MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngân hàng sau hợp nhất bây giờ ra sao?

10-12-2016 - 08:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau hợp nhất, SCB và PVcomBank đều là những "cá lớn" của thị trường song với những tồn đọng, yếu kém của các cá thể hợp thành, 2 ngân hàng đang trải qua quá trình tái cấu trúc vất vả và đặt nhiều niềm tin ở phía trước.

“Sức khỏe” những ngân hàng sau hợp nhất (Kỳ I)

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” đã đi qua với nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, vài ngân hàng đã biến mất và hàng loạt ngân hàng yếu kém được xử lý dứt điểm,... Thị trường đã được thanh lọc bước đầu, sau 4 năm, quá trình tái cơ cấu được ví như một "cuộc đại phẫu".

Trong đó “nổ phát súng” đầu tiên là thương vụ sáp nhập 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành SCB; TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PVcomBank; Habubank nhập vào SHB; Đại Á vào HDBank; TienPhongBank gọi vốn từ Doji rồi đổi tên thành TPBank; Navibank tìm được nhà đầu tư, tự tái cơ cấu và đổi tên thành NCB. Tiếp đó là các thương vụ BIDV nhận MHB; Maritime Bank nhận MDB và Sacombank nhận Southernbank.

Năm 2016 vẫn chưa đón nhận thêm một thương vụ M&A nào, chủ đề sáp nhập ngân hàng tạm lắng xuống và cũng là khoảng thời gian các ngân hàng bắt đầu giai đoạn tương thích và phát triển. Câu hỏi của nhiều người là đến nay các ngân hàng ấy đã làm được những gì?

SCB

Được thành lập từ việc hợp nhất 3 TCTD là SCB, Ficombank, TinNghia Bank, NHTMCP Sài Gòn (SCB) là trường hợp đầu tiên khơi mào cho làn sóng sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng khi NHNN đẩy mạnh chủ trương tái cơ cấu ngành.

Sau hợp nhất vào đầu năm 2012, SCB đã gặp rất nhiều khó khăn khi có tỷ lệ nợ xấu rất cao và thanh khoản của 3 ngân hàng tiền thân SCB suy giảm mạnh, phải nhờ đến các khoản vay tái cấp vốn từ NHNN, phụ thuộc vào huy động trên thị trường liên ngân hàng. Chất lượng tài sản của ngân hàng hợp nhất cũng có nhiều vấn đề. Một số tỷ lệ an toàn không được duy trì, trạng thái âm vàng cao… cũng là những khó khăn, thách thức không nhỏ về mặt tài chính của SCB trong thời gian đó.

Thế nhưng, dưới sự giám sát của NHNN và với sự nỗ lực tự thân rất lớn, SCB đã sớm bắt tay vào việc tái cơ cấu và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan dưới sự chỉ đạo của NHNN theo đề án đã được phê duyệt.

Sau một năm thực hiện tái cơ cấu, SCB đã từng bước tháo gỡ khó khăn về thanh khoản do ba ngân hàng TMCP trước đó để lại và đạt được những bước tiến tích cực như: cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, huy động vốn đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ.

Đến nay, SCB đã cải thiện các hoạt động kinh doanh khá tốt, hầu hết các hoạt động kinh doanh đều có kết quả khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng không cao sau khi trích lập dự phòng rủi ro.

Tính đến 30/06/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 340 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, top 6 ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống. Cho vay khách hàng tăng trưởng 17,6% lên 200 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 12% lên 287 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, SCB đạt 94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 2 lần so với nửa đầu năm trước. Đây cũng là một tín hiệu khởi sắc đối với một ngân hàng đang tái cấu trúc như SCB.

Tuy nhiên, SCB vẫn còn chặng đường khá dài để giải quyết những tồn đọng. “Chúng ta đang trải qua quá trình “tích tụ tư bản” dưới hình thức trích lập dự phòng có tài sản đảm bảo đi kèm. Quá trình này rất đau đớn và mệt mỏi nhưng tôi hy vọng cổ đông chia sẻ quan điểm đó và chia sẻ việc không chia cổ tức", lãnh đạo ngân hàng này từng bày tỏ.

PVcomBank

PVcomBank được thành lập từ đầu tháng 10/2013 từ việc hợp nhất Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Phương Tây (Westernbank), trong đó PVFC là một công ty con trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau hợp nhất, PVcomBank có tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chiếm 52%) và cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%).

Lãnh đạo PVcombank cho biết ngân hàng WesternBank và PVFC đều tồn tại nhiều khó khăn, sau khi sáp nhập lãnh đạo ngân hàng đã báo cáo rất rõ các khó khăn mà ngân hàng cùng các cổ đông phải trải qua. Tất cả các báo cáo của HĐQT và BKS bản chất chỉ ra hoạt động tái cấu trúc, đến năm 2020 sẽ có 1 ngân hàng ổn định và giữ giá trị cổ phiếu ổn định.

Sau hơn một năm hợp nhất, cuối năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 98,6 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 43 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 57 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng dư nợ là 5,6%.

Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán cho biết, lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt 50,5 tỷ đồng. Lãnh đạo chia sẻ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, PVcomBank xác định mục tiêu cốt lõi là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu để phát triển an toàn, đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống. Trong năm 2015, PVcomBank đã tập trung hoàn thành các mục tiêu đã được NHNN thông qua tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cơ cấu đòi hỏi nhiều nguồn lực cần được bổ sung và các nỗ lực phải được triển khai đồng bộ, do vậy PVcomBank chưa thể tập trung ngay vào việc tăng trưởng nhanh các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận.

PVcomBank sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ngày 10/3/2016, NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.

Tháng 6/2016, ngân hàng PVcomBank cũng thay đổi Tổng giám đốc nhưng dường như ít được dư luận chú ý. Ông Nguyễn Hoàng Linh thôi chức Tổng giám đốc kể từ ngày 30/6 để giữ chức thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời ngân hàng bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Nam là phó tổng giám đốc thường trực làm Tổng giám đốc.

Có thể nói, SCB hay PVcomBank đều là những ngân hàng đi lên từ việc hợp nhất những TCTD yếu kém, họ đang trong quá trình “đau đớn” để tái cấu trúc. Cả hai ngân hàng liên tục khất cổ tức của cổ đông và hy vọng trong giai đoạn tái cấu trúc tiếp theo, ngân hàng sẽ gặt hái nhiều thành quả, lợi nhuận đi lên, tình hình tài chính ổn định, chi trả cổ tức, niêm yết trên sàn chứng khoán và đáp ứng được mong mỏi của cổ đông.

Kỳ tới: 5 cặp ngân hàng sáp nhập đến nay ra sao?

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên