MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19

29-09-2021 - 08:00 AM | Thị trường

Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19

Thương mại điện tử, F&B, logistics hay sản xuất được nhiều chuyên gia dự báo có thể sẽ bứt phát mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát, xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Một năm trước, việc kiểm soát dịch thành công khiến Việt Nam "ghi điểm", trở thành một trong những trung tâm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát cùng với các biện pháp phong toả kéo dài tại đầu tàu kinh tế TP HCM và các tỉnh lân cận, đang khiến tình thế thay đổi. Làn sóng Covid-19 thứ 4 chắc chắn để lại nhiều "di chứng" trong ngắn hạn nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc. Đặc biệt, thông điệp của Thủ tướng gần đây về việc "sống chung với Covid-19" là tin vui không chỉ với khối FDI mà rất nhiều doanh nghiệp trông đợi. Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, những ngành dưới đây được dự báo có thể bùng nổ.

Thương mại điện tử

​Theo dự đoán của DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, thị trường TMĐT B2B sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trong đó, đến năm 2025, 80% các giao dịch mua bán B2B giữa nhà cung cấp và người mua là doanh nghiệp sẽ diễn ra trên các kênh kỹ thuật số. Xu hướng tăng trưởng TMĐT toàn cầu chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với tốc độ số hóa và sự thay đổi hành vi mua hàng của thế hệ millennials (thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1984 - 1996). Đây cũng chính là những người mua hàng B2B chuyên nghiệp xét theo độ tuổi hiện nay.

Đại diện DHL Express cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển này nhiều hơn bao giờ hết, với mức tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp bán hàng trên các sàn thương mại quốc tế. Vì vậy, TMĐT và logistics toàn cầu là yếu tố chính giúp khơi thông những gián đoạn do tình trạng phong tỏa gây ra, duy trì hoạt động của các nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên khách hàng.

Tại Việt Nam, báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Năm 2020 con số này tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 - Ảnh 1.

F&B được kỳ vọng sẽ bứt phá nhanh sau khi hết giãn cách xã hội.

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B)

Nick Bunker, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Indeed chia sẻ trên Business Insider: "Các bộ phận của nền kinh tế vẫn bị tàn phá bởi đại dịch, khó có thể chữa lành bền vững cho đến khi Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn".

Tuy nhiên, ngành này đang được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Nhu cầu ăn uống, đi lại của người dân sẽ tăng cao sau các đợt giãn cách xã hội, thúc đẩy sự phục hồi của ngành dịch vụ F&B. Mặc dù vậy, hiện tại, biến thể Delta vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch mở cửa trở lại và thu hút khách hàng của các nhà hàng. "Tôi nghĩ rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang có động lực phục hồi. Mọi thứ đang trở nên tốt hơn, chỉ là tiến độ đã bị chậm lại bởi Delta", ông Bunker cho biết.

Tại Việt Nam, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành chịu sự tác động nặng nề nhất của đại dịch. Báo cáo tháng 9 của HSBC cho biết, trong tháng 8, khả năng đi lại của người dân TP HCM giảm gần 90%, khiến doanh số bán lẻ giảm mạnh 51% so với cùng kỳ 2020. Kinh tế thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung vào tháng 8 được đánh giá là "không tươi sáng". Giới F&B cảm nhận rõ điều đó, vì họ đã "ngủ đông" nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, giống nhận định của Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Indeed, nhiều chuyên gia Việt Nam cũng đánh giá, đây lại là một trong những ngành bứt phá mạnh nhất ngay khi Việt Nam chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Điều này được minh chứng vào đợt dịch năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng nhóm F&B trong tháng 3/2020 giảm 0,43% nhưng đã tăng 0,66% vào tháng 4, ngay khi hết giãn cách. Lý giải điều này, chủ các doanh nghiệp F&B cho rằng, nhu cầu ăn uống là bức thiết với mọi người, đặc biệt tại các thành phố lớn. Có nhiều thứ tích hợp trong một buổi ăn như nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, bàn công việc hay giải trí. Nó còn cấp thiết hơn sau khi mọi người xa cách nhau vì dịch.

Bên cạnh đó, Ngành F&B tại Việt Nam còn được đánh giá là rất tiềm năng khi doanh thu toàn thị trường rơi vào khoảng hơn 700 nghìn tỷ trong năm 2020, theo báo cáo của Euromonitor. Dự báo doanh thu của ngành F&B ở Việt Nam trong 2 năm tới có thể đạt quy mô gấp đôi. Dù chịu tác động khá nặng nề, song có 68,4% doanh nghiệp trong ngành cho rằng Covid-19 ở mặt tích cực đã tạo ra cú huých đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, các "ông lớn" trong ngành vẫn có khả năng thích nghi cao hơn. Điển hình như Golden Gate, 6 tháng đầu năm tập đoàn này vẫn nghi nhận doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay như Sabeco, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 13.087,5 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận gộp đạt gần 3.975 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.535 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp cảng biển - vận tải biển tiếp tục khởi sắc.

​Logistics và cảng biển 

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực nhất của Covid-19 tới kinh tế là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, khi các nền kinh tế bị chia cắt bởi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Tình trạng thiếu hụt container, quá tải tại các cảng biển đẩy chi phí logistics tăng vọt. Với nhà đầu tư, con số này ảnh hưởng mạnh tới kinh tế, nhưng cũng mở ra triển vọng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo dự báo "Ngành logistics toàn cầu năm 2021" của ResearchAndMarkets, thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, năm 2025, thị trường sẽ tăng tới 24% so với năm 2019, minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế sau đại dịch.

Tại Việt Nam, nửa đầu năm, doanh nghiệp vận tải, cảng biển đua nhau báo lãi. Theo sơ kết 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có hơn 6.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Kết quả tích cực trên nhờ các cảng biển thuộc VIMC đã đạt sản lượng vận chuyển gần 70 triệu tấn hàng, doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận đạt gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2020.

Tương tự, lãi ròng của Công ty Cảng Sài Gòn nửa năm qua cũng tăng 155%. Động lực chính đến từ tăng trưởng doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng. Doanh nghiệp này hiện vận hành các cảng như Tân Thuận và Tân Thuận 2, Nhà Rồng Khánh Hội, Sài Gòn - Hiệp Phước... Ngoài ra, các công ty liên kết như Cảng tổng hợp Thị Vải, Korea Express Cảng Sài Gòn, Dịch vụ Container Quốc tế CSG cũng mang về lợi nhuận tốt cho VIMC.

Không chỉ các cảng biển lãi đậm, đà tăng trưởng chung của ngành vận tải biển còn lan tỏa đến các doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh kho bãi, đội tàu. Bên cạnh đó, sự thay đổi thói quen người tiêu dùng, mua sắm online nhiều hơn, kéo theo sự phát triển thương mại điện tử cũng là đòn bẩy giúp logistics cảng biển thăng hoa.

Những ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Ngành sản xuất tìm Cơ trong Nguy thời dịch.

Ngành sản xuất

Tháng 7, tác động của đợt bùng phát thứ tư được Tổng cục Thống kê (GSO) đánh giá là "ảnh hưởng tiêu cực" đến sản xuất công nghiệp - một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Tháng 8, nhận xét này được thay đổi thành "ảnh hưởng nặng nề". Con số này làm bức tranh kinh tế quý III trở nên khó đoán định, khi tháng 7, sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nhìn hướng tích cực, dù phía Nam đình trệ sản xuất nhưng nhiều địa phương khác bắt đầu phục hồi sản xuất nhờ kịp thời ngăn chặn sự lan rộng của đại dịch. Trong tháng 8, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh đều ghi nhận tăng trưởng của sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI nối lại hoạt động giúp một số ngành quan trọng như sản xuất hàng điện tử, dệt may phục hồi một phần.

Bước sang tháng 9, dự báo ngành này trở nên tươi sáng hơn. Việc Chính phủ đẩy mạnh tiêm chủng và dần kiểm soát dịch bệnh có thể tạo điều kiện cho Việt Nam mở cửa vào tháng 1/2022 giúp ngành sản xuất được dự báo sẽ phục hồi nhanh, về mức trước giãn cách vào cuối quý IV/2021 hoặc sang quý I/2022.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên