Những sai lầm khiến dân sales dù giỏi đến mấy cũng không thể lên làm quản lý
Một nhân viên dù bán hàng giỏi, nhưng có tư duy hạn chế về nghề, sẽ khó lòng trưởng thành để tự mở công ty riêng.
- 06-03-2018Bí quyết trở thành nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam của FPT Shop: Sales kiêm luôn công việc của anh kỹ thuật, chị kế toán, mỗi nhân viên đem về 2,2 tỷ đồng doanh thu
- 23-02-2018Để chỉ đạo đội sales thật tốt, các ông chủ hãy biết cách nắm bắt chỉ số này
- 25-01-2018Những khái niệm bị hiểu và áp dụng sai về sales
Thông thường, một nhân viên sales đi vào làm một thời gian tại doanh nghiệp, vươn lên từ vị trí thấp nhất leo dần lên các nấc thang quản lý và sau cùng thì nhân viên đó thấy mình đủ trình độ đi làm công ty riêng và bắt đầu làm quen đứng mũi chịu sào tại doanh nghiệp của chính mình.
Việc này không có gì là lạ, và tại công ty của tôi, thậm chí tôi còn khuyến khích các em có giấc mơ như vậy, đó là chưa kể nếu các em cần gì thì cứ báo tôi sẽ hỗ trợ hết mình để các em thực hiện giấc mơ đó. Tuy nhiên, thời gian từ lúc tôi mở công ty của mình tới giờ đã 15 năm, tôi mới thấy có 2-3 em đủ khả năng mở công ty riêng, dù rằng số lượng nhân viên sales làm từ tối thiểu 2 năm (thời gian đủ để các em có kinh nghiệm làm quản lý) trở lên ở công ty tôi khá đông.
Tôi không phủ nhận có một số ít nhân viên từ ngày đầu tiên vào làm đã có tư duy rất chuẩn tắc, tuy nhiên đa số lại gặp vấn đề trong lối nghĩ. Lối nghĩ sai lầm đó được đặc trưng bởi một số kiểu như sau:
1. "Hết giờ là hết việc", là nhân viên thì không việc gì phải cố cả, bao giờ công ty cho lên cấp quản lý thì mình sẽ cố gắng đúng với mức đó và rồi sẽ học để trở thành ông chủ đúng nghĩa. Còn giờ thì cứ 5h chiều là về đi ngủ đã, có làm thêm cũng được gì đâu?
2. Từ khi làm, các em không mấy quan tâm tới việc tự làm mà chỉ mong sớm có danh để tự tin ra làm. Cái danh không giúp được gì nếu cái thật không có bên trong.
3. Các em bị cuốn theo lối tư duy của các bạn đồng ngiệp, những người vốn coi công việc sales là để "kiếm sống" đúng nghĩa, tức là chỉ làm cho hết giờ còn về, cuối tháng nhận lương và không phải rút tỉa kinh nghiệm làm gì cho mệt. Trong lúc đó đáng lý ra các em phải quan sát và tìm hiểu cách suy nghĩ của ông chủ công ty mới đúng.
4. Các em có tìm hiểu tư duy của các ông chủ nhưng lại tìm cách diễn giải nó theo cách rất tiêu cực, ví dụ như: "nó làm thế để mình phải làm thêm, nó được rảnh, đi chơi" hoặc "ông hất hết phần chịu thiệt cho nhân viên để ông được ăn cả!" trong khi hoàn toàn không nhìn thấy sự hy sinh của ông chủ khi ông ấy làm thêm ngoài giờ với cường độ gấp cả chục lần mình! Và tạo ra giá trị hiển nhiên lớn hơn gấp bội.
5. Do hạn chế bởi tầm nhìn, các em chỉ tìm cách lý giải hoạt động tạo giá trị của công ty như kiểu "tiền vào chỗ này, tiền ra chỗ kia". Trước đây, tôi có một em nhân viên nữ vốn rất khá về kỹ năng, nhưng chỉ một lần nghe về tư duy của em là tôi đủ hiểu em khó mà khá lên được khi em nói "cờ cơm bạc gạo, mở công ty thì cũng chỉ thò tay ra móc túi người khác, trong khi người khác lại đi móc túi người khác nữa mà thôi!". Như vậy thì cả công ty chỉ là sự lợi dụng người làm công không thể nào khá lên được.
6. Tự hạn chế level của mình: Có những em rất nhanh lên được vị trí quản lý, nhưng chỉ tới đó thôi là mọi nỗ lực, ham muốn, tham vọng cố gắng của em cũng dừng lại luôn! Thậm chí có em khi tôi nói nên mở rộng đội ngũ của mình từ 5 thành 10 em vì địa bàn còn tiềm năng và sản phẩm mở rộng thì cũng từ chối. Em viện đủ lý do, nhưng trên hết qua nhiều lần test thử tôi hiểu em chỉ muốn an phận ở mức đó mà thôi. Đúng kiểu "tới lúc phải khoe với đời" về chức vị của em rồi. Hài lòng sớm thực sự là cái vòng kim cô của khá nhiều bạn trẻ ngày nay!
Tất cả những trường hợp này, nói không ngoa, dù có thuận lợi tới đâu trong việc mở công ty cũng chỉ dừng ở một số thành công nhất định, vì khi đó em vẫn chỉ là "một nhân viên" được đặt trên vị trí Giám đốc. Cả tầm nhìn và cách làm sẽ chỉ làm một thứ duy nhất gia tăng đó là sự ích kỷ của chính mình!
Tôi và một số em nhân viên tốt tại công ty đang lên kế hoạch để góp vốn cùng nhau theo từng mặt hàng. Các dấu hiệu kể trên giúp tôi có tiêu chí phân biệt rất tốt những người nào nên cho góp và người nào thì không.
Nhịp Sống Kinh tế