Những nguyên tắc giáo dục kỳ lạ ở Nhật Bản: Không mặc áo khoác khi trời rét chưa là gì so với quy định đồ lót phải cùng màu
Trường học nào cũng có quy tắc, nhưng không phải quy tắc trường học nào cũng độc - lạ, có đôi khi là hà khắc một cách thái quá như tại Nhật Bản. Nhật Bản tồn tại hẳn một thuật ngữ là “Buraku Kousoku” (hắc nội quy) để chỉ các quy tắc hà khắc trong trường học ở xứ sở hoa anh đào.
- 03-02-2023Tuổi thọ trung bình của người Thượng Hải xếp ngang ngửa với Nhật Bản, thói quen ăn sáng của họ rất đáng học hỏi
- 03-02-2023Cô gái vô dụng nhất Nhật Bản – người sáng tạo ra thiết bị nâng ngực tự động, khẩu trang trả đúng khuôn hình: “Mọi người cho là vô dụng, nhưng tôi thấy vui là được!”
- 03-02-20238 ngôi nhà không chịu di dời khiến sân bay quốc tế Nhật Bản hơn 50 năm không thể 'hoàn thành'
Được biết, thuật ngữ “Buraku Kousoku” xuất hiện từ những năm 1870 khi chính phủ Nhật Bản thiết lập quy chế giáo dục có hệ thống đầu tiên và ngày càng trở nên nghiêm ngặt vào những năm 70, 80 nhằm giảm thiểu tình trạng bắt nạt và bạo lực trường học. “Buraku Kousoku” bao gồm các quy định về màu sắc nội y, tất, chiều dài váy và cả hình dáng lông mày của nữ sinh. Dưới đây là một số "hắc nội quy" chỉ có ở nền giáo dục Nhật Bản.
Yêu cầu học sinh mặc... quần lót cùng màu
Hầu hết các trường học ở Nhật đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục và thường cũng có quy định về kiểu cặp sách, dây buộc tóc mà học sinh phải tuân theo. Nhưng có lẽ quy định mà nhiều người thấy khó hiểu nhất chính là yêu cầu học sinh phải mặc đồ lót đúng màu.
Mặc dù không phải trường nào cũng có quy định như thế, nhưng số trường học áp dụng cũng không phải là ít. Theo một khảo sát của Hiệp hội Luật sư tỉnh Saga, có đến 13/22 trường trung học cơ sở công lập ở thành phố Saga có quy định về đồ lót của học sinh.
Quy định mà nhiều người thấy khó hiểu nhất chính là yêu cầu học sinh phải mặc đồ lót đúng màu
Tương tự, hội đồng giáo dục của tỉnh Nagasaki cũng đã phát hiện ra rằng gần 60% các trường trung học và trung học cơ sở công lập trong khu vực yêu cầu học sinh mặc đồ lót màu trắng. Theo lý giải, nhà trường yêu cầu học sinh phải mặc đồ lót đơn giản để không gây sao lãng hoặc góp phần tạo ra không khí không lành mạnh. Đồ lót, nhất là áo lót, cần là màu trắng, vì đó là màu ít “lộ” nhất khi mặc bên trong đồng phục.
Thậm chí theo NHK đưa tin, để kiểm tra xem học sinh có tuân thủ quy định hay không, một số giáo viên đã bắt các em xếp hàng ở hành lang và cởi áo của các em.
Trước quy tắc đó, cả Hiệp hội Luật sư lẫn nhiều người khác đều chỉ trích các trường học này về cách làm của họ. “Yêu cầu ai đó cho xem đồ lót của họ chính là một kiểu xâm phạm quyền con người. Đây là điều không thể chấp nhận, đơn giản vì trong trường hợp này, mệnh lệnh lại được nhằm vào một người nhỏ tuổi”, hiệp hội Luật sư khẳng định.
Cởi áo ngực trong tiết thể dục
Theo Nippon TV, một số trường tiểu học ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa yêu cầu học sinh cởi bỏ quần áo trong trước khi thay quần áo thể dục vì cho rằng quần áo lót đẫm mồ hôi là không hợp vệ sinh. Nếu học sinh cảm thấy không thoải mái và muốn mặc đồ lót, các em phải được sự đồng ý của giáo viên.
Kazumi Uchida - một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu, từng làm việc tại một trường học ở tỉnh Aichi, nơi thực thi quy tắc không mặc quần áo lót trong giờ học thể dục, nhớ lại nếu một học sinh bị bắt gặp mặc đồ lót, giáo viên sẽ đưa đứa trẻ trở lại lớp để cởi nó ra.
“Khi bản thân các giáo viên còn trẻ, họ phải tuân theo các quy tắc giống hệt nhau mà nhà trường đặt ra cho học sinh. Chính vì lý do đó, nên họ không thấy lạ”, cô nói với VICE World News.
Không chỉ có vậy, một phụ huynh có con gái học tại một trường tiểu học ở phía nam Osaka từng chia sẻ, trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục thể dục của trường bất cứ khi nào không ở nhà, chẳng hạn như khi đến nhà hàng, mua sắm và đi khám bệnh. Đồ lót, kể cả áo ngực, đều bị cấm. Nhà trường nói với Kimura rằng điều này được thực hiện để giáo viên có thể dễ dàng xác định học sinh hơn khi chúng gặp rắc rối và điều đó sẽ ngăn chúng phạm tội.
Cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa
Thầy Sugiyama - cựu giáo viên cấp hai đã từng dạy ở 5 trường khác nhau trong 11 năm tại thành phố Shizuoka, cách Tokyo khoảng 150km về phía Tây Nam. Thầy cho biết tất cả các trường đều cấm để tóc đuôi ngựa. Sugiyama đã nhiều lần lên án, kêu gọi các trường học khai tử các quy tắc cũ kỹ, phân biệt giới tính, hạn chế học sinh thể hiện bản thân.
Cũng theo chia sẻ của Sugiyama, việc cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa tương tự quy định nữ sinh nên mặc nội y trắng nhằm tránh bị lộ qua lớp đồng phục.
“Họ lo ngại các nam sinh sẽ nhìn vào các bạn học nữ. Điều này tương tự với quy định yêu cầu nữ sinh phải mặc nội y màu trắng để không bị lộ qua lớp áo đồng phục. Tôi luôn phản đối các quy tắc này. Nhưng do thiếu các tiếng nói phản đối và việc điều này trở nên hết sức bình thường, các học sinh không còn cách nào khác ngoài chấp nhận”.
Học sinh Nhật Bản bị cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa
Một cuộc khảo sát năm 2020, do Hiệp hội luật sư Fukuoka thực hiện, cho thấy khoảng 10% các trường tại khu vực miền nam Nhật Bản áp dụng quy định cấm buộc tóc đuôi ngựa.
Trước sự phản đối kịch liệt của học sinh và phụ huynh, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả các hội đồng giáo dục trực thuộc sửa đổi những quy định hà khắc. Một số trường đã hành động, nhưng tư tưởng kéo dài hàng thập kỷ không thể thay đổi nhanh chóng.
Yêu cầu học sinh chứng minh tóc không uốn, nhuộm
Đài truyền hình NHK đưa tin gần một nửa số trường trung học ở Tokyo yêu cầu học sinh có mái tóc gợn sóng hoặc không đen nộp giấy xác nhận đó là tóc chưa qua sử dụng hóa chất. Theo đó, trong số 177 trường trung học do chính quyền thủ đô Tokyo điều hành, 79 trường yêu cầu các giấy chứng nhận có chữ ký của phụ huynh.
Hội đồng Giáo dục Tokyo nói với đài NHK rằng giấy chứng nhận này là không bắt buộc. Tuy nhiên, theo đài truyền hình, chỉ có 5 trong số 79 trường nói rõ bằng văn bản rằng học sinh không bắt buộc phải nộp chúng.
Đa phần người Nhật có tóc màu đen, nhưng không phải không có ngoại lệ. Đó chính là câu chuyện một cô gái ở Osaka (hiện 21 tuổi). Năm 2017, cô đã kiện trường cũ vì từng bắt cô phải nhuộm đen màu tóc nâu bẩm sinh của mình. Cô đòi bồi thường 2,2 triệu yên (hơn 493 triệu đồng) cho những tổn thương về tinh thần.
Gần một nửa số trường trung học ở Tokyo yêu cầu học sinh có mái tóc gợn sóng hoặc không đen nộp giấy xác nhận đó là tóc chưa qua sử dụng hóa chất
Cụ thể, khi nhập học vào năm 2015, cô nhiều lần được nhà trường yêu cầu nhuộm tóc nâu thành đen. Dù cô khẳng định tóc mình có màu nâu tự nhiên, nhà trường nói rằng 3 giáo viên đã kiểm tra chân tóc của cô gái và nhận thấy chúng có màu đen. Đó là bằng chứng cho thấy cô nhuộm tóc.
Theo cô gái, nhà trường còn tuyên bố cô không cần đến trường nữa nếu không chịu nhuộm tóc đen trở lại. Sau đó, cô gái bỏ học vì uất ức và đau khổ. Phía nhà trường cũng xóa tên cô khỏi danh sách học sinh.
Không được mặc áo khoác dù trời rét cóng
Một số trường học ở Tây Nam Nhật Bản thời gian qua ban hành quy định hạn chế về quần áo mùa đông cho học sinh. Vì nội quy này nghiêm khắc theo cách quá vô lý nên nó đã gây ra một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội.
Vào giữa tháng 1, mọi người đã chứng kiến cảnh một học sinh 17 tuổi là học sinh trung học ở thành phố Kagoshima đang đi bộ trong tiết trời đông lạnh giá, duy chỉ mặc mỗi một bộ đồng phục có cổ đứng. Được biết, vì sợ giáo viên trách phạt, nên cậu đã không dám mặc áo khoác và cố gắng chịu cái rét trong chiếc áo len cùng đồ lót dày.
Hóa ra, một đoạn trong quy định của trường nam sinh này có viết: “Chúng tôi cấm học sinh mặc áo khoác ngoài, áo liền quần... Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho những trường hợp đặc biệt (ốm đau, lý do khác)”.
Một số trường học ở Tây Nam Nhật Bản thời gian qua ban hành quy định hạn chế về quần áo mùa đông cho học sinh
Theo Mainichi Shimbun, không ít cơ sở giáo dục cũng đặt ra nguyên tắc này cho học sinh kèm theo sự phân biệt giữa nam và nữ. Trong nội quy của một trường ghi rõ: “Nam sinh không được phép mặc áo khoác và các trang phục bên ngoài khác. Tuy nhiên, trong trường hợp đi xa hoặc bị ốm, các em có thể xin phép nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm. Riêng nữ sinh, nhà trường cho phép các em mặc áo khoác, miễn là áo khoác do nhà trường chỉ định”.
Tổng hợp
Thể thao văn hóa