Những nước nào đang 'nuôi mộng' tiền kỹ thuật số quốc gia?
Trung Quốc hiện là quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Ảnh: Reuters
Giảm sử dụng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả, đồng thời xác định vị thế của ngân hàng trung ương trong cuộc chạy đua số… là những lý do khiến nhiều quốc gia đang thúc đẩy việc phát hành tiền kỹ thuật số.
- 19-01-2021Tiền kỹ thuật số có thực sự là tiền?
- 23-12-2020Singapore mở sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đầu tiên
- 15-12-2020Tiền kỹ thuật số đang là xu thế của Ngân hàng Trung ương các nước
Thời gian vừa qua, nhiều quốc gia mới nổi đã bắt đầu chính thức tung ra tiền điện tử trước các nước lớn khác, nhằm mở rộng tiếp cận đối với các dịch vụ tài chính và củng cố niềm tin đối với đồng tiền của họ.
Vào năm ngoái, ngân hàng trung ương Bahamas (CBB) của Bahamas, một quần đảo với vỏn vẹn 390.000 dân ở vùng Caribean (Trung Mỹ), thông báo triển khai tiền số Sand Dollar trên toàn quốc.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia triển khai một công nghệ có thể làm khuynh đảo ngành ngân hàng thương mại, thậm chí làm lung lay vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền của thế giới trên thực tế.
Sand Dollar là phiên bản số hóa của đồng đô la Bahamas truyền thống, có tỷ giá neo theo đồng USD. Sau khi ra mắt 1 thời gian, tiền số Sand Dollar bắt đầu được đón nhận tích cực.
Một trong những mục đích chính của Bahamas khi phát hành tiền số Sand Dollar là thúc đẩy sự tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân ở một quần đảo, nơi có 700 đảo lớn nhỏ gồm nhiều đảo nằm ở những vị trí xa xôi, gây ra những thách thức an ninh cho việc vận chuyển tiền mặt an toàn. Giảm chi phí thanh toán cũng là một vấn đề quan trọng.
Sau gần 6 năm nghiên cứu và phát triển, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ thử nghiệm đồng DCEP tại hai thành phố lớn của mình.
DCEP sẽ trở thành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, đại diện cho đồng tiền pháp định của Trung Quốc trên nền tảng blockchain. Mục tiêu của DCEP chính là thay thế tiền giấy đang lưu hành trên thị trường, với bản chất là 1 công cụ thanh toán.
Khả năng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ đi vào lưu thông trong năm 2021. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nộp hơn 100 đơn đăng ký bằng sáng chế cho một loại tiền kỹ thuật số và đã giám sát một loạt các thử nghiệm, đưa đồng nhân dân tệ điện tử vào sử dụng ở một số thành phố và trên một số ứng dụng.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt buộc tất cả các nhà giao dịch đang chấp nhận việc thanh toán kỹ thuật số (thông qua Apple Pay, AliPay và WeChat) phải chấp nhận đồng DCEP. Điều này sẽ làm cho DCEP trở thành loại tiền kỹ thuật số được chấp nhận nhiều nhất trên thế giới.
Cũng trong năm ngoái, chính phủ Thụy Điển đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của việc quốc gia này sẽ chuyển sang sử dụng tiền kỹ thuật số thay cho tiền mặt.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Per Bolund thông báo, nước này đã cho triển khai một cuộc thử nghiệm quy mô lớn liên quan tới sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đang chạy một dự án thử nghiệm với Công ty tư vấn quốc tế Accenture Plc để đưa vào giới thiệu đồng Krona điện tử dựa trên cùng một công nghệ blockchain.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển Stefan Ingves cho biết, bất kỳ quyết định nào về việc có phát hành đồng e-krona điện tử hay không vẫn cần phải được thực hiện ở "cấp độ chính trị".
Thực tế không chỉ Thụy Điển, tiền kỹ thuật số đang trở thành trào lưu của các ngân hàng Trung ương các nước. Trước đó, các cơ quan tài chính của một số quốc gia, bao gồm Pháp, Nga và Liên minh châu Âu (EU) có sáng kiến phát triển một loại tiền quốc gia kỹ thuật số.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh, tiền quốc gia kỹ thuật số sẽ trở thành một xu thế.
"Tôi nghĩ xu hướng này sẽ sớm xảy ra. Nhiều quốc đảo đã phát hành tiến kỹ thuật số ở cấp ngân hàng Trung ương. Do đó việc các ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số sẽ là xu thế mới. Có thể nó sẽ không phổ biến ngay vì cần giai đoạn thử nghiệm nhưng là xu hướng khó tránh", bà Christine Lagarde bày tỏ.
Mới đây, Chủ tịch FED Boston Eric Rosengren cho biết ông không thể thấy tương lai lâu dài cho Bitcoin (đồng tiền kỹ thuật số có giá trị nhất thế giới), khi mà các ngân hàng trung ương cũng đang có kế hoạch ra mắt những đồng tiền điện tử riêng.
"Một số ngân hàng trung ương sẽ có tiền điện tử riêng. Khi đó, không rõ lý do gì để mọi người sử dụng Bitcoin nữa, trừ các nền kinh tế ngầm. Theo thời gian, giá của Bitcoin sẽ chịu áp lực lớn hơn", ông Rosengren nói.
Ông Rosengren lưu ý rằng Trung Quốc và Thụy Điển đều có quan điểm tốt về tiền tệ kỹ thuật số và Fed Boston cũng đang nghiên cứu khả năng này cho Mỹ.
Trong đầu năm nay, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell xác nhận sẽ xem xét kỹ kế hoạch phát triển tiền USD điện tử, trong bối cảnh đồng tiền này đang đóng vai trò quan trọng với kinh tế toàn cầu.
Nhà đầu tư