MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tấm thẻ đại biểu bằng giấy tái chế và câu chuyện về phát triển bền vững tại Việt Nam

Những tấm thẻ đại biểu cho Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 sáng 12/9 đều được làm bằng giấy tái chế thay vì giấy cứng, lồng trong tấm bọc bằng plastic như trước đây. Trong hội trường, nước đóng chai cũng không xuất hiện như một nỗ lực thể hiện ý thức, quyết tâm "sống xanh".

Ngày cực hạn của Trái đất sắp đến 

Phát triển kinh tế bền vững không phải là chủ đề mới. Nó thường được nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây, khi mà con người đang đối diện với những hậu quả từ việc bất chấp tất cả để phát triển kinh tế.

Suốt một thời gian dài, nhân loại đã tư duy việc sản xuất theo hệ thống tuyến tính: Khai thác, sản xuất, kết thúc vòng đời sản phẩm rồi trả về môi trường. Đường thẳng này dẫn đến hiện tượng nhu cầu của nhân loại càng lớn, nguồn tài nguyên càng hạn hẹp. Hoạt động sản xuất vì thế không bền vững, rác thải trở thành vấn nạn đau đầu.

"Ngày vượt hạn của Trái đất đang đến gần. Cần 1,75 trái đất để đáp ứng nhu cầu của nhân loại", bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng Phát triển bền vững Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam nói.

Tại Việt Nam, ngày 8/10/2019 chính là ngày cực hạn đó. Chính vì vậy, đại diện của công ty này nhấn mạnh cộng đồng cần phải hành động: Cần những sáng kiến cho một nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện điều này.

Theo đó, rác thải sẽ không chỉ là rác thải. Nó cần được xem là nguyên liệu thứ cấp và có một vòng đời mới. Việc sản xuất cũng cần sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường. Con người cũng cần học hỏi từ thiên nhiên, tìm kiếm những quy trình có tính tái sinh nhiều nhất có thể.

Ông Nguyễn Hoàng Nam đến từ Bộ Tài Nguyên & Môi trường nói rằng khái niệm kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng chính thức ở Việt Nam. Tuy nhiên, những ý niệm có hình dáng như vậy thì đã có từ những năm 1998 với nhiều chính sách liên quan.

Ông Nam liệt kê các mô hình: VAC (vườn – ao – chuồng), VRAC (vườn – rừng – ao – chuồng) hay các cụm từ 3R, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng, chuỗi cung ứng, tiêu dùng xanh... như những biểu hiện của kinh tế tuần hoàn đã được hiện thực hoá tại nền kinh tế 96 triệu dân.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng thêm tính hiểu biết về nền kinh tế này. Nó không chỉ là tận dụng nguyên vật liệu, sản phẩm từ chỗ này sang chỗ khác mà được lập kế hoạch và thực thi ngay từ ban đầu để tối đa hoá hiệu quả quá trình.

Các nhà sản xuất theo đó cũng phải đổi mới quan điểm. Mặt khác, nỗ lực cũng cần đến từ những người lập pháp.

"Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường", ông Nam trích dẫn lại nhận định của một tổ chức quốc tế. Kèm với đó, ông cũng đưa ra hình ảnh những đứa trẻ với tấm biển: "Em chọn cá tôm", gợi nhớ sự cố ô nhiễm miền Trung năm 2016.

Những tấm thẻ đại biểu bằng giấy tái chế và câu chuyện về phát triển bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tham gia ở mức nào?

Ngoài tham luận của Heneiken, phần thuyết trình còn có sự tham gia của 2 doanh nghiệp lớn khác là Tập đoàn Unilever và công ty sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam.

Ông Đỗ Thái Vương, đại diện của Unilever Việt Nam đã nói đến vấn đề quản lý rác thải nhựa. Ông cho biết tại thị trường Việt Nam, mỗi ngày có 35 triệu sản phẩm của Unilerver được tiêu thụ. Lượng khách hàng của Tập đoàn này trên toàn cầu là 2,5 tỷ.

Chính vì vậy, ông Vương khẳng định việc quản lý, xử lý liên quan đến bao bì, rác thải nhựa là thứ được tập đoàn rất quan tâm. Rác thải nhựa theo ông cũng đang mở ra một tương lai hứa hẹn cho ngành công nghiệp tái chế.

Ông cho biết hiện Unilever đang tập trung vào 3 chiến lược: giảm thiểu rác thải nhựa, dùng nhựa tốt hơn và không sử dụng bao bì nhựa.

Còn với Lee & Man, ông Patrick Chung Tổng Giám đốc cho biết doanh nghiệp này đã cải thiện được việc sử dụng nguyên liệu tái chế trong thời gian vừa qua.

"Tôi không thích từ rác. Nếu không sử dụng mà chôn lấp chúng là lãng phí tài nguyên. Hãy đưa chúng trở lại, chia sẻ với khách hàng", ông nói.

Hiện tỷ lệ tái chế giấy tại Mỹ là 70 – 80%, Thuỵ Sỹ là hơn 80%, tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ đang ở ngưỡng 50 – 55%, tạo ra một khoảng trống.

Do vậy, doanh nghiệp này đang tập trung khai thác đoạn thị trường này khi nó mang lại đồng thời lợi ích cho cả doanh nghiệp và môi trường.

Đơn cử, 1 tấn bột giấy nguyên liệu làm từ gỗ sẽ tiêu tốn 23 cái cây, rất nhiều nước và hoá chất, phụ dẫn khác. Trong khi nếu dùng một nguyên liệu tái chế, tính riêng về nước, 35% nước được tiết kiệm.

Nhưng tái chế là không đủ, ông Patrick Chung cho rằng cần quan tâm thêm cả khâu xử lý chất thải, đảm bảo an toàn khi phát thải ra môi trường.

Những tuyên bố của các đại diện doanh nghiệp tham gia tham luận đều thể hiện quyết tâm hướng đến một nền kinh tế xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Dù vậy, trong phần chia sẻ đó, dường như vẫn là "sân chơi" của các ông lớn. Trong khi, thực tế là 98% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ. Và phát triển bền vững không chỉ là câu chuyện của một vài cá nhân. 

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên