MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mỏ khai thác lớn nhất thế giới đang tuột khỏi tay các tập đoàn đa quốc gia như thế nào?

11-09-2017 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Trong cuộc nổi dậy của chủ nghĩa kinh tế dân tộc, các chính quyền địa phương và các tập đoàn nội địa đang đẩy lùi sự thống trị của phương Tây về tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

CEO Richard Adkerson của Free-McMoRan Inc đã “quay ngoắt 180 độ”.

Chỉ một vài tháng trước, Adkerson vẫn gạt bỏ ý tưởng bán lượng lớn cổ phần trong các mỏ đồng và vàng của Công ty Phoenix trên khắp Indonesia cho các nhà đầu tư địa phương. Nhưng khi ngồi cạnh các quan chức chính phủ ở Jakarta tuần trước, vị giám đốc kỳ cựu nói với các phóng viên rằng mình sẽ làm như vậy.

“Freeport đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ” là tiêu đề bài báo được đăng trên Jakarta Post, trong khi Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia vui mừng thông báo “Freeport đã nhượng lại quyền sở hữu cho Chính phủ”. Thông báo được gắn kèm ảnh ông Adkerson.

Hình ảnh đó - một giám đốc người Mỹ có khuôn mặt đỏ au trong chớp mắt đã rút lại lời nói của mình - có thể ám ảnh không chỉ Adkerson mà là tất cả các giám đốc điều hành các tập đoàn đa quốc gia khác. Sự siết chặt quản lý đối với Freeport là điển hình cho thấy một thách thức lớn hơn đối với ngành khai thác mỏ toàn cầu: trong cuộc nổi dậy của chủ nghĩa kinh tế dân tộc, các chính quyền địa phương và các tập đoàn nội địa đang đẩy lùi sự thống trị của phương Tây về tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

Paul Mitchell, một lãnh đạo cấp cao của công ty khai thác mỏ và luyện kim của Ernst&Young cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở khắp nơi. Mong muốn giữ lại các tài sản quốc gia và tự mình khai thác sẽ luôn tăng lên bởi con người nhận ra rằng tài nguyên khoáng sản đang trở nên khan hiếm”.

Từ Mông Cổ tới Zambia

Năm 2017, vụ sáp nhập giữa hai công ty khai thác vàng Harmony Gold Mining và AngloGold Ashanti đã bị đình trệ tại Nam Phi do các quy định nhằm tăng quyền kiểm soát nguồn khoáng sản của Chính phủ nước này.

Tại Mông Cổ, lời kêu gọi tăng cường kiểm soát đối với tài nguyên thiên nhiên liên tục vang lên trong suốt cuộc bầu cử quốc gia, trong khi nỗ lực buộc các công ty nước ngoài khai thác tài nguyên phải chuyển doanh thu bán hàng qua các ngân hàng địa phương đang đe dọa hoạt động của tập đoàn khai thác mỏ lớn thứ hai trên thế giới Rio Tinto và gần như làm thất bại nỗ lực giải cứu của quỹ tiền tệ thế giới IMF.

Trong năm ngoái, nỗ lực của công ty khai thác mỏ quốc tế hàng đầu Freeport để bán cổ phần của một mỏ đồng và cô ban ở Cộng hòa dân chủ Congo đã bị đình chỉ trong 8 tháng và sự việc kết thúc khi công ty thanh toán 33 triệu USD cho Chính phủ nước này.

Và ở Zambia, Glencore Plc, một công ty khai thác mỏ và hàng hóa có trụ sở tại Thụy Sỹ đã đe dọa sẽ sa thải 4.700 công nhân sau khi Chính phủ tăng giá điện. Theo thông báo của Văn phòng chính phủ Zambia, trước đó tập đoàn First Quantum Minerals cũng đã phải chấp nhận phải chịu mức thuế cao hơn.

Tại Tanzania, công ty khai thác vàng Acacia Mining Plc, thuộc sở hữu của nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới - Tập đoàn Barrick Gold của Canada, đang phải đối mặt với khoản thuế có giá trị lớn gấp 4 lần GDP Tazania.

Tăng giá chóng mặt

Khu liên hợp khai thác đồng và mỏ vàng Grasberg Freeport McMoRan ở Papua, Indonesia
Khu liên hợp khai thác đồng và mỏ vàng Grasberg Freeport McMoRan ở Papua, Indonesia

Adkerson nói với các nhà phân tích trong bản báo cáo lợi nhuận quý II của Freeport hồi tháng 7 rằng: “Chính phủ các nước bắt đầu nhìn thấy các công ty thu được nhiều lợi nhuận hơn, và bắt đầu tìm ra nhiều chính sách để thu lợi từ điều này. Những vụ tranh chấp với chính phủ này cũng như các cuộc đình công và việc máy móc thiết bị khai thác hao mòn sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp kim loại và giá của các mặt hàng sẽ tăng lên nhanh chóng”.

Dẫu vậy, vẫn có một số nước đang phát triển đang tiếp tục chào đón các công ty khai thác mỏ nước ngoài. Ví dụ như tại Mỹ La Tinh, các nước Argentina và Ecuador đã thông qua các quy tắc thân thiện với nhà đầu tư nhằm khai khác tiềm năng khoáng sản khổng lồ của họ.

Trước khi đạt đỉnh năm 2011, đà tăng giá liên tục trong suốt 1 thập kỷ của đồng đã khiến nhiều chính phủ ngày càng háo hức cho các hoạt động khai thác mỏ. Tuy nhiên giá đồng đã đi xuống đáy vào năm 2016 và đến nay đã phục hồi một phần.

Gus MacFarlane, phó chủ tịch công ty Verisk Maplecroft, một hãng nghiên cứu giảm thiểu các rủi ro cho tập đoàn đã nói “Người ta cho rằng các công ty có lợi nhuận rất lớn, nhưng thực tế là chi phí của nhiều công ty cũng tăng lên trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao”.

Các hoạt động ở Indonesia của Freeport luôn luôn mang lại nhiều lợi nhuận nhưng khó quản lý. Các khu mỏ của Freeport ở tỉnh Papua, tỉnh lớn nhất và hẻo lánh nhất ở Indonesia, đều nằm sâu trong những cánh rừng mưa nhiệt đới.

Khu liên hợp Grasberg nằm gần Puncak Jayca, ngọn núi cao nhất ở Indonesia. Đây là mỏ lớn nhất của Freeport, đóng góp gần 20% trong doanh thu 14,8 tỷ USD của cả công ty trong năm ngoái, sản xuất ra hơn 1 tỷ pound đồng và 1 triệu ounce vàng.


Doanh thu từ Indonesia của Free-port.

Doanh thu từ Indonesia của Free-port.

Kể từ lần đầu tiên đạt được thỏa thuận với Tổng thống Suharto, công ty đã là mục tiêu tấn công của các nhà hoạt động ly khai địa phương và các nhóm bản địa, cũng như các tổ chức quốc tế về môi trường và nhân quyền. Freeport đã dựa vào quân đội để bảo vệ hoạt động khai thác trước các cuộc bạo loạn và biểu tình.

Adkerson, người đã 70 tuổi và đã trải qua nhiều vị trí khác nhau tại Freeport trong hơn hai thập kỷ qua, bây giờ phải thương lượng các điều khoản của việc bán lại Grasberg cho chính phủ Indonesia. Hai bên vẫn cần thống nhất về mức giá mà các nhà đầu tư địa phương sẽ trả cho Freeport để giảm cổ phần từ 81% xuống còn 49%.

Diệu Nguyễn

Bloomberg

Trở lên trên