MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện tài chính sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 10

01-10-2023 - 17:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Những sự kiện tài chính sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 10

Chính phủ Mỹ nguy cơ phải đóng cửa, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc China Evergrande đứng bên bờ vực và các thị trường vẫn biến động dưới tác động từ xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn được điều chỉnh tăng trong thời gian dài.

Quý cuối cùng của năm 2023 sẽ khởi động với những vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ diễn ra các cuộc họp của nhiều ngân hàng trung ương, từ Úc đến Ba Lan, và dữ liệu việc làm của Mỹ - luôn được thị trường theo dõi chặt chẽ.

Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trên thị trường thế giới trong tuần 1-6/10:

1/ ‘Nóng’ vấn đề đóng cửa Chính phủ Mỹ

Nền kinh tế số 1 thế giới nguy cơ có thể xảy ra một đợt đóng cửa chính phủ khác, điều này sẽ ảnh hưởng thêm đến xếp hạng tín dụng của nước này, làm trầm trọng hơn nữa sự biến động của thị trường. Hàng trăm nghìn công chức liên bang sẽ phải nghỉ phép và một loạt dịch vụ sẽ tạm dừng nếu Quốc hội không thông qua đạo luật mà Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden có thể ký thành luật.

Trong nỗ lực phút chót nhằm tránh viễn cảnh chính phủ phải đóng cửa một phần vào ngày 1/10 giờ địa phương, Hạ viện Mỹ ngày 30/9 đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời. Dự luật trên do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách cho chính phủ trong vòng 45 ngày, nhưng không bao gồm khoản hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Dự luật đã được thông qua với 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống.

Dự kiến dự luật sẽ được trình lên Thượng viện để bỏ phiếu thông qua trước khi được Tổng thống Joe Biden ký ban hành, qua đó tạm thời ngăn chặn viễn cảnh chính phủ phải đóng cửa một phần cho tới giữa tháng 11. Nếu dự luật không được thông qua tại Thượng viện, vào đúng 0 giờ 1 phút ngày 1/10 theo giờ địa phương, chính phủ Mỹ sẽ chính thức đóng cửa một phần.

Mặc dù được gia hạn tạm thời, xong Moody's nhận định khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sự phân cực chính trị ở Washington đang làm suy yếu việc hoạch định chính sách tài khóa như thế nào. Điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, nếu các dữ liệu kinh tế Mỹ bị trì hoãn công bố do Chính phủ đóng cửa.

Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà kinh tế ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 150.000 việc làm trong tháng 9 so với 187.000 trong tháng 8. Nếu dữ liệu công bố cho thấy con số cao hơn ước tính trên thì có thể sẽ củng cố lập trường của Fed là lãi suất 'cao hơn trong thời gian dài hơn' - đang gây tổn hại cho thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 9 ước tính tiếp tục giảm.

2/ Ngân hàng Úc và New Zealand họp về lãi suất

Thống đốc mới của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Michele Bullock, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu ngân hàng nước này, sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên vào thứ Ba (3/10).

Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi các tín hiệu từ bà Bullock, được biết đến là một người thẳng thắn, về việc liệu RBA có thực hiện xong việc tăng lãi suất hay không? Hay liệu có thể tăng lãi suất nhiều hơn sau khi một số dấu hiệu lạm phát âm ỉ trong lĩnh vực dịch vụ? Nhìn chung thị trường nhận định là RBA sẽ tạm dừng tăng lãi suất.

Tất nhiên, Trung Quốc là một rủi ro khác đối với nền kinh tế Australia: lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ đã ‘bật đèn đỏ’ cho hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô của Australia. Nhìn chung thị trường hiện không có cơ hội nhìn thấy những gì Bắc Kinh đang làm để thúc đẩy lĩnh vực này vì Trung Quốc nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài một tuần.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ họp vào thứ Tư (4/10). Bất chấp sự thành kiến, ngân hàng này vẫn giữ quan điểm thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu dài. Dự kiến ngân hàng này giữ nguyên lãi suất trong tháng 10, nhưng những dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ là sơ sở để có thể có một động thái thắt chặt vào tháng 11.

Tỷ lệ lãi suất và lạm phát của Úc.

3/ Các thị trường hàng hóa và chứng khoán biến động mạnh

Thị trường bắt đầu quý cuối cùng quan trọng của năm sau khi mấy tháng qua có nhiều sự thay đổi, chủ yếu do giá dầu tăng 30%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu Bund Đức - thường là vật cản chính của danh mục đầu tư hàng hóa – đã khiến các nhà đầu tư phải trả phí từ 5,5% đến 6,5% trong quý 3. Ngay cả vàng cũng mất đi độ lấp lánh khi mất mát lớn trong cả tháng 9 cũng như quý 3, có nghĩa là đồng đô la thực sự là phương tiện an toàn duy nhất ở thời điểm này.

Những nhà đầu tư cổ phiếu giá lên cũng đã bị thua lỗ. Chứng khoán thế giới vẫn tăng ngoạn mục (8%) trong năm nay, nhưng đã giảm gần 5% trong tháng 9 khiến cổ phiếu ngay cả của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu cũng đảo chiều.

Tuy nhiên, quý 4 được kỳ vọng sẽ mang đến một mùa thu nhập khác với đợt bùng nổ cổ phiếu AI vẫn còn tiếp diễn.

Kết quả lợi nhuận đầu tư các loại hình tài chính từ đầu năm 2023 đến nay.

4/ Năm ‘được mùa’ trái phiếu

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao như thế nào là trọng tâm theo dõi của các nhà đầu tư sau một đợt bán tháo khác trên thị trường.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2007, khi các nhà đầu tư tiếp thu thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang rằng lãi suất sẽ ở mức cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát.

Điều đó cũng làm đường cong lợi suất tăng mạnh, vì lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài đang tăng nhanh hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn.

Sự gia tăng lợi suất đã cản trở thị trường chứng khoán trong khi giúp đẩy đồng đô la lên mức cao nhất trong gần một năm.

Ngân hàng ING cho rằng mức lợi suất 5% đối với trái phiếu kho bạc Mỹ và 3% đối với trái phiếu kho bạc Đức kỳ hạn 10 năm “có vẻ ngày càng có khả năng xảy ra”.

Ở mức khoảng 2,9%, lợi suất trái phiếu Đức đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2011.

Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

5/ Ngân hàng Ba Lan họp bàn chính sách lãi suất

Đầu tháng 9, thống đốc ngân hàng trung ương Ba Lan Adam Glapinski đã khiến thị trường choáng váng. Ông đã đưa ra mức cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, lớn hơn nhiều so với dự kiến, xuống còn 6% cho nền kinh tế lớn nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, nơi lạm phát vẫn ở mức hai con số.

Động thái này đã khiến đồng zloty giảm mạnh vào thời điểm Ba Lan sẽ tiến hành cuộc bầu cử vào ngày 15 tháng 10.

Do chi phí sinh hoạt là một yếu tố quan trọng đối với cuộc bầu cử, việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho những người đang gặp khó khăn với việc trả nợ thế chấp.

Nhưng điều đó cũng làm tăng thêm áp lực về mặt tài chính kết hợp với vô số lời hứa khi bầu cử, bao gồm các cam kết chi tiêu hào phóng trên mọi lĩnh vực chính trị, làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng lạm phát.

Vào thứ Tư (4/10), các nhà hoạch định chính sách Ba Lan sẽ họp để quyết định bước tiếp theo về lãi suất.

Diễn biến lạm phát và lãi suất của Ba Lan.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhip sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên