống cùng với việc phát huy tốt hơn các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, cần khai thác tốt hơn những FTAs đã ký kết, những cơ hội có được trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vừa qua; phát triển kinh tế số và kinh tế xanh một cách bài bản, thực chất và mang tầm chiến lược.

Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bên ngoài và nội tại còn nhiều rủi ro, thách thức; không chủ quan với vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu…

Quan tâm hơn đến tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế; nhất là những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, đẩy nhanh tiến trình này sẽ gây ách tắc, khiến phân bố nguồn lực kém hiệu quả và chi phí tốn kém.

Đẩy nhanh, hoàn thiện thể chế kinh tế, nhất là thể chế cho cả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; thực hiện tốt hơn khâu quy hoạch, triển khai các quy hoạch đã ban hành.

Cuối cùng, để làm được những việc trên, vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng. Theo đó, nhiệm vụ tăng năng suất lao động gắn với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách cơ chế tuyển dụng - đánh giá cán bộ - tiền lương của đội ngũ công viên chức là cấp thiết.

Theo Phạm Duy/ VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên