Những ngân hàng nào có doanh thu lớn từ kinh doanh bảo hiểm?
Năm 2022, kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đem lại doanh thu lớn, ghi nhận tăng trưởng cao tại nhiều ngân hàng.
- 24-02-2023Sao lại ép mua bảo hiểm?
- 24-02-2023Mua bảo hiểm cho con, làm sao để lợi ích lớn nhất?
- 24-02-2023Đâu là trọng tâm của chuyển đổi số ngành bảo hiểm năm 2023?
Qua mùa báo cáo tài chính quý IV/2022, xếp hạng doanh thu từ mảng bảo hiểm của các ngân hàng đã được công bố. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tiếp tục giữ vị trí cao nhất.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý 4/2022 (Đồ hoạ: Việt Linh)
Năm 2022, MB báo lãi trước thuế 18.155 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỷ đồng, cao hơn gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn thu từ bảo hiểm hiện chiếm tới 71,5% doanh thu từ mảng dịch vụ chung của MB.
Doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2019, doanh thu mảng này là 4.202 tỷ đồng, đến 2020 đã lên 5.849 tỷ đồng. MB hiện có 2 công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
Xếp sau MB là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng, và thu từ kinh doanh bảo hiểm là 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Số thu từ bảo hiểm của VPBank chiếm 1/3 tổng thu nhập dịch vụ.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đứng vị trí thứ 3. Năm qua, Techcombank có lợi nhuận sau thuế 20.436 tỷ đồng. Thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2021. Hiện, Techcombank có chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư cùng đối tác Manulife Việt Nam.
Ở vị trí tiếp theo, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. VIB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential.
Đứng cuối top 5, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 876 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với năm ngoái. Đây là nhà băng hiếm hoi sụt giảm nguồn thu từ mảng bảo hiểm. TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life.
Ở mức khiêm tốn hơn, các nhà băng nhỏ chỉ ghi nhận vài chục tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vũ bão. Như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, năm 2022 thu 33 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, tăng trưởng hơn 310% so với năm ngoái.
Năm nay, nhiều ngân hàng từng có doanh thu bảo hiểm lớn không thuyết minh, công bố cụ thể mục này trong báo cáo tài chính. Năm 2021, VietinBank, BIDV, Sacombank, HDBank, OCB trong nhóm 10 ngân hàng có doanh thu cao nhất từ bảo hiểm.
Như VietinBank, năm 2021 ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm. Cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm. Ước tính từ Chứng khoán KBSV, chỉ trong quý I/2022, VietinBank có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả trước bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng),
SCB, ngân hàng bị tố cáo "hô biến" tiết kiệm thành bảo hiểm cũng chưa công bố doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Báo cáo tài chính mới nhất của SCB là quý II/2022, không có chi tiết doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm. Nửa đầu năm 2022, SCB chỉ cho biết, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SCB là 1.839 tỷ đồng, lãi thuần 1.149 tỷ đồng. Năm 2021, doanh số bảo hiểm nhân thọ của SCB đạt 1.028 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu trên thị trường.
Tiền phong