MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ cựu CEO của Nissan bỏ trốn khiến Nhật Bản rúng động: Mớ bòng bong ở liên minh ô tô lớn nhất thế giới

03-01-2020 - 12:29 PM | Tài chính quốc tế

Carlos Ghosn tự phác họa bản thân là 1 người bị đọa đày và cho rằng mình không làm điều gì sai trái, nhưng những hành động của ông trên thực tế xứng đáng bị điều tra.

Lần gần nhất thế giới chứng kiến 1 nhân vật có tên Carlos chạy trốn khỏi luật pháp và tới Lebanon là từ năm 1975, khi trùm khủng bố khét tiếng Carlos the Jackal lẩn trốn ở Beirut. Lần này, nhân vật vừa tẩu thoát không phải là 1 tên tội phạm mà lại là vị CEO nổi tiếng của làng ô tô thế giới.

Ngày 31/12, Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo của Renault-Nissan, người bị bắt ở Nhật hồi tháng 11 với tội doanh gian lận tài chính, bất ngờ tẩu thoát và xuất hiện ở Lebanon – nơi ông đã lớn lên và không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản. Xuất hiện trên truyền thông Lebanon, Ghosn khẳng định mình là nạn nhân của "sự bất công và ngược đãi về mặt chính trị" của hệ thống luật pháp Nhật Bản.

Trong khi đó, những công tố viên Nhật Bản coi Ghosn như "một con gián đang chạy trốn khỏi luật pháp". Còn theo Economist, đây không phải là 1 câu chuyện đạo đức đơn thuần và mỗi chương trong câu chuyện dài kỳ về Ghosn – liên doanh Renault-Nissan, hệ thống luật pháp Nhật Bản và chính bản thân Ghosn – đều có những câu hỏi rất khó trả lời.

Carlos Ghosn bắt đầu đảm đương vị trí lãnh đạo Nissan từ năm 2001 và từ năm 2005 là cả Renault. Hãng xe Pháp có 43% cổ phần tại hãng xe Nhật Bản, và cùng với Mitsubishi họ tạo thành liên minh sản xuất xe ô tô lớn nhất thế giới xét theo sản lượng. Nghe qua thì rất ấn tượng, nhưng kể cả Ghosn – người nổi tiếng là đam mê các biện pháp cắt giảm chi phí – cũng đã gặp rất nhiều khó khăn để liên minh này có thể hoạt động trơn tru. Theo Ghosn, ông muốn Renault và Nissan gắn kết nhiều hơn nhưng những quan chức và các lãnh đạo người Nhật vì muốn bảo tồn sự độc lập của Nissan nên tống Ghosn vào tù để làm hỏng kế hoạch của ông.

Ghosn tự phác họa bản thân là 1 người bị đọa đày và cho rằng mình không làm điều gì sai trái, nhưng những hành động của ông trên thực tế xứng đáng bị điều tra.

Tháng 9/2019, Ủy ban chứng khoán Mỹ cho biết Ghosn và 1 đồng nghiệp đã giấu nhẹm khoản thù lao 140 triệu USD nhận được từ Nissan, trong đó có liên quan đến nhiều hợp đồng bí mật và nhiều chi tiết vi phạm pháp luật. Sau đó Nissan, Ghosn và người đồng nghiệp đó đã giàn xếp vụ việc, chấp nhận nộp phạt nhưng cũng không thừa nhận hay chối bỏ lời buộc tội. Ghosn bị cấm ngồi vào ghế lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ trong 10 năm.

Ngoài ra còn có những báo cáo về các giao dịch phức tạp và Nissan và Ghosn. Nếu đó là sự thật, Ghosn đã xâm phạm ranh giới giữa tài chính cá nhân và tài chính của công ty mà ông điều hành.

Đọc đến đây bạn có thể nghĩ rằng hệ thống luật pháp Nhật Bản sẽ nhanh chóng tìm ra sự thật và đưa ra những phán quyết công bằng. Nhưng việc sử dụng lời thú tội để đảm bảo tỷ lệ phạm tội lên đến hơn 99% phản ánh các nghi phạm bị đối xử khắc nghiệt. Ghosn bị bắt, sau đó được thả, rồi lại bị bắt và lại được thả, bị thẩm vấn mà không có luật sư. Các luật sư của Ghosn cho biết họ không được tiếp cận với các tài liệu quan trọng và trong quá trình bị giam lỏng Ghosn bị hạn chế tiếp xúc với vợ cũng như sử dụng internet. Sau 13 tháng điều tra, phiên tòa vẫn chưa thể bắt đầu.

Vụ tẩu thoát của Ghosn càng làm tình hình ở liên minh Renault-Nissan (với hơn 300.000 nhân viên) trở nên rối ren hơn. Sau khi sáp nhập với nhau một phần vì không thể hoạt động hiệu quả khi là những công ty riêng lẻ, liên minh này vẫn rất bấp bênh – tỷ lệ ROE hợp nhất giảm xuống dưới 5% trong năm 2019. Cả hai đều chứng kiến doanh thu và lợi nhuận biên sụt giảm.

Tháng 5 năm ngoái, Renault có ý định sáp nhập với Fiat Chrysler để chiếm lĩnh thị trường châu Âu, nhưng những rắc rối về quản lý và sự can thiệp từ chính phủ Pháp khiến thương vụ đổ bể. Thay vào đó Fiat giờ đã sáp nhập với 1 hãng xe khác của Pháp là PSA.

Giải pháp để tháo gỡ mớ bòng bong này là gì? Renault và Nissan nên sáp nhập hoàn toàn hoặc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo và phân tách rõ ràng. Cả hai đều cần cắt giảm chi phí để có lợi nhuận trở lại. Giới chức Nhật Bản cần giải thích Ghosn đã lẩn trốn như thế nào và đối mặt với những cáo buộc ngược đãi. Còn đối với chính Ghosn, đã đến lúc ông lấy lại tên tuổi của mình. Từ chỗ là "ông vua" của ngành ô tô, giờ đây Ghosn đang đứng trước nguy cơ trở thành kẻ sống ngoài vòng pháp luật, cả đời ngồi ở ghế sau và "trốn trong chăn".

Tham khảo Economist

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên