MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “nạn nhân” bất đắc dĩ thường bị đổ lỗi mỗi khi thị trường chứng khoán giảm sâu

Những “nạn nhân” bất đắc dĩ thường bị đổ lỗi mỗi khi thị trường chứng khoán giảm sâu

Mỗi khi thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm đối tượng để đổ lỗi từ tin đồn, đội lái đến phái sinh, T+, ATC,...

Ở bất kỳ đâu, mỗi khi thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm những lý do để giải thích. Với tỷ lệ cá nhân chiếm đến 90% giao dịch, những "nạn nhân" hay bị nhà đầu tư “đổ lỗi” trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rất đa dạng.

"Đặc sản" tin đồn

Điều đầu tiên và phổ biến nhất mà nhà đầu tư chứng khoán hay đổ lỗi có lẽ là tin đồn. Mỗi khi thị trường chung hay cổ phiếu nào đó biến động mạnh, câu cửa miệng của nhà đầu tư luôn là “có tin gì à?”.

Bất kỳ tin tức nào có liên quan đều có thể bị suy diễn để trở thành một lý do “nghe có vẻ hợp lý” cho sự tăng/giảm của cổ phiếu hoặc thị trường. Những tin đồn trên thực tế chẳng hề liên quan cũng bị nhà đầu tư lôi vào để “đổ lỗi” sau một loạt thuyết âm mưu, nhận định mang tính cảm quan,… Thậm chí, có những tin đồn chẳng ai biết là đồn cái gì nhưng cũng làm xôn xao cả thị trường.

Với tính chất đầu cơ cao đặc thù của một thị trường cận biên, mức độ nhạy cảm của nhà đầu tư với các tin đồn trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại càng cao. Điển hình như những ngày gần đây, nhiều cảnh báo được đưa ra về các tin đồn, nhưng quan sát trên thị trường đến hiện tại vẫn chưa rõ là tin đồn gì.

Những “nạn nhân” bất đắc dĩ thường bị đổ lỗi mỗi khi thị trường chứng khoán giảm sâu - Ảnh 1.

Thực tế, có những tin đồn trở thành sự thật nhưng cũng có rất nhiều tin đồn mãi mãi chỉ là tin đồn. Guồng quay dồn dập của thị trường khiến nhà đầu tư đôi khi quên mất việc kiểm chứng tính xác thực của thông tin. Thời gian để phân tích tác động lên cổ phiếu, thị trường lại càng ít. Đám đông thường có xu hướng lao ngay vào giao dịch, bán tháo trước tin xấu và ngược lại “fomo” mua đuổi khi nhận tin tốt. Mỗi lần bị “hớ”, nhà đầu tư lại than thở “tất cả là tại tin đồn”.

“Lái” – nhân vật bị gọi tên nhiều nhất dù chẳng rõ là ai

Bên cạnh tin đồn, “lái” hay “đội lái” cũng rất hay bị nhà đầu tư đem ra đổ lỗi cho những biến động trên thị trường chứng khoán. "Tăng do lái kéo, giảm do lái đạp". Nhiều nhà đầu tư còn mặc định coi sự tồn tại của "lái" là điều hiển nhiên, thậm chí còn ví von “cổ phiếu không có lái như gái không chồng”.

Không thể phủ nhận bóng dáng các "đội lái" đã và đang xuất hiện trên rất nhiều cổ phiếu. Thế nhưng, có một sự thật là đa phần nhà đầu tư đều không rõ đội nhóm này là ai, hành động như thế nào và với mục đích gì mặc dù vẫn cứ “ra rả” nhắc đến tạo cảm giác dường như “rất thân quen”. Và đương nhiên, đối tượng này dù có thực sự hay không, cũng khó tránh khỏi mũi dùi chỉ trích từ các nhà đầu tư khi thị trường hoặc cổ phiếu biến động không như ý.

"Lái" hay "Đội lái" là tiếng lóng nhà đầu tư dành cho các đội nhóm có vốn chuyên câu kết, thông đồng với nhau để tạo sóng cổ phiếu nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá.

Thị trường chứng khoán phái sinh cũng là "nạn nhân"

Một đối tượng cũng thường xuyên bị nhà đầu tư đổ lỗi mỗi khi chứng khoán cơ sở biến động mạnh là thị trường phái sinh. Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng có “bàn tay vô hình” của các “cá mập”, “tay to” tham gia điều tiết thị trường cơ sở nhằm thao túng phái sinh.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là phỏng đoán và chưa có cơ sở nào thực sự sát đáng chứng minh cho luận điểm này. Suy đoán của nhà đầu tư chủ yếu đến từ sự trùng hợp khi thị trường cơ sở thường xuyên biến động mạnh trong ngày đáo hạn phái sinh. Trên thực tế, rất khó để có thể "thao túng" do thị trường có thành phần tham gia rất đa dạng và quy mô tài sản là rất lớn. Việc điều tiết phái sinh rất rủi ro cho những "tạo lập" (nếu có).

Về bản chất, chứng khoán phái sinh một công cụ phòng hộ nhằm hạn chế rủi ro cho các tài sản trên thị trường cơ sở. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư lại chọn phái sinh để hiện thực hoá tham vọng kiếm lời nhanh trên thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, kiếm lời từ phái sinh không hề đơn giản bởi sự khó lường của thị trường cơ sở tại Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân khó có thể theo kịp được những biến động dồn dập của thị trường. Với đòn bẩy cao, chỉ một vài sai lầm nhỏ cũng có thể thổi bay thành quả của nhiều tháng trading trước đó.

Vì thế, “bộ môn” này ở Việt Nam vẫn phù hợp với đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn là các cá nhân nhỏ lẻ. Để tránh rủi ro, nhà đầu tư vẫn nên coi phái sinh như một công cụ phòng hộ cho cơ sở như đúng bản chất.

Quy chế giao dịch T+ và phiên ATC

Cũng giống như phái sinh, sự trùng hợp khi thị trường nhiều lần giảm mạnh trong phiên ATC dù trước đó đang có dấu hiệu hồi phục khiến nhà đầu tư có cảm giác bị “đánh úp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là diễn biến bình thường khi các nhà đầu tư muốn bán bằng mọi giá nhưng không còn đủ thời gian ở phiên khớp lệnh liên tục nên rút bớt lệnh để dồn vào ATC.

Nguyên tắc chọn giá chốt phiên cũng được công bố cụ thể, minh bạch và cũng được quyết định bởi yếu tố cung cầu. Vì thế, việc đổ lỗi cho phiên ATC có phần “oan uổng” bởi chính tâm lý lo ngại của nhà đầu tư là điều khiến áp lực bán trong phiên giao dịch này gia tăng đột biến.

Một điều cũng rất vô lý khác nhưng cũng thường xuyên bị đổ lỗi là quy chế giao dịch T+. Nhiều quan điểm cho rằng quy chế giao dịch này khiến lượng cung cổ phiếu bị dồn nén và đổ dồn vào thời điểm “hàng T+” về tài khoản dẫn đến thị trường có biến động mạnh. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có nhu cầu trading T+ liên tục.

Thực tế, tâm lý đầu cơ khiến rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam ao ước được giao dịch T0, trading trong ngày. Thế nhưng, cần phải lưu ý rằng việc giao dịch T0 là rất rủi ro đặc biệt với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, kiến thức. Thị trường biến động chóng mặt dễ khiến nhà đầu tư bị “loạn chưởng”, mua bán trong trạng thái thiếu tỉnh táo. Điều này có thể dẫn đến thua lỗ nặng, chưa kể đến thuế, phí phải nộp rất lớn.

Ngoài những điều kể trên, nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam còn thường hay đổ lỗi cho một đối tượng rất đặc biệt là cơ quan chức năng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán,…). Mỗi khi thị trường biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi, các topic đòi lãnh đạo ngành chứng khoán chịu trách nhiệm lại mọc lên như nấm trên các diễn đàn với những lý do đưa ra rất “trời ơi, đất hỡi”.

Nhìn chung, việc đổ lỗi chỉ mang tính giải toả cảm giác khó chịu cho nhà đầu tư khi thị trường hay cổ phiếu biến động không như ý. Điều này không mang lại bất kỳ lợi ích gì. Thay vì tìm kiếm đối tượng để đổ lỗi, nhà đầu tư nên tập trung vào việc quản trị rủi ro, nghiên cứu vĩ mô, doanh nghiệp để có phương án phản ứng phù hợp mỗi khi thị trường hoặc cổ phiếu có biến.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên