MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cướp đá granit ở Nhật, tụ tập ăn lá hẹ ở Nga để "phòng dịch Corona": Đừng để tư duy số đông tác động lý trí, đẩy bạn vào "cửa tử"

24-03-2020 - 22:59 PM | Sống

Tin giả gây nhiễu đang trở thành đại dịch đáng sợ không kém COVID-19. Ngay cả các nước lớn như Nhật và Nga cũng xuất hiện vô số các loại thuốc chữa bệnh “thần kỳ” được lan truyền mạnh mẽ như hẹ, đá granite, đậu tương lên men...

Trong tình trạng cả thế giới đều bị kìm hãm bởi nỗi sợ hãi dịch COVID-19 bùng phát, những tin đồn vô căn cứ trên mạng đã và đang trở thành những hiểm họa khó lường, tác động rất lớn tới tâm lý của người dân. Tình trạng này xuất hiện ở cả các nước phát triển, nơi được đánh giá là có chất lượng dân trí cao như Nhật Bản, Nga...

Tại Nhật, tình trạng tin giả đã lan nhanh đến nỗi Bộ y tế và Công ty an ninh mạng Trend Micro đã phải lên tiếng kêu gọi người dân thận trọng khi nhận các tin nhắn nặc danh, ví dụ như tuyên bố tặng khẩu trang miễn phí nếu đăng ký thông tin cá nhân…

Trong đó, thông tin gây hoang mang dư luận nhất thời gian gần đây là việc sử dụng đá granite trong khi tắm có thể tiêu diệt virus Corona.

Ngay khi thông tin này được lan truyền, các trang web mua sắm tại Nhật Bản, ví dụ như Mercari, đã chứng kiến số lượng đặt hàng tăng cao đến chóng mặt cho các sản phẩm liên quan tới đá granite. Tình trạng mất kiểm soát trong thời gian ngắn khiến độ khan hiếm gia tăng, kéo theo đó là giá cả bán ra cũng tăng vọt.

Tranh cướp đá granit ở Nhật, tụ tập ăn lá hẹ ở Nga để phòng dịch Corona: Đừng để tư duy số đông tác động lý trí, đẩy bạn vào cửa tử - Ảnh 1.

Giá cả các loại sản phẩm đá granite gia tăng chóng mặt.

Theo Fuji TV, một số loại đá granite đã được chào bán với giá trên trời khoảng 5.000 JPY (tương đương với 1.055.298 VND), viên đắt nhất thậm chí lên tới 12.000 JPY (tương đương với 2.533.616 VND), nhưng vẫn được tiêu thụ với số lượng chóng mặt.

Để tránh tình trạng kiếm lời dựa trên việc kích động nỗi sợ hãi của quần chúng từ một số đối tượng, hầu hết các sản phẩm này đã được gỡ bỏ quảng cáo trên các trang web thương mại điện tử. Người phát ngôn của Mercari, Ayaka Suzuki, không bình luận gì về các cáo buộc về phía website, nhưng cô vẫn thừa nhận có tình trạng này xảy ra ở một số người bán.

Theo Koichiro Yoshida, giáo sư nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kindai, cho rằng tuyên bố này không hề có cơ sở khoa học. Ông chưa bao giờ nghe nói về khả năng diệt virus của đá granite.

Fuji TV cũng đưa ra, theo báo cáo nghiên cứu từ các tổ chức nghiên cứu khoa học, tính khả thi của việc dùng đá granite trong khi tắm sẽ giết chết virus Corona mới là không tồn tại.

Sau cuộc tranh đoạt này, tờ nhật báo lớn thứ hai của Nhật Bản - Asahi Shimbun đã đưa ra dự đoán rằng ngành nghề sản xuất bia mộ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một quản lý cửa hàng khi được phỏng vấn đã bày tỏ khó khăn trong việc tìm kiếm đầu vào nguyên liệu thô là đá granite để sản xuất.

Nhiều người dân cũng lo lắng về tình trạng an ninh tại các khu mộ vì người Nhật có tập tục sử dụng đá granite để dựng bia mộ tưởng nhớ người quá cố. Với tình trạng này, sợ rằng sẽ có không ít “kẻ trộm mộ” ra đời.

Không chỉ liên quan tới đá granite, truyền hình Asahi TV tại Nhật cũng đã đưa tin về một cuộc “tranh đoạt” tương tự xảy ra với mặt hàng natto, một món ăn truyền thống làm từ hạt đậu tương lên men.

Tranh cướp đá granit ở Nhật, tụ tập ăn lá hẹ ở Nga để phòng dịch Corona: Đừng để tư duy số đông tác động lý trí, đẩy bạn vào cửa tử - Ảnh 2.

Loại đậu tương lên men natto được xếp hàng mua rất nhanh tại các siêu thị.

Vì có một thời gian, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản không ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Corona mới. Nơi đây lại là địa phương nổi tiếng với việc sản xuất và tiêu thụ natto, nên nhiều người bắt đầu lan truyền thông tin natto có tác dụng trong việc phòng chống dịch bệnh và tranh nhau đi mua.

Một số siêu thị ở Tokyo phải đưa ra các hạn chế đối với việc mua hàng, yêu cầu mỗi người chỉ được mua một sản phẩm đủ dùng mà thôi, nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu hàng liên tục. Theo một nhà sản xuất thực phẩm lớn của Nhật Bản, các đơn hàng Natto đã tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm 2019 và hàng tích trữ tại các siêu thị lớn cũng được bán hết nhanh chóng.

Đáp lại, Cơ quan tiêu dùng Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt để tuyên bố rằng: "Hy vọng mọi người nhận thức rõ ràng, hiện nay, chưa có bất cứ loại thuốc hay sản phẩm nào được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng phòng chống virus Corona mới hiệu quả". 

Tình trạng lan truyền thông tin vô căn cứ, chưa được kiểm chứng rõ ràng về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID - 19 cũng không chỉ diễn ra tại Nhật Bản.

Gần đây, hơn 20.000 người đã tập trung tại Grozny, thủ đô của Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga, để tổ chức một lễ hội nhỏ để nấu và sử dụng các loại món ăn chế biến từ cây hẹ. Họ thậm chí còn ép lấy nước để uống trực tiếp.

Hành động này bắt nguồn từ luồng tin cho biết cây hẹ rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và có thể gia tăng sức đề kháng cho con người. Do đó, người dân địa phương tại đây đã tin rằng ăn hẹ có thể ngăn chặn virus Corona mới.

Tranh cướp đá granit ở Nhật, tụ tập ăn lá hẹ ở Nga để phòng dịch Corona: Đừng để tư duy số đông tác động lý trí, đẩy bạn vào cửa tử - Ảnh 4.

Hình ảnh người dân tụ tập với số đông tại đây để sử dụng cây hẹ.

Tuy nhiên, bản thân họ lại bỏ qua nguy cơ lây nhiễm rất cao khi tụ tập đông người để cùng ăn uống, không đeo khẩu trang hay sử dụng bất cứ phương pháp phòng ngừa dịch tễ nào.

Chưa bàn đến tác dụng của cây hẹ trong quá trình chống dịch, bản thân hoạt động này đã vô cùng phản khoa học khi bỏ qua nhân tố cốt lõi để hạn chế dịch bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người là giữ khoảng cách an toàn, hạn chế đi lại và tiếp xúc với nhau.

Trước tình trạng này, rất nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: Tại sao mọi người lại lựa chọn tin tưởng các tin đồn vô căn cứ này nhiều hơn cả những khuyến nghị chăm sóc sức khỏe chính thống mà chuyên gia y tế đưa ra?

Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp, vì háo danh, muốn nổi tiếng hoặc do bất cẩn. Do đó, để kháng cự lại tin giả, cách tốt nhất là đặt câu hỏi. Bạn có thể thuận lợi hơn nếu được giáo dục đào tạo tới một trình độ để có thể phản biện, lý luận. Đừng để sự xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng biến bản thân trở thành nạn nhân của tin giả.

Tranh cướp đá granit ở Nhật, tụ tập ăn lá hẹ ở Nga để phòng dịch Corona: Đừng để tư duy số đông tác động lý trí, đẩy bạn vào cửa tử - Ảnh 5.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên